Thực chất, hiệu quả trong cải cách hành chính
BHG - Cải cách hành chính (CCHC) đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả; lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan nhà nước. Đây là quan điểm xuyên suốt của tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CCHC, qua đó nhằm xây dựng một nền hành chính từng bước hiện đại, tiến bộ, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì Hà Giang phát triển.
Xác định CCHC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo triển khai, thực hiện. Nổi bật trong đó có Nghị quyết 14 của BTV Tỉnh ủy về đẩy mạnh CCHC, nâng cao chất lượng công vụ tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 – 2025 và Đề án 56 của UBND tỉnh về đẩy mạnh CCHC, nâng cao chất lượng công vụ, giai đoạn 2021 – 2025. Thực hiện nâng cao chất lượng CCHC, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo đúng quy định, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ chương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Từ năm 2021 đến quý I năm 2024, HĐND, UBND cấp tỉnh, huyện đã ban hành gần 300 văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính đồng bộ, hiệu lực ổn định, khả thi cao và phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Cùng đó, tỉnh thường kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời bổ sung, sửa đổi, thay thế, bãi bỏ cho phù hợp; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi pháp luật.
Cán bộ Chi cục Thuế thành phố hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa thành phố Hà Giang. |
Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch kiểm soát, rà soát TTHC, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc kiểm soát TTHC. Triển khai thực hiện tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Từ năm 2021 đến quý I năm 2024, tổng số hồ sơ TTHC đã tiếp nhận tại 3 cấp hơn 1,1 triệu hồ sơ, trong đó hồ sơ trực tuyến chiếm trên 41%; số hồ sơ đã giải quyết chiếm hơn 99%. 90% các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã thực hiện số hóa hồ sơ, ứng dụng chữ ký số; rút ngắn 30% thời gian giải quyết so với quy định.
Tập trung thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính, tỉnh tiếp tục rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cơ quan, đơn vị, giảm đầu mối trung gian; khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Trong 3 năm qua, tỉnh tổ chức lại 18 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc một số sở, ngành; công nhận xếp hạng đối với 13 đơn vị sự nghiệp công lập; giải thể 1 đơn vị trực thuộc Sở Tài chính; sáp nhập 2 đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; giảm được 10,3% biên chế công chức.
Song song với thực hiện các nhiệm vụ trên, tỉnh đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Đến nay, mạng truyền số liệu chuyên dùng trong cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh được duy trì, nâng cấp băng thông với quy mô triển khai gần 240 điểm; toàn tỉnh có hơn 2.400 trạm thu phát sóng; tỷ lệ xã, phường có mạng internet băng rộng đạt 98%; tỷ lệ phủ sóng điện thoại di dộng đạt 98,6%; 100% các cơ quan hành chính có thể tham gia cuộc họp trực tuyến quy mô 4 cấp.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã hoàn thành 15/26 mục tiêu CCHC theo Nghị quyết 14 của BTV Tỉnh ủy về đẩy mạnh CCHC, nâng cao chất lượng công vụ tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 – 2025. Năm 2023, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của tỉnh xếp thứ 31/63, tăng 6 bậc so với năm 2022; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp thứ 11/63, tăng 29 bậc so với năm 2022; chỉ số CCHC (Par Index) vươn lên vị trí 23/63, tăng 17 bậc so với năm 2022.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ
Ý kiến bạn đọc