Những tấm gương làm theo lời Bác ở Phiêng Luông
BHG - Thực hiện Tám lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người lên thăm Hà Giang vào tháng 3.1961, trong những năm qua, Đảng ủy xã Phiêng Luông (Bắc Mê) đã tích cực thực hiện và coi đó là “kim chỉ nam”, hướng thoát nghèo của các hộ dân nơi đây. Trong đo, xã đặc biệt chú trọng vận động nhân dân “Cần phải phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn... là nguồn lợi lớn lại là nguồn phân bón ruộng nương”, từ đó đã hình thành nhiều tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế của xã.
Đàn bò của gia đình anh Cử Mí Lúa, thôn Phiêng Luông, xã Phiêng Luông. |
Là một xã khó khăn và cách xa trung tâm huyện, nhằm tìm ra cho bà con hướng đi trong việc thay đổi cách nghĩ, cách làm, xã đã áp dụng nhiều mô hình như: Trồng chè, lạc..., nhưng do không phù hợp với tập quán canh tác của các hộ dân nên các mô hình không mang lại hiệu quả. Nhưng từ khi triển khai mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt đã tạo sức lan tỏa và đồng tình cao của người dân, nhiều hộ dân từ 4 - 5 con trâu, bò đã phát triển đàn lên hơn 40 con.
Sở hữu những chú bò to, đẹp nhất thôn, anh Cử Mí Lúa, Trưởng thôn Phiêng Luông tâm sự: “Ngày xưa cả nhà theo cha di dời từ Đồng Văn về đây, tài sản duy nhất chính là những chú bò, ngày ấy đi bộ đến nơi cũng phải 7, 8 ngày đường. Tại vùng đất mới, xung quanh rừng núi, khó khăn trong việc khai hoang và phát triển kinh tế, bởi vậy cái nghèo cứ đeo bám suốt. Nhưng từ khi được cán bộ xã định hướng và tuyên truyền về việc phát triển đàn trâu, bò, hướng dẫn cách chăm sóc, từ đó đàn trâu, bò tăng dần; phân chuồng tận dụng làm phân bón nên cây ngô phát triển tốt,… kinh tế gia đình khá lên...”.
Điển hình trong việc làm theo lời Bác, còn có hộ anh Lý Văn Vừ, hội viên Hội Nông dân thôn Phiêng Luông, là một trong những người đi đầu phong trào phát triển kinh tế của xã. Hiện gia đình anh có trên 30 con trâu, trên 300 con gà và hơn 4ha cỏ. Bên cạnh đó, anh Vừ còn là thành viên tích cực trong việc tham gia xây dựng Nông thôn mới với việc tự mở 300 m đường vào nhà, làm nền nhà, công trình vệ sinh và chuyển chuồng trại ra xa nhà. Nhờ thay đổi trong cách làm, anh đã có cuộc sống khá giả hơn, với một căn nhà rộng, đầy đủ tiện nghi, có điều kiện nuôi dạy con tốt hơn.
“Sau một thời gian đẩy mạnh việc thực hiện Tám lời căn dặn của Bác Hồ, trong phát triển kinh tế đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, từ nguồn lợi bán trâu, bò bà con đã có thêm thu nhập để chi trả cho các sinh hoạt hàng ngày, mua phân bón, vật tư nông nghiệp... cùng với đó, nhận thức của người dân được nâng cao và hiệu quả sản xuất nông nghiệp tăng lên. Nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn theo Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh để đầu tư và phát triển gia trại của gia đình...” - anh Sùng Mí Nhù, Chủ tịch UBND xã Phiêng Luông cho biết.
Từ việc chăn nuôi nhỏ lẻ, kinh tế phụ thuộc vào thiên nhiên; ngô trồng không đủ ăn... thì nay, với việc thực hiện Tám lời căn dặn của Bác đã giúp cho kinh tế xã thay đổi, người dân đã biết trồng cỏ để phát triển chăn nuôi; mở rộng đất canh tác, kết hợp xen canh các loại cây trồng… giúp thay đổi cơ bản bộ mặt của xã, chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày một nâng cao.
Bài, ảnh: Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc