Lớp học lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống người Dao
HGĐT - Cứ vào thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần, các học viên là con em người Dao của 3 thôn Nà Pồng, Nà Lầu và Bản Lủa (Linh Hồ, Vị Xuyên) tập trung tại nhà anh Sơn ở thôn Nà Pồng để học chữ Hán Nôm. Lớp học mở được 5 tháng, nhằm lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống và tín ngưỡng của dân tộc Dao cho thế hệ trẻ”. Đó là lời chia sẻ về lớp học của anh Tẩn Văn Sáng, người có uy tín trong dân tộc Dao ở thôn Nà Pồng, xã Linh Hồ.
Lớp học chữ Hán Nôm thành lập vào ngày 21.5 vừa qua, đến nay có 20 học viên. Các học viên có độ tuổi trung bình từ 20 - 35 và đều có điểm chung là kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Lớp học tổ chức học mỗi ngày 2 buổi (buổi sáng từ 7h30 - 10h30, buổi chiều từ 13h30 - 16h30). Trong thời gian đầu, các học viên được thầy giáo dạy các kiến thức cơ bản đọc, viết chữ Hán Nôm. Các học viên sẽ phải mất khoảng thời gian 3 – 4 tháng ban đầu để làm quen với chữ Hán Nôm. Trong một khóa học, các học viên được học 3 phần học trong nghi lễ truyền thống của người Dao; phần 1 là Nghi lễ Cấp sắc: Các học viên sẽ học về các thủ tục quan trọng trong nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành của một người đàn ông đến tuổi đinh và trở thành một con người xã hội; phần 2 là các thủ tục trong việc tổ chức tang lễ, đây là phần học được đánh giá là khó nhất; phần 3 học về các thủ tục, ca hát trong nghi lễ cưới hỏi và rước dâu. Để học hết các phần trên,cũng phải mất đến hơn 2 năm, riêng phần lễ Cấp sắc thì phải hơn 1 năm mới học được.
Cụ Tẩn Sảo Pháng đang chỉ dạy cho các học viên cách đọc chữ Hán Nôm.
Học viên Tẩn Văn Thái, sinh năm 1999, trẻ tuổi nhất trong lớp chia sẻ: Lúc mới vào học em thấy chữ Hán Nôm rất khó, nhưng thời gian sau này được sự chỉ bảo tận tình của thầy, đến bây giờ em đã biết được khá nhiều chữ Hán Nôm sử dụng trong Nghi lễ Cấp sắc. Trước đây vì kinh tế gia đình khó khăn nên Thái học đến lớp 6 phải nghỉ học chương trình phổ thông. Từ khi lớp học được mở em chưa nghỉ buổi nào, biết chữ viết phổ thông, giờ còn biết chữ Hán Nôm nữa. Và có thêm nhiều bạn bè, học được nghi lễ truyền thống của chính dân tộc của mình. Những ngày bình thường trong tuần, các học viên phải đi làm công việc gia đình nhưng cứ đến thứ 7 và Chủ nhật tất cả đều sắp xếp việc nhà để có mặt tại lớp. Các học viên tự trang bị đồ dùng học tập và tự nguyện đóng góp một học viên 10 nghìn đồng/ngày vào tiền học phí hỗ trợ cho thầy giáo...
Thầy tạo Tẩn Sảo Pháng tâm sự: Tuy tuổi đã nhiều, sức khỏe có hạn nhưng khi thấy con cháu, thế hệ trẻ sau này hăng say học tập thì cứ chỉ dạy cho con cho cháu. Việc học chữ Hán Nôm và các nghi lễ truyền thống đòi hỏi tính kiên kì và niềm đam mê thế nên cho dù sau này chỉ số ít trong các học viên này thành thạo những nghi lễ truyền thống của dân tộc mình thì cụ cũng đã phấn khởi lắm rồi. Bởi vì những phong tục, tín ngưỡng của người Dao đang được phát triển và lưu giữ trong thế hệ trẻ. Theo anh Quáng cho biết, cụ Tẩn Sảo Pháng năm nay 89 tuổi, cụ là người duy nhất trong xã Linh Hồ thông thạo các nghi lễ truyền thống của người Dao. Nếu không mở lớp học truyền dạy này thì văn hóa truyền thống của người Dao ở đây sau này có thể bị mai một.
Bác Hoàng Quốc Chính, Chủ tịch Hội nghệ nhân dân gian xã Linh Hồ cho biết: Xã có nhiều dân tộc cùng sinh sống, văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc đều có nét riêng. Hiện tại Hội nghệ nhân dân gian xã đang duy trì 2 nghệ thuật dân gian đó là hát Then của người Tày và hát Cọi của người Nùng. Trong khi số dân của 3 dân tộc Tày, Nùng và Dao chiếm phần lớn số dân toàn xã thì việc mở lớp truyền dạy chữ Hán Nôm sẽ tạo điều kiện cho các học viên hiểu rõ thêm phong tục, tập quán của chính địa phương mình, đồng thời lưu giữ nghi lễ, phong tục và tín ngưỡng cho thế hệ trẻ trong cộng đồng người Dao ở xã Linh Hồ. Tuy nhiên trong thời gian tới cần có sự quan tâm nhiều hơn của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ kinh phí, trang bị cơ sở vật chất để duy trì các lớp học nghệ nhân dân gian truyền thống của dân tộc.
Ý kiến bạn đọc