Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh định hướng cho cách mạng Việt Nam

10:20, 16/05/2019

Bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau nửa thế kỷ, càng sáng tỏ giá trị lịch sử và tầm nhìn thời đại, tầm nhìn xa trông rộng của một bậc thiên tài. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh soi đường, định hướng cho cách mạng Việt Nam hôm qua, hôm nay và cho cả mai sau. Di chúc bất hủ của Người là chỉ dẫn, là lời dạy, là ngọn đuốc soi đường cho đất nước ta vững bước đi lên, phát triển bền vững.

Di chúc Bác Hồ.
Di chúc Bác Hồ. ảnh: Tư Liệu

Di chúc là tâm nguyện, là ý chí, niềm tin, là tình cảm và trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng. Là người cách mạng, là người mácxít, là người thấu hiểu quy luật khách quan của tự nhiên, của xã hội, của con người, trong Di chúc, Bác Hồ đã nhận thức và đón nhận quy luật của cuộc sống một cách chủ động, bằng phong thái ung dung tự tại, chuẩn bị cho việc ra đi bằng những lời tâm huyết dặn lại, Bác viết: “Tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”.

Mở đầu Di chúc với ý chí phi thường, niềm tin son sắt, tinh thần lạc quan cách mạng, trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân của Người thể hiện sâu sắc ở dự báo rất đúng về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ và về sự thống nhất đất nước. Người khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Đây là dự báo của một thiên tài, biết trước sự việc như Hồ Chí Minh. Người cũng nêu những công việc Người dự định làm sau đó. Người viết: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thiếu niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta…”.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình bất hủ về xây dựng Đảng cầm quyền. Là Người sáng lập, rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Người cho rằng sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong công tác xây dựng Đảng, thì vấn đề đoàn kết thống nhất trong Đảng là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất, là sự vận động và phát triển theo đúng quy luật của Đảng. Đoàn kết thống nhất trong Đảng là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền mà không đoàn kết thống nhất thì sự nghiệp cách mạng của dân tộc không thể thắng lợi.

Xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là nền tảng cho mọi thành công. Đoàn kết thống nhất không chỉ là vấn đề sinh tử của từng tổ chức Đảng các cấp, mà còn là sinh mệnh của toàn Đảng, là vấn đề sống còn của cách mạng.

Trong bản Di chúc, vốn được Người dành nhiều tâm huyết để hoàn thành, ngay từ năm 1965, Người đã viết: “TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG” và Người cũng khẳng định sức mạnh to lớn của đoàn kết qua thực tiễn cách mạng nước ta: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và dân tộc ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Như vậy có thể thấy, đoàn kết thống nhất trong Đảng không chỉ là mối quan tâm lớn hàng đầu của Người mà còn là sự trăn trở khi Người nghĩ về cả mai sau.

Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại luôn nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa quan trọng của đoàn kết thống nhất. Người không chỉ nêu ra yêu cầu phải đoàn kết trong Đảng mà Người còn chỉ rõ sự đoàn kết ấy phải là đoàn kết nhất trí, đoàn kết thống nhất, đó không phải là đoàn kết giả tạo, hình thức, nó phải thể hiện cả ở tư tưởng, cả trong hành động. Tư tưởng và hành động phải thống nhất. Không thể bề ngoài là đoàn kết nhưng những khi cần ra một quyết định, ban hành một quyết sách thì không có được sự thống nhất hay khi cần thì liên minh nhau lại nhân danh đoàn kết, khi không cần thì tìm cách cản trở công việc của nhau. Trong tư tưởng của Người, đoàn kết phải là đoàn kết thống nhất, trước sau như một, tức là phải dựa trên nền tảng đường lối, quan điểm của Đảng và vì lợi ích của cách mạng, của nhân dân, của tập thể. Người luôn nhấn mạnh: Đảng tuy có nhiều đảng viên, song khi tiến hành nhiệm vụ cách mạng thì chỉ như một người, trong Đảng không cho phép có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Đảng là tổ chức chính trị cao nhất của nhân dân, của dân tộc, các đảng viên đều tham gia tổ chức một cách tự giác, tự nguyện, việc giữ vững và thực hiện nghiêm minh các nguyên tắc của Đảng không chỉ là nguyện vọng của nhân dân mà còn là trách nhiệm của mỗi đảng viên. Người coi nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản và quan trọng, trong từng tổ chức Đảng phải thực hành dân chủ, mở rộng dân chủ, “Phải thực sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình”, mọi ý kiến, suy nghĩ của mỗi đảng viên đều phải được bày tỏ, được lắng nghe; mọi quyết định quan trọng đều phải được bàn bạc, thảo luận một cách dân chủ. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm túc tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Đoàn kết thống nhất trong Đảng đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải thật thà tự phê bình và phê bình, đây chính là một hình thức rèn luyện đảng viên để xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Bởi theo Người: “Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình và kiên quyết sửa chữa. Do tự phê bình và phê bình… mà chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ”. Đây cũng là quy luật phát triển của Đảng, tự phê bình và phê bình là để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, để công việc được hiệu quả hơn, để đoàn kết và thống nhất trong nội bộ. Để thực hiện đoàn kết thống nhất trong Đảng, Hồ Chí Minh yêu cầu phải thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Trong Di chúc, Người căn dặn “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.

