Đề tài ứng dụng chế phẩm kivica trên cây cam sành - kết quả bước đầu
HGĐT- Tỉnh ta có 4.078,4 ha cam, quýt và được trồng tập trung ở các huyện Quang Bình, Bắc Quang và Vị Xuyên. Trong đó, diện tích cho thu hoạch là 2.637,7 ha, chủ yếu là Cam Sành, sản lượng quả hàng năm đạt gần 20 nghìn tấn. Trong những năm qua, cây cam có những đóng góp nhất định vào sự nghiệp phát triển KT - XH, XĐGN ở địa phương.
Song thực tế vài năm trở lại đây, cây cam sành ở tỉnh ta đang đứng trước những khó khăn và có nguy cơ giảm cả về diện tích, năng suất và chất lượng vì các cấp chính quyền chưa có giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm nên để xảy ra tình trạng một số hộ không tiêu thụ hết sản phẩm, tự ý sử dụng các chất bảo quản không rõ nguồn gốc làm cho danh tiếng Cam Sành của tỉnh bị giảm sút. Trong 3 năm gần đây, giá bán cam chỉ bằng 1/2 - 1/3 giá lúa cùng thời điểm (giá bán tại vườn từ 1.500đ - 2.000đ/kg). Mặc dù địa phương đã có những chính sách đối với người trồng cam như: Xây dựng thương hiệu, nghiên cứu nâng cao năng suất, chất lượng cho Cam Sành, đặc biệt tỉnh đã có Chỉ thị cấm sử dụng các loại hoá chất bảo quản không rõ nguồn gốc... tuy nhiên, việc tiêu thụ cam vẫn gặp khó khăn và giá thành chưa có sự thay đổi tích cực, người trồng cam vẫn lúng túng trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Xuất phát từ những thực trạng trên, từ năm 2005, Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh giao cho Trung tâm Thông tin & Chuyển giao công nghệ mới triển khai đề tài ứng dụng chế phẩm KIVICA, một loại chế phẩm được nghiên cứu, sản xuất tại Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch - Khoa Công nghệ thực phẩm - Trường Đại học Nông nghiệp I - Hà Nội. Với mục đích ứng dụng công nghệ sinh học vào kéo dài thời gian sinh trưởng và chín của quả cam từ 30 đến 45 ngày, nhằm kéo dài thời gian thu hoạch giúp người trồng cam có nhiều sự lựa chọn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Một giải pháp kỹ thuật nhằm rải vụ, giảm áp lực về chín dồn vụ góp phần nâng cao giá thành sản phẩm và thu nhập cho người trồng cam. Khi sử dụng giải pháp này, người trồng cam không phải sử dụng các loại hoá chất bảo quản nên không làm ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng của cam cũng như góp phần đảm bảo VSATTP. Đề tài được triển khai thí điểm ở các thôn Sơn Hà, xã yên Hà (Quang Bình) và thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) trong các vụ cam 2005 - 2006 và 2006 - 2007. Kết quả nghiệm thu của Hội đồng khoa học cấp tỉnh về thực hiện đề tài cho thấy: Chế phẩm KIVICA đã kéo dài được thời gian xanh quả trên cây và chín hoàn toàn sau chính vụ 45 ngày. Sau 2 năm nghiên cứu và ứng dụng, những lô được phun chế phẩm KIVICA vào thời điểm từtháng 11 đến trung tuần tháng 12 có tác dụng kéo dài thời gian xanh của quả trên cây lâu hơn so với các công thức khác và không bị ảnh hưởng đến mẫu mã quả. Cam sử dụng chế phẩm có năng suất trung bình 287,7 tạ/ha, tăng 11,26% so với đối chứng. Vụ cam năm 2006 - 2007 năng suất cam cao hơn so với năm 2005 - 2006 là do cây cam được bổ sung thêm 2 loại phân bón sinh học Bioplant và Proplant có tác dụng làm cho cây cam sinh trưởng và phát triển khoẻ mạnh, hạn chế được sâu bệnh. Có thể khẳng định: Chế phẩm KIVICA ngoài tác dụng làm chậm chín quả còn có các tác dụng làm giảm tỷ lệ dụng quả, tăng trọng lượng quả và không bị ảnh hưởng tới năng suất vụ sau. Tuy nhiên, số quả trên cây vụ sau có giảm, do khi cây ra hoa (vào tháng 3), cây vẫn còn mang quả nên tỷ lệ ra hoa và đậu quả thấp hơn đối chứng, nhưng số quả trên cây của vụ cam năm sau có mức độ đồng đều cao, trọng lượng quả tăng và mẫu mã đẹp hơn do cây phải nuôi quả, đồng thời cây đã được bổ sung một số nguyên tố dinh dưỡng vi lượng từ chế phẩm của năm trước. Kết quả mở rộng thấy được hiệu quả của vụ cam năm 2005 - 2006, tại Hội chợ thương mại huỵên Bắc Quang, sản phẩm cam chín muộn của hộ ông Trần Thanh Lưu, xã Vĩnh Hảo, được khách hàng đặc biệt quan tâm và với giá cam bán tại Hội chợ là 15.000đ/kg. Vụ cam năm 2006 - 2007, ngoài diện tích 0,5 ha của đề tài tiếp tục nghiên cứu ứng dụng trên địa bàn xã Vĩnh Hảo, một số hộ như hộ ông Lân, ông Phong, ông Bắc, ông Phương và gia đình ông Lưu đã tự liên hệ với chuyên gia của đề tài mua chế phẩm và mở rộng mô hình lên trên 4 ha, tương đương với hơn 100 tấn quả. Giá bán cam chín muộn của vụ cam năm 2006 - 2007 chênh lệch tới 4.000 - 5.000đ/kg so với cam chính vụ. Nếu tính với giá bán cam chín muộn chỉ cao hơn cam chính vụ 1.000đ/kg thì riêng mô hình cam chín muộn của xã Vĩnh Hảo (vụ cam 2006 - 2007) đã thu lợi trên 100 triệu đồng. So sánh hiệu quả kinh tế cho thấy, cam sử dụng chế phẩm KIVICA cho hiệu quả cao hơn cam không sử dụng chế phẩm từ 20 đến 30 triệu đồng/ha/năm. Sự thành công của đề tài tạo tiền đề cho những nghiên cứu, ứng dụng công nghệ về sinh học phục vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong các khâu như chọn, tạo giống, thay đổi chu kỳ sinh lý, thay đổi những đặc điểm không mong muốn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tạo thu nhập cho nông dân. Cùng với việc thí nghiệm trên cây cam, Ban Chủ nhiệm đề tài còn tổ chức được 6 lớp tập huấn cho gần 100 lựơt người tham gia tập huấn lý thuyết kết hợp với thực hành ngay trên vườn cam. Các lớp tập huấn đã giúp cho bà con nông dân nắm bắt được các kỹ thuật sử dụng các loại chế phẩm, thuốc BVTV và kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Qua tập huấn, cơ bản các học viên đã tiếp thu được những tiến bộ KHKT. Đặc biệt, các hộ gia đình hiểu được hiệu quả, lợi ích của việc sử dụng chế phẩm KIVICA làm chậm quá trình chín, rải vụ chín đối với Cam Sành...
Sau 2 năm nghiên cứu và ứng dụng, Ban Chủ nhiệm đề tài đã xây dựng và hoàn chỉnh hướng dẫn kỹ thuật về sử dụng chế phẩm KIVICA đối với cây Cam Sành Hà Giang và khẳng định hiệu quả của chế phẩm KIVICA có tác dụng làm chậm chín trên cam đến 50 ngày so với mùa vụ tự nhiên và không làm ảnh hưởng đến thời gian ra hoa. Tỷ lệ đậu quả tuy có giảm nhưng không ảnh hưởng đến năng suất do cam năm sau cho quả to, đều, mã quả đẹp và cây khoẻ hơn. Tuy nhiên những kết quả nghiên cứu ứng dụng chế phẩm làm chậm chín trên cam mới chỉ là những kết quả bước đầu do đó, Ban Chủ nhiệm đề tài mong muốn tỉnh xem xét tiếp tục giao cho cơ quan có chức năng thử nghiệm, theo dõi tác dụng của việc sử dụng chế phẩm trên Cam Sành Hà Giang trước khi đưa ra khuyến cáo nhân rộng; trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội tiếp tục nghiên cứu khẳng định, hoàn thiện công nghệ, tiến tới đề nghị Bộ NN& PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ xác nhận và cho phép ban hành, ứng dụng rộng rãi, để sớm phát huy hiệu quả vào sản xuất đối với cây Cam Sành, sản phẩm hàng hóa “mũi nhọn” của địa phương.
Ý kiến bạn đọc