Thương binh Đỗ Đức Ái và ý chí tự lực vươn lên trong cuộc sống
HGĐT- Trải qua nhiều cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, gia đình bác Đỗ Văn Ái có đến 4 người tham gia trên các mặt trận chiến đấu ác liệt, gồm người cha và 3 anh em trai của bác Ái. Trong đó, sau người cha là bệnh binh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, bác Ái cũng là một thương binh hạng 2/4. Năm 1985, sau khi được trở ra Bắc từ chiến trường Tây Nam, thương binh Đỗ Đức Ái cùng với vợ rời quê hương Bình Lục, Hà Nam để lên với mảnh đất Hà Giang lập nghiệp.
Cuộc mưu sinh sau thời bao cấp đối với một người bình thường còn khó khăn nói chi đến một thương binh. Lắm lúc trái nắng, trở trời, trong khi vợ con còn chưa biết thì những vết thương chiến tranh để lại trên cơ thể đã lên tiếng. Thế nhưng, với ý chí của Anh bộ đội Cụ Hồ, không cam chịu nghèo khó, nhờ chịu thương, chịu khó, làm thuê và bươn trải, vợ chồng thương binh Đỗ Đức Ái đã mua được mảnh đất tại tổ 17, phường Trần Phú để khởi nghiệp. Tiếp đó, 2 vợ chồng bác lại tham gia góp vốn lập cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng ở thị xã và phát triển nghề này trong nhiều năm liền. Sau khi thôi sản xuất kinh doanh vật liệu, vợ chồng bác lại chuyển sang kinh doanh tại chợ Trung tâm thành phố Hà Giang với khoản thu nhập hiện nay từ 5 – 7 triệu đồng/tháng.
Không trông chờ vào sự trợ cấp, ưu ái của Nhà nước mà trái lại, thương binh Đỗ Đức Ái còn trở thành một đảng viên rất tích cực, tham gia rất nhiều hoạt động của tổ dân phố. Bác đã tham gia rất nhiều các hoạt động như làm Trưởng ban bảo vệ, Trưởng ban Mặt trận, cựu chiến binh của tổ dân phố và làm tổ trưởng của tổ 17, phường Trần Phú trong khoảng 15 – 16 năm.
Vượt qua khó khăn để tạo lập một cuộc sống ổn định, xây dựng được nhà cửa khang trang, nhưng điều mà nhiều người biết đến gia đình thương binh Đỗ Đức Ái không chỉ là tấm gương tự lực trong phát triển kinh tế mà còn là trách nhiệm nuôi dạy con cái trở thành những người học tập đỗ đạt. Được biết, cả 2 người con trai của bác ái đều nỗ lực học tập và đỗ vào các trường đại học. Trong đó, một cháu học năm thứ 4 khoa Công nghệ hóa sinh, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, một cháu đang học công nghệ thông tin năm thứ 2 tại trường Đại học Thái Nguyên. Bác Ái tâm sự: “So với những thiệt thòi của nhiều đồng đội thì sự hy sinh của tôi chưa thấm gì. Vì thế, tôi luôn xác định cần phải tự lực vươn lên trong cuộc sống, không trông chờ, đòi hỏi vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Qua những nỗ lực của bố mẹ, đó cũng chính là cách để giúp con cái trưởng thành, có ý chí tự lập trong cuộc sống và trở thành người có ích cho xã hội...”.
Với những nỗ lực vươn lên trong cuộc sống phát triển kinh tế và nuôi dạy con cái, gia đình thương binh Đỗ Đức Ái trở thành một gia đình chính sách tiêu biểu. Trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sỹ 27.7 năm nay, gia đình bác vinh dự được đón Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông và Thiếu tướng Nguyễn Văn Trường, Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh cùng nhiều đơn vị chính quyền, đoàn thể đến thăm và tặng quà.
Ý kiến bạn đọc