Quyết tâm xóa “vùng lõm” sóng di động

16:36, 24/07/2023

BHG - Xây dựng hạ tầng xã hội số là điều kiện cơ bản, quan trọng để thực hiện thành công chuyển đổi số (CĐS) ở cả 3 trụ cột và đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử. Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng các cấp, ngành đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để xóa “vùng lõm” sóng di động, internet, phấn đấu đến năm 2030 phổ cập dịch vụ internet băng rộng cáp quang, mạng di động 5G, tạo thuận lợi phát triển KT - XH trong môi trường số.

Khách du lịch sử dụng mạng Internet tại thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn).
Khách du lịch sử dụng mạng Internet tại thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn).

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2.833 trạm thu, phát sóng, trong đó có 734 trạm 2G, 1.010 trạm 3G, 1.086 trạm 4G, 3 trạm 5G. 100% xã, phường, thị trấn có sóng di động và mạng Internet cáp quang tại các khu vực trung tâm xã. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tích cực phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, đơn vị chức năng của Bộ TT&TT khắc phục khó khăn, tranh thủ nguồn lực đầu tư bổ sung các trạm phát sóng và thiết bị phát sóng di động, mở rộng phủ sóng di động thêm 17 thôn tại các huyện: Đồng Văn 5 thôn, Mèo Vạc 2 thôn, Vị Xuyên 3 thôn, Xín Mần 1 thôn, Bắc Quang 3 thôn, Quang Bình 2 thôn, Yên Minh 1 thôn. Tỷ lệ thôn được phủ sóng di động đạt 98,16%. Phần lớn người dân trên địa bàn tỉnh có thể dễ dàng truy cập internet, thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến và giao dịch trực tuyến một cách dễ dàng, tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển KT - XH.

Có được kết quả ấy, trước hết nhờ sự thay đổi trong tư duy và hành động về CĐS của cả hệ thống chính trị và người dân. BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 18 về CĐS trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu, giải pháp cụ thể. UBND tỉnh ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT); trong đó, các doanh nghiệp cam kết hỗ trợ Hà Giang đầu tư cơ sở hạ tầng mạng lưới, hạ tầng CNTT tới vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nâng cao năng lực tối đa cho CĐS toàn diện của tỉnh như: Hạ tầng cáp quang Internet, hạ tầng dịch vụ di động băng thông rộng, hạ tầng lưu trữ dữ liệu lớn, điện toán đám mây; tranh thủ nguồn lực viễn thông công ích để phủ sóng điện thoại, internet đến vùng sâu, vùng xa, xóa “vùng lõm” sóng trên địa bàn tỉnh. Tập đoàn Viettel đang thử nghiệm phát sóng di động 5G tại trung tâm thành phố Hà Giang và cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn) phục vụ du lịch và phát triển KT - XH trên địa bàn.

Bên cạnh kết quả trên, do địa bàn rộng, phức tạp, điều kiện KT - XH còn nhiều khó khăn, nguồn lực hạn chế nên đến nay toàn tỉnh vẫn còn 36 thôn “trắng sóng”, đây là những thôn đặc biệt khó khăn, dân cư ít và không tập trung, lưu lượng sử dụng thấp; trong đó có 20 thôn chưa có điện. Trả lời ý kiến của cử tri và đại biểu HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVIII, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Với quyết tâm xóa “vùng lõm” sóng, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị ưu tiên nguồn lực đầu tư kéo điện cho 20 thôn chưa có điện để tạo điều kiện thuận lợi lắp đặt các trạm thu, phát sóng; giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp phối hợp phủ sóng đối với các thôn đã có điện, phấn đấu đến hết năm 2023 sẽ phủ sóng hết những thôn có điện.

Theo lãnh đạo Sở TT&TT, trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông có chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng viễn thông, tối ưu và tăng vùng phủ sóng di động, triển khai cáp quang internet đến hộ gia đình; hỗ trợ người dân sử dụng điện thoại thông minh; hỗ trợ Hà Giang phát triển hạ tầng viễn thông ở những thôn đặc biệt khó khăn thông qua quỹ Viễn thông công ích; hoàn thành chỉ tiêu do Ủy ban Quốc gia về CĐS giao, gồm: Hỗ trợ phát triển mới và duy trì thuê bao internet cáp quang cho 31,7% hộ gia đình (tương đương khoảng 81.104 thuê bao); hoàn thành tỷ lệ phủ sóng băng rộng di động cho 100% thôn, bản; hỗ trợ người dân có điện thoại thông minh khoảng 24,8% dân số. Bên cạnh đó, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn phối hợp triển khai theo hướng sử dụng chung hạ tầng, tối ưu chi phí đầu tư, phấn đấu đến năm 2025 triển khai mới 601 trạm thu, phát sóng thông tin di động và triển khai internet cáp quang tới 931 thôn; các địa phương, doanh nghiệp quan tâm cải thiện hệ thống điện tại các thôn chưa có điện; thực hiện đo kiểm, tối ưu hạ tầng mạng lưới, tăng vùng phủ sóng di động; hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, cơ sở y tế, giáo dục và UBND xã đầu tư điểm hỗ trợ truy cập thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đường truyền cáp quang internet; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông cung cấp các gói cước, dịch vụ với yêu cầu tốc độ cao; phát triển mô hình wifi công cộng tại khu du lịch, khu triển khai mô hình chợ 4.0.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bảo hiểm Xã hội Mèo Vạc tích cực thực hiện Đề án 06
BHG - Thực hiện Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6.1.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Bảo hiểm Xã hội (BHXH) huyện Mèo Vạc tích cực việc cập nhật bổ sung số định danh cá nhân Căn cước công dân (CCCD) của người tham gia trong cơ sở dữ liệu BHXH Việt Nam quản lý và tiếp tục cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số.
27/06/2023
Tổ công nghệ số cộng đồng Tân Quang giúp người dân chuyển đổi số
BHG - Các Tổ công nghệ số cộng đồng (TCNSCĐ) trên địa bàn xã Tân Quang (Bắc Quang) thường xuyên sâu sát cơ sở, xuống từng hộ trợ giúp người dân cách thanh toán tiền điện, nước, nộp hồ sơ trực tuyến nhanh gọn, thuận tiện, chính xác, hiệu quả thông qua điện thoại thông minh kết nối internet.
23/06/2023
Chợ truyền thống thích ứng với xu thế hiện đại
BHG - Trước sự bùng nổ của mạng lưới các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cùng các loại hình thương mại điện tử những năm gần đây khiến cho hình ảnh của những khu chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Giang đang dần bị mờ nhạt. Tuy nhiên, có thể khẳng định, chợ truyền thống vẫn luôn có vị trí nhất định trong đời sống xã hội. Hiện, các tiểu thương cũng đang từng bước thay đổi để phù hợp với xu hướng mua sắm hiện đại.
22/06/2023
Đổi mới sinh hoạt nghiệp vụ báo chí
BHG - Trong dòng chảy của nền báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Hà Giang đã không ngừng chú trọng đến công tác bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho các phóng viên để mỗi phóng viên có thể phát huy năng lực, sở trường của bản thân trong quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí. Đặc biệt, kể từ khi đại dịch Covid-19 và thực hiện Nghị quyết 18 của tỉnh về chuyển đổi số, Báo Hà Giang đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong nền tảng mô hình tòa soạn hội tụ; ứng dụng công nghệ trường quay ảo vào sản xuất chương trình truyền hình; truyền hình đa phương tiện; đổi mới sinh hoạt nghiệp vụ; tăng tương tác trên kênh fanpage, làm cho tờ báo có không gian bao phủ rộng rãi, tăng số lượng bạn đọc, chất lượng thông tin.
21/06/2023