Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai:

Nhân lực CNTT: Yếu do chương trình đào tạo

13:47, 29/09/2008

Trong những năm gần đây, mặc dù số lượng cơ sở đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT) cũng như chỉ tiêu tuyển sinh trên toàn quốc ngành CNTT-TT tăng lên rất nhanh nhưng chất lượng đào tạo vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội.


Lấy ví dụ, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ngành CNTT-TT năm 2008 là khoảng 50.000 – tăng 125% so với năm 2007 và 160% so với năm 2006. Giả dụ tỉ lệ bình quân sinh viên ngành CNTT-TT ra trường là 70% thì tới đây chúng ta sẽ đón nhận khoảng 90.000 lao động ngành CNTT-TT có trình độ từ cao đẳng trở lên.
 
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tính đến năm 2007 Việt Nam có trên 220.000 lao động làm việc trong lĩnh vực CNTT-TT (gồm các doanh nghiệp viễn thông, công nghiệp phần cứng, điện tử, công nghiệp phần mềm và nội dung số). Số có trình độ cao đẳng trở lên về CNTT-TT (gồm công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông) khoảng 97.000 người với trên 32.000 người làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp phần mềm và nội dung số.
 
Song thực tế cho thấy nguồn nhân lực CNTT-TT của Việt Nam hiện vẫn “thừa lượng thiếu chất”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này mà một trong số đó là do chương trình, giáo trình, trang thiết bị phòng thí nghiệm của các cơ sở đào tạo vẫn chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của lĩnh vực CNTT-TT. Mặt khác, sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực CNTT còn chưa chặt chẽ.

Giải pháp
 
Chuẩn hóa chương trình đào tạo
 
Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận ra được những hạn chế này. Hai bộ đã đồng trình Thủ tướng Chính phủ “Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”, trong đó có đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo CNTT. Cụ thể như: Xây dựng chương trình khung đào tạo CNTT, bảo đảm sự liên thông của  các trình độ đào tạo, tăng tỷ lệ thực hành ở các môn học CNTT, loại bỏ các chương trình lạc hậu không đáp ứng yêu cầu, tiếp thu có chọn lọc và triển khai đào tạo theo các chương trình đào tạo tiên tiến của thế giới về CNTT, chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên, giáo viên CNTT…
 
Ngoài ra trong quy hoạch cũng có đề ra nhiệm vụ xây dựng và ban hành “Hệ thống chuẩn về các trình độ đào tạo công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; quy định điều kiện hoạt động đào tạo và cấp chứng chỉ công nghệ thông tin; Chính sách cho phép đào tạo liên thông giữa các cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ với các cơ sở đào tạo công nghệ thông tin bậc đại học trong nước” và giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện. Hiện nay các văn bản có liên quan đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương xây dựng.
 
Có thể nói đa số các chương trình đào tạo CNTT tại các trường ĐH và CĐ của chúng ta chưa theo kịp thế giới. Một phần là do đặc thù CNTT là ngành có tốc độ thay đổi công nghệ rất nhanh, nên tài liệu học cũng phải liên tục cập nhật, trong khi nhiều trường không có đủ kinh phí để thực hiện điều này.
 
Từ năm 2006, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã triển khai thí điểm đào tạo theo các chương trình tiên tiến tại 9 trường đại học trong cả nước theo hướng ký cam kết với trường đại học tiên tiến của Hoa Kỳ về sử dụng chương trình đào tạo, tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý của Việt Nam; cũng như việc đầu tư vốn xây dựng cơ sở vật chất, cử giáo viên sang tham gia giảng dạy và giúp kiểm định chương trình. Tuy nhiên, số lượng các đối tượng thụ hưởng chương trình này là không nhiều.
 
Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế chính sách đặc thù đối với thành lập và hoạt động của các cơ sở giáo dục đào tạo về CNTT. Trong Dự thảo này, có một nội dung quy định nhà nước sẽ mua bản quyền các chương trình đào tạo CNTT tiên tiến trên thế giới và chuyển giao chương trình đó cho các cơ sở đào tạo trên cả nước. Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, số lượng sinh viên được thụ hưởng chương trình đào tạo tiên tiến sẽ tăng lên đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng sinh viên CNTT Việt Nam.
 
Đào tạo theo nhu cầu
 
Trong thời gian qua, chất lượng đào tạo nhân lực CNTT còn một số bất cập, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp CNTT chưa cao. Nguyên nhân của vấn đề này là chương trình đào tạo còn chưa kịp cập nhật theo sự phát triển rất nhanh chóng của CNTT, còn thiếu gắn kết giữa nội dung đào tạo với thực tiễn. Mặt khác, sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực CNTT còn chưa chặt chẽ.
 
Đào tạo theo nhu cầu là một trong những biện pháp có thể gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp trực tiếp đào tạo hệ đại học công nghệ thông tin như VNPT, FPT, EVN... Một số doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nâng cao đối với các kỹ sư mới ra trường hoặc liên kết với các trường ĐH đào tạo một số chuyên ngành cũng như cung cấp các hạ tầng cơ sở, điều kiện kỹ thuật cho các trường ĐH. Những hoạt động này đã góp phần thỏa mãn nhu cầu của xã hội, đồng thời đảm bảo các chương trình đào tạo luôn được cập nhật phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ.
 
Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực CNTT, Bộ cũng đã có định hướng trong các văn bản quy phạm pháp luật như sau. Thứ nhất là cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp, viện nghiên cứu. Thứ hai là cần tăng cường việc thực tập tại các cơ sở sản xuất kinh doanh cho người học.


vnmedia

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đề tài ứng dụng chế phẩm kivica trên cây cam sành - kết quả bước đầu
HGĐT- Tỉnh ta có 4.078,4 ha cam, quýt và được trồng tập trung ở các huyện Quang Bình, Bắc Quang và Vị Xuyên. Trong đó, diện tích cho thu hoạch là 2.637,7 ha, chủ yếu là Cam Sành, sản lượng quả hàng năm đạt gần 20 nghìn tấn. Trong những năm qua, cây cam có những đóng góp nhất định vào sự nghiệp phát triển KT - XH, XĐGN ở địa phương.
26/09/2008
Internet và những tác động làm thay đổi tại Việt Nam
Từ khi chính thức đặt chân đến Việt Nam cách đây hơn 10 năm, Internet đã trở nên quen thuộc với mỗi người đến mức, nói đến vai trò của internet người ta cho rằng đó là nói về một câu chuyện quá cũ, một sự thật quá hiển nhiên. Nhưng chắc chắn rằng, internet sẽ vẫn tiếp tục mang đến những bất ngờ ngoài sức tưởng tượng.
26/09/2008
Ðẩy mạnh nghiên cứu khoa học về an toàn vệ sinh thực phẩm
An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là lĩnh vực rộng lớn, phức tạp và nhạy cảm bởi nó liên quan đời sống hằng ngày của người dân, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, nhất là khi chúng ta đang mở cửa hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.
25/09/2008
Máy ảnh cười mới chụp
Có khá nhiều nhà sản xuất trang bị tính năng nhận diện gương mặt (Face Detection) cho máy ảnh số. Thậm chí, đã có một vài máy ảnh số có thể nhận diện đến 15 gương mặt trong khung hình (Multi Face Detection).
25/09/2008