Bảo tồn và phát triển các nguồn gen dược liệu
BHG - Phát triển dược liệu là một trong những chương trình trọng tâm của tỉnh. Để thực hiện được mục tiêu này, việc bảo tồn và phát triển các nguồn gen dược liệu là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trên cơ sở đó, ngày 12.9.2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2137/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề tài “Nghiên cứu sản xuất giống và phát triển các loài dược liệu trong danh mục ưu tiên của tỉnh Hà Giang”. Đề tài được giao cho Trung tâm Khoa học kỹ thuật (KHKT) giống cây trồng Đạo Đức thực hiện.
Cán bộ nghiên cứu Đề tài kiểm tra sự phát triển của vườn cây giống Huyền sâm. Ảnh: CTV |
Có thể khẳng định, Hà Giang là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về sản xuất dược liệu. Tỉnh có 6 khu bảo tồn thiên nhiên với tổng diện tích 51.000 ha, đây là nơi bảo tồn hệ động, thực vật vô cùng phong phú. Theo các nhà khoa học và các nghiên cứu của các cơ quan chức năng; trong các khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh hiện được xác định có đến 51 loài dược liệu có tên trong Sách đỏ Việt Nam, đây là tiềm năng lớn cho sự phát triển nguồn dược liệu của địa phương.
Mặc dù đến nay, tỉnh ta đã ban hành danh mục phát triển 20 loài cây dược liệu của tỉnh. Tuy nhiên đến nay, nguồn giống của hầu hết 20 loài cây dược liệu chưa đảm bảo về số lượng, chất lượng; vẫn chưa có nhiều đơn vị thực hiện việc nghiên cứu sản xuất giống và phát triển các loài dược liệu trên, trong khi nhu cầu về giống dược liệu là rất lớn. Về sản xuất dược liệu của người dân đa phần là nhỏ lẻ, chưa áp dụng kỹ thuật từ khâu chọn giống, chăm sóc, bảo quản, kiểm soát và chưa xây dựng được mối liên kết giữa các chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hiệu quả sản xuất dược liệu ở Hà Giang chưa tương sứng với tiềm năng địa phương.
Trên cơ sở đó, với năng lực, kinh nghiệm đáp ứng cho việc nghiên cứu bảo tồn, nhân giống các loại dược liệu; Trung tâm KHKT giống cây trồng Đạo Đức được giao nhiệm vụ thực hiện Đề tài “Nghiên cứu sản xuất giống và phát triển các loài dược liệu trong danh mục ưu tiên của tỉnh Hà Giang”. Với nỗ lực của Trung tâm KHKT và sự phối hợp với các địa phương, đơn vị; đến nay, Trung tâm đã triển khai thực hiện tốt các nội dung gồm: Chọn giống, vật liệu nhân giống tốt phục vụ công tác nhân giống 20 loài dược liệu của tỉnh; nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất giống 20 loài cây dược liệu; hoàn thiện quy trình trồng trọt cho 20 cây dược liệu và xây dựng mô hình sản xuất theo hướng GACP - WHO tại Hà Giang đối với 5 loài dược liệu như: Bạch chỉ, Đan sâm, Ngưu tất, Huyền sâm, Xuyên khung.
Có thể nói, 20 loài cây dược liệu nằm trong mục tiêu nghiên cứu của Đề tài “Nghiên cứu sản xuất giống và phát triển các loài dược liệu trong danh mục ưu tiên của tỉnh Hà Giang” cũng là đối tượng ưu tiên phát triển của các công ty dược liệu tham gia vào phát triển vùng dược liệu Hà Giang. Qua đó, việc tổ chức thực hiện tốt Đề tài này sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy Chương trình phát triển cây dược liệu của tỉnh; tạo bước đột phá về khoa học công nghệ của Hà Giang.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Văn Hiếu, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm KHKT giống cây trồng Đạo Đức, cho biết: Đến nay, Đề tài đã được triển khai đạt 90% khối lượng công việc. Trong đó, đã hoàn thành công tác điều tra, thu thập nguồn gen 20 cây dược liệu trong và ngoài tỉnh, thu thập được 60 nguồn vật liệu; thực hiện trồng và so sánh đánh giá 60 nguồn vật liệu giống thu thập được từ các địa phương. Đối với việc triển khai nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống, đã thực hiện nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống bằng phương pháp nhân giống vô tính của các loài bao gồm Ý dĩ, Actiso, Đương quy, Ngưu tất, Bạch chỉ, Cát cánh, Hoàng kỳ, Xuyên khung, Bạch truật, Huyền sâm, Đảng sâm, Ngũ gia bì gai, cây Nưa, Đỗ trọng, Tam thất. Kết quả đã được Sở NN&PTNT ra quyết định ban hành 4 quy trình kỹ thuật tạm thời sản xuất giống dược liệu bằng phương pháp hữu tính, áp dụng cho 4 loài Đương quy, Ý dĩ , Ngưu tất và Actiso. Vừa qua, Sở NN&PTNT cũng đã ra quyết định ban hành 3 quy trình kỹ thuật tạm thời sản xuất giống dược liệu bằng phương pháp nuôi cấy mô tế báo (Invitro), áp dụng cho 3 loài là Bình Vôi, Kim Ngân và Tục Đoạn. Trung tâm KHKT giống cây trồng Đạo Đức cũng đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình trồng trọt của 5 loài là Đương quy, Ý dĩ, Ngưu tất, Đan sâm, Actiso và đã được Sở SNN&PTNT ra quyết định ban hành 5 quy trình kỹ thuật tạm thời trồng và chăm sóc, áp dụng cho 5 loài trên.
Đến nay, đơn vị nghiên cứu Đề tài cũng đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất dược liệu hướng GACP – WHO. Qua đó, đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất cây Bạch Chỉ theo hướng GACP – WHO tại xã Đạo Đức, Vị Xuyên. Xây dựng mô hình sản xuất cây Xuyên Khung theo hướng GACP-WHO tại huyện Quản Bạ. Đồng thời, xây dựng vườn bảo tồn các loài cây dược liệu như Đương quy, Ý dĩ, Actiso, Đan sâm, Hà thủ ô đỏ, Kim ngân, Bình vôi, Bạch chỉ tại các huyện Vị Xuyên, Quản Bạ và Đồng Văn.
Huy Ba
Ý kiến bạn đọc