Thăng hạng bền vững chỉ số PAPI
BHG - Đầu tháng 4 vừa qua, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức công bố chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2023 của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo đó, chỉ số PAPI của tỉnh ta đạt 44,24 điểm, tăng 3,1 điểm và 29 bậc so với năm 2022. Bước tiến vượt bậc này đưa tỉnh ta vươn lên vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành phố; thuộc nhóm 15 địa phương đạt điểm số cao nhất cả nước.
Năm 2023 ghi dấu nhiều nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện, thăng hạng bền vững chỉ số PAPI. Cụ thể, UBND tỉnh thành lập các đoàn, tiến hành kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải cách hành chính tại 5 sở, ngành; 13 xã, phường, thị trấn và 5 huyện, thành phố; trong đó, kiểm tra chuyên sâu việc xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện và nâng cao chỉ số PAPI của đơn vị. Qua kiểm tra, kịp thời phát hiện nhiều yếu kém, chậm trễ trong quá trình triển khai thực hiện để chỉ đạo, hướng dẫn giải pháp khắc phục. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh còn đối thoại trực tiếp với nông dân, thanh niên, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh, kịp thời giải đáp những vướng mắc, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Mặt khác, để nâng cao nhận thức về ý nghĩa của chỉ số PAPI, tỉnh ta đã đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú như: Thi trực tuyến tìm hiểu về cải cách hành chính, thu hút gần 142.000 người tham gia; tổ chức 1 lớp tập huấn chuyên đề về chỉ số PAPI cho lãnh đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố; tổ chức 13 lớp tập huấn cho hơn 2.100 học viên, trong đó có 761 trưởng thôn, bản về chỉ số PAPI… Ngoài ra, Sở Nội vụ còn phối hợp với tổ chức UNDP thực hiện thành công dự án “Cải thiện điều kiện tiếp cận dịch vụ hành chính công cho người dân vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn 4 xã thuộc 2 huyện Bắc Quang, Xín Mần.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong khám, điều trị bệnh. |
Theo tổng hợp của Sở Nội vụ, 8/8 trục nội dung đánh giá chỉ số PAPI năm 2023 của tỉnh ta đều tăng điểm. Trong đó, 5/8 chỉ số nội dung thuộc nhóm cao nhất so với các địa phương trong cả nước gồm: Công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách; trách nhiệm giải trình với người dân; thủ tục hành chính (TTHC) công; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; quản trị môi trường. Kết quả trên đã chứng minh nỗ lực của các cấp, ngành trong việc cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật cho người dân; công khai danh sách hộ nghèo, thu – chi ngân sách; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá bồi thường thu hồi đất. Đặc biệt, việc kiểm soát tham nhũng trong khu vực công của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực hơn theo sự đánh giá và cảm nhận của người dân. Qua điều tra xã hội học cho thấy: Tỷ lệ người dân không phải chi thêm tiền để được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng, làm chứng thực tăng từ 11 – 14% so với năm 2022; tỷ lệ người dân không phải đưa tiền “lót tay” để xin được việc làm trong cơ quan nhà nước tăng từ 39,69% năm 2022 lên 52,25%.
Riêng chỉ số nội dung TTHC công của tỉnh đạt 7,39/10 điểm và là điểm số cao nhất so với các chỉ số nội dung còn lại. Đây là minh chứng cho thấy sự hài lòng của người dân đối với chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công ở những lĩnh vực cần thiết nhất cho đời sống của người dân bao gồm các dịch vụ: Chứng thực/xác nhận của chính quyền cơ sở, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và dịch vụ hành chính công cấp xã. Đồng thời, chứng minh sự chuyên nghiệp của chính quyền các cấp trong việc giải quyết TTHC công cho người dân. Tỷ lệ người dân đi làm TTHC cho biết không phải đi qua nhiều “cửa” để làm xong thủ tục đạt 95,45% (tăng 2,59% so với năm 2022); mức độ hài lòng với dịch vụ chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 4,08/5 điểm (tăng 0,81 điểm so với năm 2022); mức độ hài lòng đối với dịch vụ hành chính công cấp xã đạt 4,12/5 điểm (tăng 0,09 điểm so với năm 2022)...
Mặc dù 8/8 trục nội dung chỉ số PAPI năm 2023 của tỉnh ta đều tăng điểm so với năm 2022 nhưng vẫn có 2 trục nội dung thuộc nhóm trung bình thấp so với cả nước, đó là: Cung ứng dịch vụ công và quản trị điện tử. Cách biệt điểm số giữa 8 trục nội dung còn tương đối lớn, dao động từ 3,06 – 7,3/10 điểm. Ngoài ra, 4/28 nội dung thành phần không được cải thiện mà giảm điểm so với năm 2022 gồm: Tiếp cận dịch vụ tư pháp; quyết tâm chống tham nhũng; cơ sở hạ tầng căn bản; phúc đáp qua cổng thông tin điện tử. Thực tế trên cho thấy, chất lượng cung ứng dịch vụ công mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của người dân nhất là chất lượng bệnh viện tuyến huyện và giáo dục tiểu học công lập. Việc giải quyết các TTHC vẫn còn tình trạng hồ sơ xử lý chậm, quá hạn; một bộ phận cán bộ làm việc thiếu trách nhiệm, có biểu hiện tiêu cực trong giải quyết TTHC. Hơn nữa, môi trường tại một số địa phương bị ô nhiễm từ hoạt động khai khoáng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống đường giao thông, chuyên chở nguyên vật liệu xây dựng, trong khi đó việc xử lý các hoạt động gây ô nhiễm môi trường chưa triệt để. Đặc biệt, tỷ lệ tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua DVCTT còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu do trình độ công nghệ thông tin của đại đa số người dân trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; vẫn còn thôn, bản vùng sâu, xa chưa có điện, chưa phủ sóng di động 3G/4G làm ảnh hưởng đến quá trình tiếp cận và sử dụng internet của người dân. Mặt khác, phần mềm DVCTT đang trong giai đoạn thử nghiệm, chưa được hoàn thiện, tối ưu, còn phải thực hiện qua nhiều khâu, nhiều bước, phức tạp, chưa thực sự thuận lợi để người dân thao tác. Ngoài ra, đường truyền mạng nhiều lúc bị nghẽn, chậm, gián đoạn kết nối dẫn đến việc nộp hồ sơ trực tuyến mất nhiều thời gian nên người dân chưa mặn mà với DVCTT...
Trước thực tế trên, UBND tỉnh đã xây dựng các giải pháp cụ thể đối với 8 trục nội dung của chỉ số PAPI năm 2024 nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các trục nội dung ở nhóm cao; quyết tâm cải thiện, thăng hạng các trục nội dung ở nhóm trung bình thấp so với cả nước. Bởi việc thăng hạng bền vững chỉ số PAPI chính là thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương dựa trên trải nghiệm và đánh giá của người dân khi tương tác với các cấp chính quyền. Từ đó, giúp các cấp, ngành có những căn cứ điều chỉnh và cải thiện hiệu quả công tác, phục vụ người dân tốt hơn.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc