Một số vướng mắc trong thực hiện Nghị định 23/2015 của Chính phủ ở Bắc Mê
BHG - Thực hiện Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký (gọi tắt là Nghị định 23), hoạt động chứng thực trên địa bàn huyện Bắc Mê thời gian qua đã có những chuyển biến rõ rệt, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Điều này đã tạo thuận lợi cho người dân và người có thẩm quyền chứng thực. Tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc khi triển khai Nghị định này.
Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị định 23, toàn huyện đã chứng thực 46.824 bản sao từ bản chính; cho đến nay, chưa có trường hợp cán bộ bị khiếu nại, khiếu kiện về những việc làm sai quá trình thực hiện. Để Nghị định 23 thực sự phát huy hiệu quả, UBND các cấp trên địa bàn huyện đã tổ chức tuyên truyền nội dung của Nghị định và các văn bản liên quan dưới nhiều hình thức khác nhau đến nhân dân trên địa bàn. Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả chứng thực đã được thực hiện theo cơ chế “một cửa”; đồng thời công khai, niêm yết mức thu lệ phí chứng thực theo đúng quy định của Nhà nước, góp phần minh bạch hóa việc thu chi tài chính, ngăn chặn được việc lạm thu các khoản ngoài quy định. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chứng thực đã được các đơn vị thành lập và được bố trí đầy đủ các trang thiết bị như: máy vi tính, máy photocopy, bàn ghế, tủ đựng tài liệu...
Người dân thực hiện chứng thực tại Trung tâm Hành chính công huyện Bắc Mê. |
Nghị định 23 của Chính phủ ra đời thay thế cho Nghị định 79 trước đây góp phần rút ngắn thời gian thực hiện chứng thực, tăng thẩm quyền cho UBND cấp xã, đơn giản các thủ tục... đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi yêu cầu chứng thực hoặc thực hiện các hợp đồng, giao dịch dân sự, nhất là đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, những nơi chưa có phòng hoặc văn phòng công chứng. Trước đây, theo Nghị định 79/2007/NĐ-CP thì việc chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản có giá trị dưới 50 triệu đồng thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện; hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản có giá trị trên 50 triệu đồng thì thuộc thẩm quyền của phòng công chứng; còn UBND cấp xã không được giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản, gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại. Để khắc phục hạn chế trên, Nghị định 23 quy định chỉ thực hiện một thủ tục chứng thực chung về hợp đồng, giao dịch, không quy định các thủ tục riêng và giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản cho UBND cấp xã. Ngoài ra, việc được quyền chứng thực tại UBND xã các giao dịch sẽ đảm bảo nhanh gọn, thuận lợi cho nhân dân do giảm bớt thời gian xác minh... Tuy nhiên, Nghị định 23 quy định chứng thực bản sao từ bản chính thì không lưu trữ. Với quy định này, thực tế có thể phát sinh trường hợp bản sao đã được chứng thực nhưng người yêu cầu chứng thực có hành vi gian dối là sửa chữa bản sao sau khi đã được chứng thực. Nếu không lưu trữ bản sao thì cơ quan thực hiện chứng thực lại không có cơ sở để đối chiếu khi có tranh chấp, sai sót xảy ra và khó trong việc giám sát tài chính... Mặt khác, làm thế nào để phân biệt văn bằng, giấy tờ giả trong khi công chức Tư pháp, Hộ tịch phải kiêm nhiệm hàng chục đầu việc khác nhau, từ chứng thực bản sao giấy khai sinh, khai tử, xác nhận hộ khẩu, sơ yếu lý lịch thông thường cho đến hoà giải, thi hành án... Trong khi, đội ngũ cán bộ thực hiện công tác công chứng, chứng thực cấp xã cũng chưa được chuẩn hóa về trình độ. Trong tổng số 14 cán bộ được phân công kiêm nhiệm công tác chứng thực thì chỉ có 3 người có trình độ chuyên môn Đại học Luật, 4 người có trình độ Cao đẳng và 7 cán bộ được tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ chứng thực. Đây thực sự là một thách thức đặt ra đối với cán bộ Tư pháp nói riêng và cán bộ xã nói chung trong tình hình hiện nay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Miên, Trưởng phòng Tư pháp huyện Bắc Mê cho biết: Hiện nay, cán bộ làm công tác chứng thực phải đảm nhiệm 23 đầu việc; nhưng chưa có cán bộ chuyên trách mà đang phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Đối với các trường hợp chứng thực sao y bản chính là văn bằng, các loại giấy tờ song ngữ thì UBND cấp xã có thể tiến hành chứng thực cho người dân, nhưng nếu giấy tờ hoàn toàn bằng tiếng Anh thì người dân phải đến UBND cấp huyện để chứng thực. Bên cạnh đó, với yêu cầu chứng thực chữ ký trong giấy tờ được lập bằng tiếng nước ngoài, rất khó cho cán bộ cấp xã có thể thực hiện việc chứng thực. Do vậy, khi có nhu cầu chứng thực chữ ký trong các loại giấy tờ này, người dân nên nộp bản dịch kèm theo để cán bộ tại địa phương có thể giải quyết nhanh chóng hơn. Thời gian tới, để công tác chứng thực trên địa bàn huyện ngày càng hiệu quả, huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chứng thực cho tất cả nhân dân trên địa bàn được biết và thực hiện đảm bảo theo quy định của pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện chứng thực.
Để Nghị định 23 thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả cao, thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần có những điều chỉnh phù hợp hơn trong thời gian tới nhằm khắc phục những vướng mắc đang tồn tại, qua đó đảm bảo công tác chứng thực được thực hiện đúng quy định, hiệu quả và hạn chế được những rủi ro có thể xảy ra.
Bài, ảnh: Văn Quân
Ý kiến bạn đọc