Internet và những tác động làm thay đổi tại Việt Nam
Từ khi chính thức đặt chân đến Việt Nam cách đây hơn 10 năm, Internet đã trở nên quen thuộc với mỗi người đến mức, nói đến vai trò của internet người ta cho rằng đó là nói về một câu chuyện quá cũ, một sự thật quá hiển nhiên. Nhưng chắc chắn rằng, internet sẽ vẫn tiếp tục mang đến những bất ngờ ngoài sức tưởng tượng.
Làm việc tại cơ quan. Làm việc ở quán cà phê hay thậm chí làm việc khi đang di chuyển. Với internet, không gian làm việc của nhiều người không còn bó hẹp trong 4 bức tường công sở. Thêm nữa, internet còn là kho giải trí vô tận. Chính điều này đã góp phần hình thành thói quen: Làm việc trong khi giải trí, giải trí trong giờ làm việc...
Theo TS Mai Anh, Phó CT - TTK Hội Tin học VT HN: "Internet đã làm thay đổi phương thức sống, phương thức làm việc của con người ở mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, sau giờ làm việc về nhà, mọi người lại lên mạng để gửi mail hay tra cứu thông tin là việc hết sức bình thường".
Ở một lĩnh vực khác là trong khu vực hành chính công. Khi đến nộp hồ sơ tại cơ quan công quyền, người dân chỉ việc nhận mã số. Để biết liệu hồ sơ của mình đã đầy đủ hay chưa, và đang được xử lý ở cấp độ nào, họ chỉ việc ở nhà và gửi đi một dòng tin nhắn hay truy cập vào cổng thông tin điện tử một cửa.
Hay tại các chi cục hải quan điện tử. Khác hẳn với không khí náo nhiệt thời kỳ trước, bây giờ là sự im lặng, vắng vẻ. Với hệ thống máy tính nối mạng với cơ quan hải quan, doanh nghiệp đã không phải đến đây xếp hàng cả buổi. Gánh nặng thủ tục hành chính, xem ra đã được hạn chế rất nhiều...
Có thể nói, một loạt khái niệm điện tử đã được ra đời từ những ứng dụng này...
Theo ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở TT - TT TP.HCM: "Việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước chưa phải là cao, song nhiều đơn vị đã phụ thuộc vào nó. Không có internet không thể có chính phủ điện tử. Internet đã thay đổi hẳn phương thức hoạt động của các cơ quan công quyền".
Hiện nay, internet đã về đến nông thôn, đến tận các bản mường. Những người nông dân giờ đây đã không chỉ dựa vào những kinh nghiệm canh tác theo kiểu truyền miệng từ đời này qua đời khác mà đã biết lên mạng để tìm kiếm thông tin, cập nhật giá cả nông sản.
Thậm chí, thay vì phải chào bán sản phẩm của mình tại các chợ đầu mối, họ đã biết dạo chợ trên mạng, tìm kiếm khách hàng cả ở trong và ngoài nước.
Có thể nói, hình ảnh người nông dân Việt Nam đã khác trước rất nhiều. Khi internet về làng, bức tranh nông thôn Việt Nam cũng đã thay đổi đáng kể. Nguyên Thứ tưởng Bộ TT - TT Đỗ Trung Tá đã khẳng định rằng: "Internet, ĐTDĐ đã thực sự về làng".
Thật khó có thể đề cập đầy đủ những thay đổi ở tầm vĩ mô cũng như vi mô dưới sự tác động của internet. Sẽ là phiến diện nếu chỉ cho rằng tất cả những thay đổi do internet mang lại đều là những thay đổi tích cực. Sự biến đổi trong nhận thức, trong lối sống có thể tốt, có thể xấu, nhưng những tác động sống hoàn toàn do con người tạo ra và hoàn toàn có thể khắc phục. Hiện nay, internet còn đang thể hiện một vai trò khác, vai trò cầu nối sẻ chia, vai trò cầu nối của những tấm lòng...
Khi internet trở thành nhịp cầu sẻ chia
Tin tức về vụ sập cầu Cần Thơ... Những thiệt hại do thiên tai, bão lũ.... những số phận éo le... thậm chí ngay từ khi báo chí chưa đăng tải, ngay từ khi cơ quan chức năng chưa phát động thì một phong trào quyên góp qua blog, qua diễn đàn, qua Yahoo Messenger đã được cộng đồng mạng hưởng ứng....
Không ai có thể phủ nhận, truyền tin qua internet là hình thức truyền thông tin nhanh nhất và có phạm vi rộng nhất. Theo PV Thế Hào, Thời báo Kinh tế VN: "Trước đây những thông tin chỉ được bó hẹp trong phạm vi rất nhỏ qua những cuộc hội nghị, qua những tổng kết, qua những nghiên cứu, thì nay, thông qua mạng cộng đồng, những thông tin bé hay lớn, riêng hay chung đều đã được chuyển tải lên mạng và nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng. Những thông tin này đặc biệt mang lại lợi ích rất to lớn cho xã hội như kêu gọi ủng hộ hay bỏ phiếu cho phong cảnh đẹp của đất nước".
Chưa một lần gặp mặt. Không cần biết quê quán, tuổi tác, sẵn sàng tư vấn, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm là điều dễ nhận thấy ở hầu hết mỗi thành viên khi tham gia các diễn đàn trên mạng. Ảo mà thật. Thật từ môi trường ảo. Một cộng đồng thực sự đã được hình thành trên môi trường internet.
Một môi trường kinh doanh lý tưởng
Cung - cầu tìm thấy nhau trên internet, từ lâu đã không còn là điều gì mới mẻ; Những hợp đồng có giá trị không hề nhỏ đã được ký kết, khi các đối tác chưa một lần gặp gỡ trực tiếp; Có thể nói, trong môi trường toàn cầu hoá, internet đã làm rất tốt vai trò cầu nối của mình...
Theo TS Mai Anh: "Internet là công cụ tuyệt vời để liên kết con người trong xã hội, liên kết các quốc gia với nhau, hỗ trợ các vùng lãnh thổ để nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực kinh doanh".
Nội dung số hiện tại đã trở thành mối quan tâm của không chỉ các doanh nghiệp khai thác nội dung mà đã trở thành một ngành công nghiệp thực sự ở tầm quốc gia. Ngành công nghiệp này trên thực tế là tận dụng nguồn tài nguyên trên môi trường internet để tạo ra lợi nhuận
Không chỉ là con đường ảo kết nối thế giới trong môi trường kinh doanh toàn cầu, không chỉ là cầu nối để tạo ra lợi nhuận, bản thân internet còn là môi trường kinh doanh lý tưởng mà nếu khai thác tốt có thể đem lại những nguồn lợi nhuận khổng lồ.
Đến lúc này, thật khó có thể hình dung sẽ thế nào nếu internet đột ngột biến mất, nếu Việt Nam bỗng dưng bị cô lập với mạng internet toàn cầu. Trong hơn 10 năm có mặt tại Việt Nam, đủ để internet làm cho mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội phụ thuộc vào mình - Một sự phụ thuộc tình nguyện. Cách đây hơn 10 năm, không ai có thể hình dung internet sẽ làm nên những thay đổi như thế nào, và do vậy, càng khó có thể dự báo những tác động của internet đến Việt Nam, đến mỗi cá nhân trong 10 năm nữa.
Ý kiến bạn đọc