Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào đời sống
BHG - Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ (KHCN) vào sản xuất, đời sống để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả công việc là xu thế tất yếu hiện nay. Dù còn khó khăn, nguồn lực đầu tư cho nhiệm vụ KHCN chưa nhiều nhưng những năm qua, tỉnh ta đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để nghiên cứu, phát triển KHCN, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT – XH.
Trồng cà chua trong nhà lưới mang lại hiệu quả cao cho người dân xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ. |
Có thể khẳng định, năm 2019 là năm gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực KHCN của tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình, đề án, tổ chức các hội nghị về: Mở rộng kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất và đời sống; đột phá về ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất phục vụ phát triển KT – XH; áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và phát triển KHCN giữa tỉnh Hà Giang và trường Đại học Thái Nguyên giai đoạn 2019-2020... Đặc biệt, tỉnh đã khánh thành và đưa vào sử dụng công trình bơm nước sinh hoạt không dùng điện (PAT) thuộc dự án Kawatech; phê duyệt triển khai nhiều dự án KHCN; triển khai ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý trong các cấp, ngành, các đơn vị trên toàn tỉnh; nghiên cứu, ứng dụng KHCN phục vụ 5 chương trình trọng tâm theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh; thu hút các doanh nghiệp tham gia hoạt động KHCN.
Các chuyên gia kiểm tra hệ thống bơm nước sinh hoạt không dùng điện (PAT) thuộc dự án Kawatech tại huyện Đồng Văn trước khi vận hành khai thác. (Ảnh chụp năm 2019). |
Đến nay, toàn tỉnh có 102 sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 3 nhãn hiệu chứng nhận, 9 nhãn hiệu tập thể, 84 nhãn hiệu thông thường và 6 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đặc sản của tỉnh, bao gồm: Hồng không hạt Quản Bạ, gạo Già Dui Xín Mần, cam Sành, chè Shan tuyết, thịt bò Hà Giang và mật ong Bạc hà Mèo Vạc. Hoạt động sở hữu trí tuệ góp phần tạo dựng uy tín, quảng bá thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm trên thị trường.
Ngành KHCN đã triển khai 3 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, gồm: Nghiên cứu bảo tồn và phát triển gen một số loài thủy sản; ứng dụng công nghệ sản xuất tỏi đen và hoa Atiso theo chuỗi giá trị; bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững cây Chè Shan tuyết cổ thụ Hà Giang. Hướng dẫn 3 đơn vị xây dựng hồ sơ thuyết minh dự án để nhân rộng các kết quả nghiên cứu khoa học. Toàn tỉnh hiện có 3 doanh nghiệp KHCN đang hoạt động hiệu quả; 260 cơ quan, đơn vị áp dụng và chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001-2015. Sở KH&CN phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức tập huấn khởi nghiệp theo tinh thần đổi mới, sáng tạo; hình thành các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho 400 thanh niên.
Để triển khai tốt Nghị quyết phát triển KT - XH năm 2020 của HĐND tỉnh và Chương trình hành động năm 2020 của UBND tỉnh, ngành KHCN xác định: Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của T.Ư, của tỉnh về phát triển KHCN; xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển KHCN giai đoạn 2020-2025 và các năm tiếp theo; tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để huy động tối đa nguồn lực, nhất là chính sách hỗ trợ pháp lý, tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, tạo liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đối với các đề tài, dự án KHCN; nâng cao chất lượng các hội đồng thẩm định, nghiệm thu các đề tài đề án; tăng cường phương thức đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp về lĩnh vực KHCN; tham gia các hoạt động kết nối cung cầu, chợ công nghệ thiết bị để trình diễn, giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh; đẩy nhanh quá trình thương mại hóa công nghệ từ kết quả nghiên cứu đề tài vào thực tiễn gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Giám đốc Sở KH&CN Phan Đăng Đông, cho biết: Để các nhiệm vụ KHCN được ứng dụng vào thực tiễn, ngành sẽ tiếp tục đổi mới công tác KHCN; thực hiện cơ chế đặt hàng, ưu tiên những nhiệm vụ được hình thành từ cơ sở, có địa chỉ ứng dụng, có sự tham gia của “bốn nhà”; lựa chọn các lĩnh vực trọng tâm ứng dụng tiến bộ khoa học tạo sự đột phá, có tác động ngay và trực tiếp vào kết quả phát triển KT-XH của tỉnh; đổi mới công tác tư vấn công nghệ một số ngành sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm địa phương; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chuyên môn và UBND các huyện, thành phố trong triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch của tỉnh về KHCN.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc