Động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển
Sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ngày càng vươn xa trên các thị trường trong nước và quốc tế. |
Để cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KH&CN, trong giai đoạn 2016 – 2020, Sở KH&CN tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản, kế hoạch về KH&CN và đổi mới sáng tạo, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh; ưu tiên hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; kết nối cung - cầu công nghệ, nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm và tài sản trí tuệ…
Việc triển khai thực hiện đột phá về ứng dụng KHKT và công nghệ vào sản xuất và đời sống theo Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh được triển khai hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đã ứng dụng đồng bộ hệ thống văn phòng điện tử, thư điện tử, một cửa điện tử, hội nghị trực tuyến vào hoạt động quản lý và điều hành của các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ. Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, nhiều máy móc thiết bị được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chỉ tính riêng trong năm 2020, Sở KH&CN thực hiện quản lý 52 đề tài, dự án KH&CN, trong đó 50 đề tài, dự án cấp tỉnh; 2 đề tài, dự án cấp bộ. Thành lập 29 Hội đồng khoa học chuyên đề thẩm định, nghiệm thu các nhiệm vụ KH&CN; đặt hàng 2 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi thực hiện từ năm 2021 gồm: Ứng dụng KH&CN vào trồng và chế biến cây dược liệu gắn với phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Hà Giang; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất chè hữu cơ đặc sản và xây dựng thương hiệu chè tại Hà Giang.
Sở KH&CN cũng tích cực, chủ động tham gia hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư trên địa bàn; tăng cường phối hợp tập huấn cho thanh niên về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020. Hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản của địa phương luôn được quan tâm đẩy mạnh, góp phần tạo dựng uy tín, quảng bá thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm của tỉnh trên thị trường. Đến nay, toàn tỉnh có 7 chỉ dẫn địa lý, 7 nhãn hiệu chứng nhận, trên 10 nhãn hiệu tập thể và hơn 100 nhãn hiệu độc quyền, dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Hoạt động đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ được Sở KH&CN phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thường xuyên. Trong năm 2020, tổ chức thực hiện 2 nhiệm vụ KH&CN gồm: Đề tài nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống và phát triển cây Sâm cau; xây dựng mô hình chăn nuôi gà Xương đen tại xã Tả Lủng (Đồng Văn). Duy trì các mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quyết Tiến (Quản Bạ) như mô hình trồng Lan rừng, Xạ đen, dưa lưới các loại…
Cùng với đó, lĩnh vực hợp tác KHCN trong nước và quốc tế cũng được thực hiện hiệu quả với các đề tài, dự án đã và đang triển khai như: Thực hiện 3 đề tài, dự án hợp tác trong nước và phối hợp triển khai hiệu quả dự án hợp tác Việt Nam – Cộng hòa Liên bang Đức về phát triển công nghệ khai thác nước bền vững (KaWaTech), nhằm cung cấp nước cho vùng núi đá vôi khu vực Đồng Văn, gồm 3 thành phần dự án đã được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng…
Hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh ta những năm gần đây đã khẳng định vai trò, động lực trong phát triển KT – XH, đóng góp thiết thực trong nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm QP – AN, trật tự và an toàn xã hội.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc