Dấu ấn của “Đề cương cách mạng miền Nam”
Gần 60 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 26 năm là Bí thư thứ nhất rồi Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn đã để lại những dấu ấn đậm nét. Đặc biệt, đồng chí được mệnh danh là một trong những “kiến trúc sư” của sự nghiệp giải phóng miền Nam và bản “Đề cương cách mạng miền Nam” chính là phác thảo ban đầu.
Sớm nhận ra dã tâm phá hoại Hiệp định Geneva của Mỹ-ngụy và khó khăn chồng chất của cách mạng miền Nam, với trọng trách là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí Lê Duẩn tự nguyện ở lại miền Nam để bám đất, bám dân, chỉ đạo phong trào. Sống trong “tâm bão”, đồng chí Lê Duẩn thấy rõ âm mưu, thủ đoạn của địch chống phá việc thi hành hiệp định. Sau nhiều ngày khảo sát, nghiên cứu thực tế, tháng 8-1956, đồng chí đã cho ra đời “Đường lối cách mạng miền Nam Việt Nam”, sau đổi thành “Đề cương cách mạng miền Nam” với những quan điểm hết sức mới mẻ và sâu sắc.
Mở đầu, bản Đề cương chỉ rõ âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ và bản chất của chính quyền miền Nam Việt Nam-“con đẻ của chủ nghĩa thực dân mới”. Gọi được thành tên, nêu được bản chất loại hình xâm lược mới của chủ nghĩa đế quốc là điều không đơn giản, bởi ở thời điểm đó, “chủ nghĩa thực dân mới” còn là hình thái hết sức mới mẻ và đế quốc Mỹ đã thử nghiệm mô hình xâm lược mới ở Việt Nam. Từ sự thấu hiểu bản chất phản động của chế độ Mỹ-Diệm, bản Đề cương xác định đối tượng cụ thể của cách mạng miền Nam là đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm, nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là đánh đổ chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ.
Đồng chí Lê Duẩn chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. |
Trong một cuộc đấu tranh, xác định đúng đối tượng, nhiệm vụ đã khó, nhưng việc xác định phương hướng, hình thức đấu tranh còn khó hơn. Đồng chí Lê Duẩn vốn rất coi trọng vấn đề phương hướng, giải pháp và bản Đề cương đã xác định giải pháp như sau: “Nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ-Diệm, để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không còn con đường nào khác”. Ở thời điểm ra đời, quan điểm của đồng chí Lê Duẩn thực sự mang tính đột phá, góp phần hướng dẫn cán bộ, nhân dân tìm ra phương thức đấu tranh chống lại kẻ thù tàn bạo với niềm tin chiến thắng rất lớn. Từ nội dung của bản Đề cương, các đảng bộ địa phương lúc đó tập trung vào đối phó với bọn ngoan cố, tổ chức vũ trang tự vệ và xây dựng căn cứ địa vững chắc.
Từ bản Đề cương, đồng chí Lê Duẩn có cái nhìn rất mới, rất khoa học về kẻ thù. Đồng chí thấy rõ, với bản chất ngoan cố và dã tâm xâm lược của đế quốc Mỹ, sự phản động của bè lũ tay sai thì khẩu hiệu đòi thi hành Hiệp định Geneva hoàn toàn không có tính khả thi. Việc kiến nghị, tố cáo tội ác của Mỹ-ngụy lên Ủy ban Quốc tế giám sát việc thi hành hiệp định cũng là việc phải làm nhưng nó cũng không buộc được kẻ thù phải thi hành hiệp định. Muốn chống lại bạo lực phản cách mạng thì con đường tất yếu, duy nhất phải là dùng “bạo lực cách mạng của quần chúng”.
Tác giả bản Đề cương cũng phân tích chính xác sức mạnh của chế độ Mỹ-Diệm, rằng chế độ Mỹ-Diệm dù phát xít, tàn bạo đến đâu, dù có vũ khí hiện đại đến đâu thì vẫn là “chính quyền hèn yếu và hung bạo”. Chính vì hèn yếu mới phải hung bạo và càng hung bạo thì càng trở nên hèn yếu vì “hầu hết nhân dân đều chống lại chúng... Nó không những không được quần chúng trong nước ủng hộ mà còn bị cô lập trên trường quốc tế. Do đó, nó không thể lay chuyển được phong trào cách mạng và nhất định nó không tồn tại được lâu dài”.
Ở thời điểm nhiều người trên thế giới còn đang sợ Mỹ, sợ vũ khí nguyên tử của Mỹ thì đồng chí Lê Duẩn đã nhìn ra những “tử huyệt” của kẻ thù. Đó là cái yếu của cuộc chiến tranh phi nghĩa, cái yếu của kẻ có tham vọng toàn cầu nên không tập trung hết được sức mạnh ở Việt Nam, cái yếu của một quân đội quen lối đánh chính quy và chế độ Mỹ-Diệm là chế độ độc tài, phản động, đối địch với nhân dân mà “mọi chính quyền thù địch với nhân dân đều đổ theo quy luật chung”. Từ đó, đồng chí khẳng định: “Kẻ bị tiêu diệt chắc chắn sẽ không phải là những người cộng sản mà chính là chủ nghĩa đế quốc và tay sai”. Bản Đề cương đã chống lại tâm lý sợ Mỹ, quan điểm hữu khuynh trong một bộ phận đảng viên và khơi dậy niềm tin, sự hy vọng vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng Việt Nam.
Tổng Bí thư Lê Duẩn với nhân dân huyện Đức Thọ, tỉnh Nghệ Tĩnh (năm 1979). Ảnh tư liệu |
Tại Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ mở rộng họp ở Phnôm Pênh vào cuối tháng 12-1956, đầu tháng 1-1957, bản Đề cương được đem ra thảo luận và được các đồng chí trong Xứ ủy-những người trực tiếp lăn lộn với phong trào, hồ hởi đón nhận. Điều mong mỏi nhất của họ là chủ trương đúng đắn này phải nhanh chóng trở thành nghị quyết chính thức của Đảng.
Đồng chí Lê Duẩn được điều ra Bắc từ tháng 4-1957 để cùng với Trung ương chuẩn bị đề án cách mạng miền Nam. Trong khi đó, ngày 6-5-1959, chính quyền ngụy Sài Gòn thông qua Luật 10/59 về việc thành lập “tòa án quân sự đặc biệt” để sát hại những người cộng sản với phương châm “giết nhầm còn hơn bỏ sót” khiến cho sự phẫn uất của đồng bào đã lên đỉnh điểm...
Thời gian này, các đảng bộ phía Nam đã chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, hoàn cảnh thực tế cũng như nội dung “Đề cương cách mạng miền Nam” mà dần tiến hành khởi nghĩa, phát động nhân dân phá các khu tập trung của địch, đưa dân trở lại núi rừng, lập căn cứ kháng chiến chống Mỹ-Diệm.
Và khi Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15, trong đó xác định đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công được thông qua đã tạo ra bước ngoặt lớn về phương pháp cách mạng. Nghị quyết khẳng định phải dùng bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân, kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang để đánh đổ chính quyền của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền nhân dân. Tinh thần của “Đề cương cách mạng miền Nam” đã được Đảng “lắng nghe” và kịp thời đưa ra chủ trương lãnh đạo đúng đắn. Một phần trong đó có dấu ấn quan trọng của đồng chí Lê Duẩn.
Theo Báo Quân Đội Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc