Lời dạy của Bác thấm trong từng bài giảng
BHG - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, không có tri thức, hiểu biết, con người sẽ luôn lệ thuộc, bất lực trước những thế lực và sức mạnh cản trở sự phát triển. Bởi vậy, trong buổi nói chuyện với hơn 1,7 vạn đồng bào tại Quảng trường 26.3 khi Người lên thăm Hà Giang năm 1961, Người căn dặn: “Đồng bào phải cố gắng xóa nạn mù chữ, phải biết đọc, biết viết thì làm ăn mới tiến bộ”.
Học sinh Trường Mầm non Sao Mai, thành phố Hà Giang trong giờ vận động ngoài trời. Ảnh: TƯ LIỆU |
Thấm nhuần Lời dạy của Bác, 60 năm qua, tỉnh luôn quan tâm, đầu tư phát tiển toàn diện giáo dục và đào tạo, qua đó đạt nhiều thành tựu quan trọng. Toàn tỉnh hiện có trên 820 cơ sở giáo dục, với tổng số trên 254.400 trẻ mầm non, mẫu giáo, học sinh phổ thông, học viên bổ túc văn hóa; 18.358 cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên, trong đó trên 15 nghìn nhà giáo là đảng viên. Hầu hết các nhà giáo có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 41,4%; có 7 trung tâm đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ; 6 trung tâm giáo dục kỹ năng sống và 3 trung tâm tư vấn dịch vụ du học. Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi đi học lớp 1 đạt 99,8%; trẻ 6-14 tuổi đến trường đạt 99%; tỷ lệ duy trì sỹ số hằng ngày đạt trên 98%. Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy học.
Là tỉnh miền núi với 19 đồng bào dân tộc cùng sinh sống, trong đó nhiều dân tộc thiểu số có ngôn ngữ riêng, vì vậy, việc dạy tiếng Việt cho trẻ đảm bảo các em biết đọc, biết viết luôn được các cơ sở giáo dục chú trọng. Ngành Giáo dục tăng cường kiểm tra, đánh giá các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học; triển khai chuyên đề giáo dục phát triển vận động cho trẻ; thực hiện hiệu quả đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm mon, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”; đề án “Chuyển học sinh từ điểm trường về học tại trường chính”; chú trọng xây dựng cảnh quan sư phạm, trang trí lớp học, tổ chức các câu lạc bộ, xây dựng các loại hình thư viện và tổ chức hướng dẫn đọc sách cho học sinh. Năm học 2020 – 2021, tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 99,93%; học sinh hoàn thành chương trình lớp 1 đạt 94,5%; duy trì tốt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Bên cạnh đó, các trường học chú trọng giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học, công nghệ trong học tập và giảng dạy; kích thích niềm say mê nghiên cứu khoa học, phát huy trí tuệ, kiến thức từ thực tiễn của cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên. Trong năm học, có 73 dự án đăng kí dự thi cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh. Nhiều mô hình giáo dục hay, hiệu quả được triển khai tại trường học như: Trường chất lượng cao; giữ gìn nét văn hóa dân tộc Cờ Lao, hát tiếng Nùng; “Lớp học kiểu mẫu”; “Giỏ sách mini”; rèn công tác nội vụ đối với học sinh bán trú; thư viện xanh và góc văn hóa truyền thống; hoạt động giáo dục gắn với bảo vệ di sản... Cùng với đó, thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Tám lời căn dặn của Bác, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên luôn nỗ lực phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, đổi mới tác phong, lề lối làm việc; xây dựng quy tắc ứng xử trong nhà trường; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Đặc biệt, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xóa mù chữ và tái mù, BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 26, ngày 17.4.2014 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; UBND tỉnh ban hành đề án xóa mù chữ đến năm 2020. Ngành Giáo dục ký kết, phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ công tác xóa mù chữ. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã mở được 904 lớp xóa mù với 21.338 học viên, 190 lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ với 4.629 học viên; số người trong độ tuổi từ 15 – 60 tuổi biết chữ ở mức độ I là trên 516.300 người. Năm 2020, Hà Giang đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ I. Toàn tỉnh có 1.488 “dòng họ học tập”, 1.085 “cộng đồng học tập”, 783 “đơn vị học tập”. Qua đó, giúp người dân biết đọc, biết viết, tiếp cận tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và kiến thức để phát triển kinh tế.
BIỆN LUÂN