Hội thảo lấy ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của BTV Tỉnh ủy về Chuyển đổi số
BHG - Chiều 23.4, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của BTV Tỉnh ủy về Chuyển đổi số. Đồng chí Đỗ Thái Hòa, Giám đốc Sở TT&TT chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, các đơn vị viễn thông trên địa bàn.
Toàn cảnh hội thảo. |
Chuyển đổi số là xu hướng phát triển mới, tác động và làm thay đổi tổng thể, toàn diện mọi khía cạnh của đời sống KT – XH. Những năm qua, tỉnh ta đã tập trung lãnh, chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế như: Việc xây dựng các nền tảng xây dựng chính quyền điện tử chậm hoàn thiện; một số ngành, lĩnh vực chưa chủ động tham gia chuyển đổi số; việc kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu giữa các cơ quan còn hạn chế; số lượng hồ sơ trực tuyến còn thấp… Do đó, BTV Tỉnh ủy đã giao các sở, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng Dự thảo Nghị quyết chuyên đề về Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tại hội thảo, các đơn vị viễn thông trên địa bàn đã trình bày một số phương án chuyển đổi số của ngành mình như: VNPT Hà Giang với phương án chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, tập trung vào nâng cao kỹ năng dạy học trực tuyến, thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt; các loại hồ sơ, sổ sách, học bạ điện tử trong nhà trường. Bưu điện tỉnh với việc ứng dụng chuyển đổi số cho các dịch vụ bưu điện đang cung cấp, đổi mới hoạt động quản lý khách hàng, tự động hóa khai thác vận chuyển, xây dựng phương án thanh toán không dùng tiền mặt trong các dịch vụ bưu chính. Viettel Hà Giang với giải pháp ứng dụng công nghệ AI và Big Data, Callbot nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng và rút ngắn thời gian chờ đợi, giúp tăng mức độ hài lòng của khách hàng…
Đại diện các sở, ban, ngành tham dự hội thảo đều đánh giá: Việc xây dựng, ban hành Nghị Quyết của BTV Tỉnh ủy về Chuyển đổi số là hết sức cần thiết. Nội dung của Dự thảo Nghị quyết cơ bản đảm bảo tính tổng thể, bao quát, với những mục tiêu, giải pháp cụ thể. Một số ý kiến cho rằng: Cần chỉnh sửa thêm về bố cục của Dự thảo Nghị quyết để đảm bảo ngắn gọn, súc tích. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá rõ thực trạng điều kiện chuyển đổi số, phát triển chính quyền điện tử, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh. Bổ sung thêm giải pháp phù hợp, bảo đảm tính khả thi, lộ trình thực hiện cho từng năm và cả giai đoạn…
Tin, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc