Xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng vùng khó khăn, vùng có đạo - Kỳ cuối: Phát huy vai trò hạt nhân chính trị
BHG - Tổ chức Đảng ở cơ sở không chỉ giữ vai trò nòng cốt, hạt nhân chính trị mà còn là “cầu nối” giữa Đảng với Nhân dân. Những năm qua, đặc biệt là trong hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025, các cấp ủy trong tỉnh giữ vững và phát huy được vai trò hạt nhân của TCCSĐ, trực tiếp góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Thường trực Huyện ủy Vị Xuyên kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở Chi bộ thôn Ngọc Lâm, xã Bạch Ngọc. |
Trên thực tế không phải TCCSĐ nào cũng làm tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở. Không ít TCCSĐ mất sức chiến đấu, thậm chí bị tê liệt. Vì vậy, muốn giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị trước tiên phải xây dựng Chi bộ trong sạch, vững mạnh. Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì, Vàng Đình Chiến cho biết: Trước đây có tình trạng đảng viên khi sinh hoạt Chi bộ chỉ được nghe một số nội dung thời sự, bàn bạc, ra nghị quyết chung chung, chiếu lệ. Nhưng nay, sinh hoạt của các Chi bộ rất bài bản, bàn từng việc cụ thể gắn với phát triển KT – XH ở địa phương, như: Mở rộng chăn nuôi hàng hóa, xây dựng các hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân; triển khai nhiệm vụ xóa nhà tạm, bài trừ hủ tục, tập quán lạc hậu. Các Chi, Đảng bộ phát huy tốt vai trò chỉ đạo, khơi dậy phong trào dân vận khéo, xây dựng Nông thôn mới...
Chi bộ thôn 10, xã Nậm Dịch (Hoàng Su Phì) có 24 đảng viên. Để xây dựng Chi bộ tốt, vững mạnh về mọi mặt, Chi bộ tập trung triển khai, thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy tinh thần đoàn kết trong nội bộ. Mỗi đảng viên trong Chi bộ luôn gương mẫu trong lời nói, việc làm. Điển hình trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, các đảng viên đã tiên phong hiến đất làm đường giao thông nông thôn; vận động người thân, gia đình đóng góp vật liệu, tiền mặt, ngày công xây dựng các công trình phúc lợi công cộng; cùng đó là quyết tâm loại bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu. Từ sự gương mẫu của mỗi đảng viên, nhân dân trong thôn đã chung sức, đồng lòng thực hiện tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 10, Nguyễn Kim Hồng cho biết: Toàn thôn hiện chỉ còn 1 hộ nghèo; thu nhập bình quân đạt 46 triệu đồng/người/năm. Tháng 1.2021, thôn 10 là thôn đầu tiên của huyện đạt chuẩn Nông thôn mới.
Bí thư Đảng ủy xã Sủng Là (Đồng Văn), Thào Pháy Chá (thứ 4 bên phải) vận động người dân thôn Pù Chừ Lủng thực hiện nếp sống văn hóa mới. |
Theo Bí thư Đảng ủy xã Sủng Là (Đồng Văn) Thào Pháy Chá: Trước đây, việc tổ chức sinh hoạt thường kỳ ở các Chi bộ thôn chưa thực sự hiệu quả, bình quân chỉ có khoảng 70% số đảng viên tham gia. Nội dung sinh hoạt dàn trải hoặc sơ sài, thiếu nội dung cụ thể, chưa sát thực tế; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết còn lơi lỏng… Để khắc phục, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết về “Củng cố, nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ thôn”, trong đó tập trung vào hai giải pháp là bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghiệp vụ công tác Đảng cho đội ngũ Chi ủy viên, Bí thư Chi bộ thôn và duy trì nền nếp, thực hiện nghiêm túc quy trình và nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng. Sau gần ba năm thực hiện nghị quyết, cơ bản khắc phục được những hạn chế, chất lượng sinh hoạt Chi bộ thôn có chuyển biến rõ rệt; nội dung sinh hoạt được chuẩn bị kỹ lưỡng, sát thực tế, rõ ràng hơn; ý thức, trách nhiệm của đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được nâng cao, tính dân chủ được đề cao, qua đó tạo không khí cởi mở, thu hút được nhiều đảng viên tham gia phát biểu ý kiến hơn.
Chi bộ thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) có 16 đảng viên, là hạt nhân lãnh đạo 119 hộ, với 509 nhân khẩu, trên 95% là dân tộc Lô Lô. Bí thư Chi bộ thôn Lô Lô Chải, Vàng Dỉ Tình cho biết: Chi bộ và Chi ủy bàn bạc “hiến kế”, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng đảng viên phụ trách, giúp đỡ những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo. Chi bộ chọn đột phá về phát triển du lịch – dịch vụ, trồng rau trái vụ, trồng cây ăn quả gắn phát triển du lịch; nâng cấp, mở đường giao thông nông thôn… Nhờ vậy, đã nâng thu nhập của người dân lên trên 39 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm xuống còn 26% (năm 2022).
Đồng chí Lý Tà Quốc, Bí thư Chi bộ thôn Trúc Sơn, xã Quản Bạ (Quản Bạ), cho biết: Chi bộ thôn có 2 đảng viên là cán bộ xã được phân công về sinh hoạt; các đồng chí đã giúp thôn triển khai các Nghị quyết của Đảng bộ huyện, xã về phát triển kinh tế được nhanh, hiệu quả. Bằng việc Chi bộ giao mỗi đảng viên phụ trách từng hộ nghèo trong thôn để hướng dẫn phát triển kinh tế như nuôi chim Bồ câu, nuôi bò vỗ béo, cách chăm sóc gia súc, gia cầm; tuyên truyền người dân đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp ngoài tỉnh coi đó là hướng thoát nghèo bền vững… Mỗi hạt nhân ở cơ sở làm tốt, phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu trong phát triển kinh tế và xây dựng Chi bộ sẽ góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh.
Một điểm nữa được đánh giá cao trong công tác xây dựng, củng cố TCCSĐ của Quản Bạ là Huyện ủy chú trọng phân công cán bộ cấp ủy cấp trên bám sát, nắm bắt tình hình cơ sở. BTV Huyện ủy đã ban hành Quy chế “Cấp ủy viên dự hội nghị với TCCSĐ xã, thị trấn; Chi bộ thôn, xóm, cụm dân cư” nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ và trách nhiệm liên hệ với cơ sở. Nhiều cán bộ cấp ủy chủ động dành thời gian xuống cơ sở kiểm tra, nắm bắt tình hình, đảm bảo chất lượng hoạt động của TCCSĐ. Đối với TCCSĐ khó khăn, yếu kém, Huyện ủy chỉ đạo tập trung giúp đỡ, khắc phục. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện không còn TCCSĐ yếu kém. Tỷ lệ tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ 2 năm 2021 - 2022 đạt trên 95%.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Minh Tiến nêu quan điểm: Để xây dựng, củng cố TCCSĐ bảo đảm vừa nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên theo phương châm “thà ít mà tốt”, vừa tiếp tục tăng số lượng và phân bổ cho phù hợp với từng vùng, từng lĩnh vực theo hướng “ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên”. Trong đó, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng kết nạp đảng viên trong lực lượng vũ trang, khu vực ngoài nhà nước, công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân; vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, vùng có đạo nhằm tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp. Một yêu cầu then chốt nữa trong công tác xây dựng Đảng là phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Kiểm tra để bổ sung, hoàn thiện quy định chức năng, nhiệm vụ và quy chế hoạt động cụ thể của từng loại hình TCCSĐ cho phù hợp với tình hình mới, với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương theo đúng Điều lệ Đảng, sát yêu cầu thực tiễn. Kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm để tạo sự đồng thuận, thông suốt và gắn kết giữa Đảng với Nhân dân.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc