Đảng viên Sình Dỉ Gai người “giữ hồn” cho làng

16:32, 22/04/2023

BHG - Đến với thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, hỏi người dân ở đây từ trẻ nhỏ tới người già ai cũng biết đến cái tên Sình Dỉ Gai. Anh không chỉ là trưởng thôn, mà còn được biết đến là người luôn gần gũi với mọi người, nhiệt tình và gương mẫu trong mọi phong trào hoạt động của thôn. Đặc biệt hơn cả, anh là người đã “giữ hồn” cho làng, để hôm nay Lô Lô Chải được nhiều thị trường khách du lịch trong và ngoài nước biết tới.

Từ những quyết tâm khởi đầu

Vợ chồng anh Gai đón khách du lịch tham quan và ăn, nghỉ tại gia đình.
Vợ chồng anh Gai đón khách du lịch tham quan và ăn, nghỉ tại gia đình.

Năm 2010, tỉnh Hà Giang lựa chọn lấy du lịch cộng đồng là một trong những giải pháp trọng tâm trong kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh. Thời điểm đó, khái niệm về du lịch ở Hà Giang vẫn còn khá mới mẻ. Để xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng, tại hội nghị “tuyên bố PanHou” tỉnh đã phân bổ cho mỗi một huyện và thành phố lựa chọn và đăng ký xây dựng một làng. Cùng với đó là những cuộc vận động, những buổi tuyên truyền người dân tham gia vào hoạt động du lịch. Để chương trình được triển khai hiệu quả đến người dân, chính quyền địa phương đã vận động trưởng thôn, những người có uy tín trong làng làm trước. Tại thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, gia đình anh Sình Dỉ Gai là một trong ba hộ tiên phong đi đầu.

Để phát triển du lịch, thu hút khách đến với thôn Lô Lô Chải, anh Sình Dỉ Gai đã nhiều năm trăn trở, suy nghĩ và không ngừng học hỏi kinh nghiệm những người đi trước. Năm 2010 anh quyết tâm về Hà Nội tham gia khoá tập huấn thuyết minh viên du lịch tại trường Cao đẳng Du lịch và tham gia một số chương trình bồi dưỡng ngắn hạn về lĩnh vực du lịch của một số trường và tỉnh Hà Giang tổ chức. Anh Sình Dỉ Gai kể, những ngày đầu khó khăn và lúng túng không biết bắt đầu từ đâu, tìm đâu khách đến nghỉ, rồi khi khách tới phải phục vụ đón khách như thế nào... Tuy nhiên, thông qua các chương trình tập huấn, được các thầy, cô giáo hướng dẫn và đặc biệt hơn cả đã nhận được sự giúp đỡ, tư vấn tận tình của một vị khách, một chuyên gia về văn hoá du lịch đến từ Nhật Bản – ông Yasushi Ogura, anh đã bắt tay vào chỉnh sửa lại hệ thống nhà vệ sinh, bố trí lại căn bếp đảm bảo sạch sẽ, gọn ngàng. Sau một thời gian tìm tòi, học hỏi anh nhận thấy việc đầu tiên để làm dịch vụ homestay thành công đó là phải giữ gìn được bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Từ kiến trúc nhà, trang phục dân tộc, hương vị ẩm thực truyền thống phục vụ du khách cho đến một số hoạt động trải nghiệm văn hoá dân gian.

Anh Sình Dỉ Gai (mặc áo đen) hướng dẫn bà con trong thôn cải tạo cơ sở hạ tầng để làm mô hình homestay.			     Ảnh: CTV
Anh Sình Dỉ Gai (mặc áo đen) hướng dẫn bà con trong thôn cải tạo cơ sở hạ tầng để làm mô hình homestay. Ảnh: CTV

Năm 2012, anh Sình Dỉ Gai đã vận động các thành viên trong gia đình và bà con trong thôn thành lập đội văn nghệ của thôn để hoạt động văn hóa, văn nghệ nhằm phục dựng lại một số các loại hình nghệ thuật, các làn điệu dân ca, dân vũ đã bị mai một. Đồng thời, đưa các loại hình nghệ thuật của đồng bào dân tộc Lô Lô đến với công chúng, khách du lịch. Bên cạnh đó, anh đề xuất với chính quyền địa phương cho tổ chức Ngày hội văn hoá dân tộc Lô Lô để bà con trong thôn có cơ hội tiếp cận với những cái hay, cái đẹp trong cộng đồng dân tộc Lô Lô sinh sống trong tỉnh nói riêng và đồng bào các dân tộc trong vùng nói chung. Đặc biệt, anh đã vận động bà con trong thôn giữ gìn, bảo tồn kiến trúc nhà truyền thống của dân tộc Lô Lô; vận động chị em phụ nữ thành lập tổ hợp tác liên kết thêu dệt may các sản phẩm thổ cẩm mang hoạ tiết hoa văn của dân tộc Lô Lô. Hiện tổ đang hoạt động có hiệu quả, thu nhập ổn định, được huyện, xã đánh giá rất cao. Anh trực tiếp giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc mình đến thị trường khách trong nước cũng như nước ngoài. Nhờ sự giúp đỡ của anh, tính đến thời điểm hiện tại, thôn Lô Lô Chải đã có 11 hộ kinh doanh dịch vụ homestay. Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh và huyện anh đã vận động người dân trong thôn thành lập Chi hội nông dân nghề nghiệp homestay thôn Lô Lô Chải, đến nay có 30 thành viên. Chi hội hoạt động trên lĩnh vực liên kết làm dịch vụ nhà nghỉ, ăn uống, giải khát và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ của dân tộc để phục vụ du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Đến nay, các hộ được hỗ trợ cài đặt thiết bị và vận hành có hiệu quả các phần mềm internet phục vụ truyền thông, quảng bá cũng như tư vấn, kết nối với các đơn vị lữ hành, khách du lịch. Thông qua hệ thống xúc tiến quảng bá, nhiều du khách đã biết tới thôn và đặt dịch vụ trực tiếp với các hộ gia đình. Ngoài ra anh còn giúp đỡ, hướng dẫn 4 hộ làm du lịch với mô hình homestay và các phòng ngủ dạng bungalou để phục vụ khách du lịch.

Đến thành công lan tỏa tích cực trong cộng đồng

Ở thôn Lô Lô Chải này, ai nấy đều thể hiện rõ sự kính trọng dành cho anh. Không chỉ với vai trò là một trưởng thôn luôn gương mẫu, mà anh còn là một đảng viên nhiệt huyết, tận tuỵ với mọi công việc của xã cũng như của thôn giao phó. Là tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất giỏi. Qua trao đổi với đồng chí Vàng Dỉ Xuấn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú, được biết anh Sình Dỉ Gai là một trưởng thôn tiêu biểu, nhiều nhiệt huyết. Anh đã tham gia nhiều tổ chức đoàn thể của xã như: Hội nông dân, Hội người cao tuổi, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, tổ hòa giải để sinh hoạt chính trị, cùng xã giải quyết các vụ việc, góp phần giảm tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài; cảm hóa, giáo dục hàng chục thanh, thiếu niên chậm tiến; phối hợp với cán bộ xã, nhà trường và các bậc phụ huynh làm tốt công tác vận động con em đến trường đạt 100% kế hoạch; phối hợp với Trạm y tế xã tổ chức tuyên truyền, vận động bà con trong thôn phải thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, ốm đau phải đến cơ sở y tế khám bệnh, không cúng bái; vận động bà con trong thôn bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, bảo vệ đường biên cột mốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, thường xuyên nắm bắt tình hình thông tin cho lực lượng Biên phòng, Công an, dân quân tự vệ về những vấn đề nghi vấn, nổi cộm trong thôn; tham gia tuần tra đường biên, góp phần giữ vững an ninh trật tự nơi biên giới. Nhờ có sự tâm huyết, trách nhiệm của anh, tính đến năm 2022, thôn Lô Lô Chải đã có 95 hộ được công nhận đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 85,58%. Năm 2022, thôn được UBND huyện Đồng Văn công nhận danh hiệu Thôn Văn hóa. Không chỉ có vậy, anh còn là hội viên Hiệp hội Du lịch tỉnh luôn tích cực tham gia các hoạt động của Hội, hoạt động bảo vệ môi trường, trồng cây xanh phủ xanh đường biên giới. Với những cống hiến không mệt mỏi cho thôn, xã, nhiều năm liền anh được Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND tỉnh, Hiệp hội Du lịch tỉnh và các tổ chức đoàn thể Trung ương ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng như: Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020; Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện thành công Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2022; Bằng khen nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022; Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua cụm thi đua 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc năm 2022...

Tại buổi gặp mặt giao lưu những gương mặt tiêu biểu tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua của cụm 7 tỉnh biên giới phía Bắc được tổ chức tại tỉnh Điện Biên năm 2022, khi được hỏi về việc làm thế nào để người dân trong thôn cùng tham gia làm du lịch, anh Sình Dỉ Gai đã chia sẻ: “Là người con được sinh ra và lớn lên tại thôn Lô Lô Chải – một trong những thôn giáp đường biên giới Việt – Trung thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và là một đảng viên, tôi luôn mong muốn và hy vọng quê hương mình, thôn bản mình ngày một phát triển, giàu đẹp, văn minh. Kinh tế, xã hội có ổn định thì mới có thể giữ vững được chủ quyền của đất nước. Chính vì vậy, tôi nghĩ, trước tiên tôi phải gương mẫu, thực hiện và làm tốt vai trò của một đảng viên, một trụ cột trong gia đình, một trưởng thôn của bà con. Ngoài ra, phải quan tâm giúp đỡ cộng đồng xã hội cùng phát triển… Từ những hiệu quả mà mô hình homestay đã đem lại, tôi tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình, dòng họ trong thôn cùng tham gia làm du lịch để nâng cao đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần, góp phần bài trừ các thủ tục lạc hậu, những biểu hiện mê tín dị đoan trong việc ma chay, cưới xin, vận động mọi người trong thôn tham gia các lễ hội truyền thống, khôi phục lại nghề thêu để đưa vào giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước khi tới làng…”.

Sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, với những giá trị bản sắc văn hoá mà thôn lưu giữ được, cộng với tính cách con người nơi đây thật thà, chất phác và hiếu khách, đã đưa Lô Lô Chải nằm trong top điểm đến du lịch cộng đồng được yêu thích nhất của tỉnh Hà Giang và khu vực miền núi phía Bắc. Đến nay gia đình anh Sình Dỉ Gai cũng như nhiều hộ gia đình trong thôn không chỉ có thu nhập ổn định từ kinh doanh du lịch dịch vụ mà người dân nơi đây đã thật sự có cuộc sống no đủ, giàu có. Diện mạo của thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú của huyện Đồng Văn đã thật sự “sáng - xanh - sạch - đẹp - bản sắc”. Đó chính là kết quả của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở “Nước lấy dân làm gốc”. Là thành quả kết hợp giữa chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự chung tay góp sức của các tổ chức xã hội; sự tận tâm của những người có uy tín tiên phong đi đầu tại thôn, bản mà với thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn điển hình là anh Sình Dỉ Gai – người “giữ hồn” cho làng.

Vừ Thị Mai Hương (Sở Văn hóa, TT&DL)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đảng bộ xã Pả Vi vận động nhân dân đoàn kết, vươn lên
BHG - Về Pả Vi (Mèo Vạc) hôm nay như một bức tranh Xuân được vẽ nên bởi sự tập trung lãnh đạo, phát huy vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân cùng nhau đoàn kết, vươn lên. Những con đường nông thôn mới được bê tông hóa rộng rãi, khang trang; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.
30/03/2023
Bắc Mê “Ươm mầm hạt giống đỏ” cho Đảng
BHG - Xác định công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng viên (ĐV) mới là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi tổ chức Đảng, huyện Bắc Mê đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác phát triển ĐV, trong đó quan tâm đối tượng là học sinh các trường THPT. Việc làm này không chỉ góp phần tăng số lượng ĐV trẻ, bảo đảm sự kế thừa và phát triển liên tục của Đảng mà còn tạo môi trường thi đua, động lực cho học sinh phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành.
29/03/2023
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
BHG - Chi bộ là tế bào của Đảng, là nơi trực tiếp đưa đường lối, chính sách của Đảng đến với quần chúng, nơi vận động, tập hợp, giáo dục, thuyết phục quần chúng thực hiện đường lối, chính sách của Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng”, “Là đồn lũy chiến đấu của Đảng ở trong quần chúng”, “Là cầu nối giữa Đảng và quần chúng”, “Chi bộ tốt thì mọi việc đều tốt”, “Chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh”. Vì vậy, để có đảng viên tốt, xây dựng được chi bộ mạnh thì sinh hoạt chi bộ là nội dung rất quan trọng, nội dung này đã được quy định trong Điều lệ Đảng, chi bộ sinh hoạt định kỳ, mỗi tháng một lần hoặc đột xuất khi cần.
24/03/2023
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong lực lượng vũ trang tỉnh
BHG - Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “… mỗi cấp bộ của Đảng phải là cơ quan lãnh đạo vững chắc ở địa phương, theo đúng đường lối, chính sách của Trung ương”. Khắc ghi lời dạy của Người, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân sự tỉnh lần thứ XII, trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ Quân sự tỉnh Hà Giang đã có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng - yếu tố then chốt, quyết định trong xây dựng LLVT tỉnh Hà Giang vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, đáp ứng yêu cầu công tác quân sự, quốc phòng địa phương trong tình hình hiện nay.
23/03/2023