Người chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam trên đất bạn Lào

18:10, 08/09/2017

 

Cựu chiến binh Lù A Nảo.
Cựu chiến binh Lù A Nảo.

BHG - Thoáng nhìn, ông giống một lão nông vùng cao hơn là một người lính - một cán bộ quân đội đã từng chinh chiến “vào sinh ra tử” thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với 2 nước bạn Lào, Cam -pu - chia đánh Mỹ, giải phóng dân tộc. Và ông lại có mặt thời kỳ chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc tại mặt trận Hà Giang cho đến khi về nghỉ hưu. Gần 20 năm quân ngũ, ông đã được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng 7 Huân chương các loại; Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng thưởng 1 Huân chương cao quý Sa Na Lượt, vì đã có công lao đóng góp cho sự nghiệp giải phóng nước Lào... Ông là Lù A Nảo, 72 tuổi, dân tộc Giấy, quê tại thị trấn huyện Đồng Văn; hiện nay trú tại phường Quang Trung, thành phố Hà Giang; Ủy viên Trung ương Hội Hữu nghị Việt-Lào; Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Lào tỉnh Hà Giang; nguyên quân tình nguyện Việt Nam tại Lào; nguyên Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 824- Bộ CHQS tỉnh Hà Giang...

Ông Lù A Nảo kể: Tôi đi bộ đội tháng 4.1966, khi đó đang là cán bộ  Trung cấp Nông nghiệp huyện Đồng Văn. Sau một thời gian huấn luyện quân ở tỉnh Hà Bắc, thuộc Sư đoàn 250, rồi chuyển sang Trung đoàn 246 Quân khu Việt Bắc, biên chế vào Tiểu đoàn 927 sang nước bạn Lào vào Trung đoàn 776 Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở Lào. Đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ đóng quân ở Sầm Nưa vùng Thượng Lào. Cuộc sống của người lính thời chiến tranh phải bí mật, ở rừng rậm, xa dân, sinh hoạt vô cùng gian khổ... Ấy vậy mà nhiệm vụ của người lính thì không thể không làm. Chúng tôi được giao nhiệm vụ thường xuyên khống chế và đánh địch khu quân sự Pa Thí của Mỹ- ngụy Vàng Pao. Theo cấp trên cho biết, đây là khu quân sự rất quan trọng của địch, có cố vấn Mỹ, cố vấn Thái Lan giúp đỡ, là Trung tâm điều khiển ra đa của Mỹ- Ngụy hướng dẫn máy bay Mỹ đi ném bom bắn phá Bắc Việt Nam và các chiến trường khu vực Đông Dương: Lào, Việt Nam. Địch luôn có 2 tiểu đoàn quân tăng cường với trên 1.000 tên, có pháo binh các loại, sân bay... Nếu hiệu quả đánh địch của bộ đội ta và quân giải phóng Pa - thét Lào cao, thì sẽ góp phần làm hạn chế tổn thất của ta ở các chiến trường khác... Chính vì vậy mà đơn vị chúng tôi đã nêu quyết tâm rất lớn, cán bộ, chiến sĩ quyết vượt lên mọi khó khăn gian khổ, kể cả hy sinh để đánh địch. Trong thời gian ở Lào, tôi tham gia đánh 14 trận lớn và nhỏ, bị thương tới 4 lần. Hiện tại là thương binh hạng 4/4.

Ông nhớ lại một trong những kỷ niệm về đất Lào. Đó là năm 1969,  khu quân sự Pa Thí được bộ đội Việt Nam và quân giải phóng Pa - thét Lào giải phóng, cần một chính quyền lãnh đạo nhân dân ổn định cuộc sống... Đơn vị cần cán bộ trong đơn vị biết tiếng Mông để tiếp cận với nhân dân sở tại. Ông Nảo là người dân tộc Giấy của Việt Nam, nói tiếng Mông rất tốt. Thế là ông được chọn vào Ban lãnh đạo dân sự ở Pa Thí. Tình hình Pa Thí sau giải phóng vẫn còn phức tạp, bạn Lào chưa thể tiếp nhận được sự quản lý, bạn thống nhất với đơn vị bộ đội Việt Nam quyết định giao cho ông phụ trách vùng mới giải phóng Pa Thí (Đơn vị hành chính tương đương chức Chủ tịch xã ở Việt Nam). Ông đã cùng với anh em bộ đội Việt Nam củng cố bộ máy chính quyền, ổn định cuộc sống cho nhân dân, nắm bắt tình hình, phân loại các đối tượng trong xã hội, trong đó 90% đàn ông dân bản nghiện hút thuốc phiện. Ông mở lớp cai nghiện cho những người nghiện hút, xây dựng lớp học cho trẻ em. Củng cố công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tổ chức bà con sản xuất, giữ gìn trật tự, trị an, an ninh xã hội.vv... Sau 3 tháng, tình hình dần đi vào ổn định, đơn vị bộ đội Việt Nam bàn giao lại chính quyền cho một cán bộ ở MTTQ Lào được trên cử đến tiếp quản... Hơn 6 năm làm nhiệm vụ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, qua các chiến trường Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, tháng 2.1972, ông Lù A Nảo được cấp trên điều về Việt Nam đi học Trường sĩ quan đào tạo cán bộ Trung, cao cấp quân đội. Sau khi tốt nghiệp Trường quân sự Trung, cao cấp, ông được điều về công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tuyên, nay là Hà Giang, ở phòng cán bộ. Một thời gian ông lại được điều xuống cơ sở làm Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đồng Văn, quê hương của ông. Rồi lại được điều về tỉnh làm Trưởng ban Đặc công thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tuyên. Năm 1979, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc xảy ra, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tuyên thành lập Trung đoàn 824, ông  Lù A Nảo được cấp trên trao nhiệm vụ giữ chức Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 824 với quân hàm Thiếu tá, làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới tại mặt trận Hà Giang. Với cương vị Trung đoàn Trưởng của một đơn vị tác chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, ông Lù A Nảo luôn thể hiện được là một người chỉ huy có nhiều kinh nghiệm, năng động, sáng tạo, có bản lĩnh của người lính trên chiến trường, đơn vị ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được cấp trên khen thưởng. Do yêu cầu nhiệm vụ , ông Lù A Nảo được điều trở về làm Trưởng ban Đặc công Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tuyên cho đến tháng 12.1985 ông được về nghỉ hưu với quân hàm Trung tá.

Như người khác đã về nghỉ chế độ thường ít tham gia lại công việc xã hội. Nhưng đối với ông Lù A Nảo được cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng đội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội CCB phường Quang Trung, thành phố Hà Giang ngay từ những ngày đầu thành lập tổ chức Hội CCB Việt Nam năm 1989 đến năm 2007. Hiện nay ông là Bí thư Chi bộ kiêm cụm Trưởng phường Quang Trung... Khi Hội Hữu nghị Việt-Lào tỉnh Hà Giang được thành lập, Đại hội khoá I nhiệm kỳ 2014- 2019, ông được tỉnh Hà Giang giới thiệu, anh em tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Lào tỉnh Hà Giang đến nay. Ông còn được bầu vào BCH Trung ương Hội Hữu nghị Việt-Lào.

Ở cương vị mới, nhiệm vụ mới ông đã tạo được mối quan hệ với anh em đồng đội thu hút được 437 cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào tham gia. Ông thành lập được Chi hội trực thuộc ở cơ sở như: Thành phố Hà Giang có 71 người. Phối hợp với các huyện trong tỉnh thành lập được Hội Hữu nghị Việt-Lào huyện Vị Xuyên, Bắc Quang và đang tiếp tục thành lập Hội ở các huyện Quang Bình, Quản Bạ vv... Ông liên hệ với Trung ương Hội Hữu nghị Việt-Lào tổ chức được 2 chuyến cho anh em đi thăm lại “chiến trường xưa” nước bạn Lào... Đặc biệt trong chuyến đi sang thăm đất Lào năm 2016 thuộc tỉnh Lam Say, đoàn Hà Giang có đồng chí Nguyễn Chí Thành, đã có thời gian chiến đấu tại Lam Say, cho thông tin và địa hình phần mộ của liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Bản Bo, Lam Say. Được sự hỗ trợ của vợ chồng ông, bà người dân tại Bản Bo đã 80 tuổi, các lực lượng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Việt Nam- Lào sau đó đã tìm kiếm được 5 bộ hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào.

Mỗi một việc dù nhỏ nhất thắng lợi, với ông là một niềm vui. Ông cho biết: Phương hướng hoạt động của Hội Hữu Nghị Việt - Lào tỉnh Hà Giang trong những năm tiếp theo là phải làm tốt cầu nối tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa Đảng và nhân dân hai nước Việt- Lào. Tăng cường quan hệ giao lưu, học tập giữa các tổ chức và nhân dân hai nước, thông qua các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... bền vững. Đẩy mạnh giúp đỡ Lào về cơ sở vật chất, đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế vv... Tổ chức Hội Hữu nghị Việt-Lào tỉnh Hà Giang sẽ là cầu nối tình đoàn kết, gắn bó keo sơn, bền chặt Việt Nam- Lào, trong đó có Hà Giang.

ĐẶNG QUANG VƯỢNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thọ làm kinh tế giỏi

BHG- Phát huy nghị lực, ý chí của một người lính, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Thọ, sống tại thôn Làng Khác A, xã Du Già (Yên Minh) sau khi rời quân ngũ trở về lại miệt mài với tay cuốc, tay cày, tích cực phát triển kinh tế gia đình, trở thành tấm gương để nhiều người noi theo, học tập. 

30/08/2017
Người nuôi tằm ở Bản Túm

BHG- Cách thị trấn huyện Bắc Mê hơn 10 cây số về phía Đông Bắc, từ Quốc lộ 34 rẽ vào thôn Bản Túm, xã Yên Cường (Bắc Mê) cũng phải đi bộ vài cây số qua suối, leo đồi... Cùng đi với tôi đến nhà chị Dương Thị Bắc, người nuôi tằm nổi tiếng của thôn Bản Túm, có Chủ tịch UBND xã Yên Cường, Tạ Văn Định. 

29/08/2017
Hết lòng với công tác Hậu phương quân đội

BHG - "Tận tụy, trách nhiệm, nghĩa tình" đó là nhận xét của lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Hà Giang về Thiếu tá Nguyễn Đức Hiệp,Trợ lý Chính sách Bộ CHQS tỉnh. 

28/07/2017
Chủ tịch Công đoàn tiêu biểu

BHG- Bác sĩ Hoàng Hoa Màn sinh 1973 tại thị trấn Phó Bảng (Đồng Văn), hiện anh là Phó Giám đốc, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn.

27/07/2017