Yên Minh phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi số
BHG - Hạ tầng số là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số và công dân số. Xác định rõ vai trò quan trọng đó, huyện Yên Minh đang nỗ lực phát triển, đảm bảo tốt hạ tầng số để chuyển đổi số (CĐS), nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.
Hạ tầng số bao gồm: Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và hạ tầng trung tâm dữ liệu. Theo Quyết định số 749 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đặt mục tiêu đến 2025 sẽ phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G; đến 2030 phổ cập dịch vụ mạng di động 5G. Với quan điểm người dân là trung tâm của CĐS, thiết bị di động thông minh là phương tiện chính của người dân trong thế giới số; quyết định cũng xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp phát triển hạ tầng số. Trong đó, tập trung quy hoạch lại băng tần, phát triển hạ tầng mạng di động 5G, nâng cấp mạng di động 4G, sớm thương mại hóa mạng di động 5G. Với quan điểm hạ tầng số cần được phát triển đi trước, huyện Yên Minh đã cụ thể hóa thành nhiệm vụ theo từng năm, từng giai đoạn, đặc biệt, tập trung ưu tiên phát triển hạ tầng viễn thông. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông trong quá trình phát triển hạ tầng như: Hỗ trợ giải phóng mặt bằng, công tác xây dựng, tuyên truyền, vận động người dân…
Người dân sử dụng các ứng dụng, tiện ích trên điện thoại thông minh. |
Thời gian qua, hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng trong cơ quan được huyện Yên Minh quan tâm phát triển, duy trì hiệu quả tại Huyện ủy, UBND huyện và 18 xã, thị trấn. Hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang cung cấp dịch vụ internet cố định băng rộng và dịch vụ truy cập internet 3G, 4G phủ sóng tới 100% các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn. Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện thoại di động, truy cập internet ngày càng cao của người dân, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, trạm thu phát sóng thông tin di động (trạm BTS), xóa vùng lõm sóng di động, phát triển internet băng rộng. Hiện, tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động toàn huyện đạt 98%; tỷ lệ hộ có kết nối internet chiếm 60%; mật độ thuê bao điện thoại đạt 95 thuê bao/100 dân.
Đồng chí Trần Hữu Quý, Giám đốc Kỹ thuật Viettel Chi nhánh Yên Minh cho biết: Với đặc thù huyện Yên Minh địa lý hiểm trở gây ra những khó khăn nhất định trong công tác thi công, lắp đặt; chất lượng sóng tại một số địa bàn kém hoặc không có sóng. Trước thực tế đó, đơn vị đã nỗ lực khắc phục khó khăn, huy động nhân lực triển khai lắp mới các trạm BTS, mở rộng vùng phủ sóng, xóa các vùng lõm trắng sóng. Bằng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật và tối ưu hóa chất lượng mạng lưới, đơn vị đã phát triển, lắp đặt, duy trì hoạt động 53 trạm BTS với trên 2.000 km cáp quang băng rộng phục vụ nhân dân. Dự kiến năm 2024, chi nhánh sẽ lắp đặt 10 trạm mới, phấn đấu giảm thêm 10 khu vực có sóng yếu. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về kỹ thuật, thiết bị để phủ sóng mạng 5G tại các địa bàn trung tâm.
Thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghệ thông tin và hạ tầng trung tâm dữ liệu, VNPT Chi nhánh Yên Minh đã chủ động triển khai, duy trì các ứng dụng vào quản lý, khai thác, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành iOffice; Cổng thông tin điện tử VNPT Portal, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính VNPT iGate; quản lý y tế cơ sở và hồ sơ sức khỏe… Đồng thời, cung cấp, triển khai chữ ký số; cung cấp giải pháp biên lai điện tử cho các xã, thị trấn. Để phục vụ CĐS thuận lợi, đơn vị tập trung nâng cấp hạ tầng, bảo đảm mạng lưới, an toàn thông tin, phục vụ tốt việc điều hành, trao đổi của chính quyền, người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, phát triển các trạm BTS, tăng tốc độ đường truyền, mở rộng hạ tầng viễn thông băng rộng chất lượng cao theo hướng tắt sóng 2G, giảm trạm 3G, tăng tỷ lệ trạm 4G và sẵn sàng phát triển hạ tầng mạng 5G.
CĐS là quá trình lâu dài, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của các doanh nghiệp viễn thông, cấp ủy, chính quyền các cấp trong phát triển hạ tầng số sẽ giúp huyện Yên Minh bắt nhịp CĐS thành công. Trong đó, huyện tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách cho hạ tầng số; đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng dùng chung, thanh toán, thông tin tín dụng; ưu tiên thu hút các nguồn lực xã hội vào phát triển hạ tầng số, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân và mọi thành phần kinh tế tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông.
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc