Thanh Thủy hiện thực hóa Tám lời Bác Hồ căn dặn
BHG - Đảng bộ xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) đã nghiêm túc thực hiện theo Tám lời Bác Hồ căn dặn, cùng nhau đoàn kết, nỗ lực vượt qua những gian khó để đẩy mạnh phát triển KT – XH; thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước tạo diện mạo mới nơi vùng biên.
Anh Cháng Văn Việt (thứ 2 bên phải), thôn Nặm Ngặt nuôi cá phát triển kinh tế hộ. |
Đã 60 năm từ ngày Bác Hồ lên thăm Hà Giang, những lời căn dặn, di huấn của Người đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn được Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Thủy cụ thể hóa bằng hành động thiết thực. Hiện nay, Thanh Thủy đã trở thành địa phương có kinh tế phát triển ổn định, hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư, nâng cấp, giúp người dân đi lại thuận tiện, giao thương hàng hóa được thông suốt. Diện mạo nông thôn được thay đổi nhiều, khoa học kỹ thuật được ứng dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, được liên kết, giúp hình thành nên chuỗi sản phẩm mang đặc trưng của vùng. Chất lượng giáo dục ngày càng được quan tâm đồng bộ, thu hẹp khoảng cách giữa học sinh dân tộc thiểu số vùng biên giới với khu vực thành thị; chăm sóc sức khỏe người dân được chú trọng, văn hóa xã hội ngày càng đổi khác, đời sống vật của nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Phong trào chung sức xây dựng Nông thôn mới đã khơi dậy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đến nay xã hoàn thành được 13/19 tiêu chí, nỗ lực đến hết năm 2021 xã cán đích Nông thôn mới. Khắc sâu lời Bác dạy “Đời sống của đồng bào rẻo cao còn nhiều khó khăn, phải ra sức giúp đỡ đồng bào”, xã đã linh hoạt, sáng tạo với các nội dung thi đua thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, gắn với phụ trách các thôn, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.
Chị Đặng Thị Hương (thứ 2 bên trái), thôn Giang Nam kinh doanh máy nông cụ phục vụ sản xuất. |
Phát triển trồng rừng luôn được đề cao, năm 2021 trồng mới cây gỗ lớn như: Quế, Sa mộc, Bạch đàn, Bồ đề, Mỡ, Keo… với diện tích là 43,3 ha, giúp phủ xanh đồi trọc, bảo vệ bầu khí quyển, giữ đất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chương trình cải tạo vườn, đồi tạp được đẩy mạnh, giúp người dân chuyển đổi những diện tích đất bỏ hoang, cây bụi, cây trồng không mang lại hiệu quả kinh tế sang cây trồng có giá trị, như: Na dai, Ổi lê, mận Tam hoa. Chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm thông qua việc làm tốt công tác phòng, chống bệnh cho đàn vật nuôi. Hiện nay, tổng số gia súc, gia cầm của xã không ngừng tăng với trên 3.660 con gia súc, 10.368 con gia cầm. Diện tích chè 187 ha, đang cho thu hoạch 171 ha, năng suất đạt 50 tạ/ha, sản lượng bình quân 885 tấn; Thảo quả 148,6 ha, năng suất ước đạt 43 tạ/ha, sản lượng ước đạt 400 tấn. Chương trình xây nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà trong giai đoạn 2 đã xóa được 9 nhà.
Các gia đình tại các thôn luôn biết tận dụng nguồn chất thải của gia súc, gia cầm bón cho cây trồng giúp tiết kiệm chi phí, cây trồng phát triển tốt, kháng sâu bệnh gây hại; nâng cao ý thức, thay đổi tư duy, di chuyển chuồng trại gia súc ra xa nhà ở, chú ý nâng cao vệ sinh nơi ở sạch sẽ, để cơ thể luôn khỏe mạnh nâng cao năng suất lao động...
Từng lời căn dặn của Bác đã thấm sâu vào tâm trí mỗi người dân và được minh chứng qua mỗi việc làm cụ thể của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Thanh Thủy; ngày càng trở lên thường xuyên, có tác động rõ nét đến mọi lĩnh vực của đời sống và được hiện thực hóa bằng các hành động, việc làm cụ thể để tự hào báo công, dâng lên Bác.
Bài, ảnh: ĐỨC NINH