Để có sự đoàn kết thật sự, không chỉ cần thực hiện nguyên tắc, bản lĩnh, lý trí mà còn rất cần tình thương yêu, sự đồng cảm và chia sẻ với nhau. Năm 1966, Người bổ sung vào bản Di chúc cụm từ “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Để có sự đoàn kết thống nhất thực sự thì bên cạnh tinh thần, lý trí, trong mỗi cán bộ, đảng viên phải có tình thương yêu đồng chí, có lòng nhân ái, nhân hậu. Trong thực hành công việc không chỉ là đặt ra yêu cầu hoàn thành công việc mà còn phải có sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành công việc. Vì vậy, để duy trì và bồi đắp đoàn kết thống nhất thì từng tổ chức Đảng bên cạnh việc phải chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, còn phải thường xuyên bồi dưỡng tình thân ái, tình thương yêu cảm thông chia sẻ, tình đồng chí.

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng yếu tố đạo đức trong Đảng, chống lại các căn bệnh “quan liêu”, “tham nhũng, lãng phí”, “xa dân”. Theo Người, Đảng cầm quyền có nhiệm vụ to lớn là lãnh đạo nhân dân xây dựng xã hội mới, tiến hành “một cuộc chiến đấu khổng lồ”, xóa đi những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, xây dựng những cái mới mẻ, tốt tươi. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn với 4 chữ “thật”: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thậttrung thành của nhân dân”.

Sự đoàn kết thống nhất trước hết phải được xây dựng trong Đảng, được thể hiện trong Đảng. Mỗi đảng viên, nhất là đảng viên giữ trọng trách lãnh đạo phải cương quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội trong chính bản thân mình trước những tác động từ bên ngoài. Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra: Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội chính là căn nguyên của mất đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Nhìn lại chặng đường đã qua với không ít giai đoạn rất phức tạp, nhưng BCH T.Ư mà hạt nhân là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn vững vàng, luôn đoàn kết thống nhất.

Thấm nhuần tư tưởng và thực hiện Di chúc của Người, những năm qua, Đảng ta luôn coi trọng, giữ gìn và phát huy đoàn kết thống nhất. Nhờ đó, Đảng đã quy tụ và phát huy được sức mạnh toàn dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo đất nước mà Nhân dân đã tin tưởng giao phó. Trong nhiều kỳ Đại hội Đảng, vấn đề đoàn kết thống nhất đều được nghiêm túc đặt ra, được xem xét, đánh giá một cách toàn diện và sâu sắc.

           (Còn nữa)

BTV

Nguồn: dangcongsan.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ huyện Quang Bình

BHG - Sáng 26.4, Hội đồng đội (HĐĐ) huyện Quang Bình tổ chức Đại hội đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ lần thứ III, nhiệm kỳ 2019 - 2024. Tới dự có các đồng chí Triệu Tài Phong, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Quang Bình; Hùng Thị Giang, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch HĐĐ tỉnh; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện; các ban, ngành, đoàn thể cùng 120 đại biểu thiếu nhi tiêu biểu đại diện cho trên 9 nghìn thiếu nhi toàn huyện.

26/04/2019
Bắc Mê tổ chức Hội thi tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

BHG - Ngày 24.4, tại Hội trường trung tâm huyện, Huyện ủy Bắc Mê đã tổ chức Hội thi tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019. Tới dự có đồng chí Bùi Văn Tuân, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy; lãnh đạo UBND huyện và đông đảo bà con trên địa bàn đến xem và cổ vũ. Góp mặt trong Hội thi năm nay gồm có 23 đội, đại diện cho các chi, đảng bộ trên địa bàn huyện. Các đội thi trải qua 3 phần thi: Chào hỏi, kiến thức và năng khiếu. Các nội dung hội thi xoay quanh Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng...

25/04/2019
Họp Ban tổ chức Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ, Hội thi Tin học trẻ và Liên hoan thiếu nhi các dân tộc tỉnh Hà Giang năm 2019

BHG - Chiều 24.4, BCH Tỉnh đoàn tiến hành họp Ban tổ chức Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ, Hội thi Tin học trẻ và Liên hoan thiếu nhi các dân tộc tỉnh Hà Giang năm 2019. Dự cuộc họp có đại diện các sở, ban, ngành là thành viên Ban tổ chức. Với mục tiêu tổ chức trang trọng, tiết kiệm, Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Hà Giang lần thứ VIII, năm 2019 được Tỉnh đoàn tổ chức lồng ghép cùng với Hội thi Tin học trẻ và Liên hoan thiếu nhi các dân tộc tỉnh trong thời gian từ ngày 22 -25.5.

25/04/2019
Hội thi "Tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" huyện Đồng Văn năm 2019

BHG - Vừa qua, Đảng bộ huyện Đồng văn tổ chức Hội thi "Tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" năm 2019. Hội thi có 26 đội tham gia. Các đội phải trải qua 3 phần thi gồm: Thi chào hỏi, thi kiến thức, thi năng khiếu. Qua các phần thi, các đội đã có nhiều tiết mục hay được thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa thông qua các thể loại kịch, thơ, múa, hát... 

24/04/2019