Mèo Vạc tháo gỡ khó khăn trong phong trào khởi nghiệp
BHG - Nhằm phát huy tinh thần xung kích của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), huyện Mèo Vạc triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phong trào khởi nghiệp; khuyến khích hình thành các nhóm sở thích cùng phát triển. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia phong trào khởi nghiệp, góp phần phát triển KT – XH địa phương.
Đoàn viên, thanh niên huyện Mèo Vạc tham quan sản phẩm từ các mô hình khởi nghiệp trên địa bàn. |
Đồng chí Thào Thu Nga, Bí thư Huyện đoàn Mèo Vạc cho biết: Khởi nghiệp được xem là nhiệm vụ thường xuyên của công tác Đoàn và phong trào thanh niên của huyện. Qua phong trào khởi nghiệp đã giúp không ít ĐVTN thay đổi tư duy, mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế; huyện đã xây dựng nhiều mô hình dựa trên các ý tưởng, phương án phát triển kinh tế của ĐVTN có nhu cầu vay vốn; đồng thời khuyến khích phát triển mạnh các mô hình kinh tế do ĐVTN làm chủ.
Giai đoạn 2017 – 2020, BCĐ chương trình khởi nghiệp của tỉnh, huyện hỗ trợ nguồn vốn cho nhiều ĐVTN khởi nghiệp với số tiền trên 1 tỷ đồng. Chương trình thu hút đông đảo ĐVTN, hội viên tham gia và đạt nhiều kết quả, như: Số lượng, chất lượng các mô hình kinh tế ngày một tăng; từ 23 mô hình năm 2016 đã tăng lên 66 mô hình năm 2020. Nhiều mô hình phát triển kinh tế của ĐVTV, hội viên cho thu nhập từ 60 – 100 triệu đồng/năm, tiêu biểu như: Mô hình nuôi lợn thương phẩm của đoàn viên Lý Hồng Páo, xã Khâu Vai; đoàn viên Hoàng A Páo, HTX dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng với nhiều mô hình về chăn nuôi tổng hợp, sản xuất, chế biến mật ong Bạc hà; mô hình chăn nuôi lợn sinh sản, thương phẩm và kinh doanh hàng tạp hóa của đoàn viên Lý Văn Chương, xã Nậm Ban; mô hình chăn nuôi chim bồ câu của đoàn viên Vàng Mí Phứ, xã Lũng Pù; mô hình chăn nuôi gia súc tổng hợp của đoàn viên Hạ Mí Tủa, xã Sơn Vĩ; mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm của đoàn viên Thò Mí Và, xã Thượng Phùng; hình thành 2 HTX do thanh niên làm chủ tại xã Lũng Chinh và xã Khâu Vai…
Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, một số ý tưởng khởi nghiệp của ĐVTN đưa ra chưa phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình cũng như chưa đảm bảo về cơ sở vật chất đáp ứng theo phương án của mô hình; kinh phí đề nghị hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp quá cao so với nhu cầu thực hiện mô hình đưa ra. Năng lực tư duy và ý chí khởi nghiệp của thanh niên trong quá trình khởi nghiệp chưa đổi mới, sáng tạo; phần lớn các mô hình khởi nghiệp có quy mô nhỏ, manh mún, hiệu quả kinh tế thấp. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức, cách tiếp cận tiến bộ KHKT về phát triển kinh tế còn hạn chế và thanh niên còn tâm lý sợ rủi ro, thất bại, muốn được hưởng lợi ích nhưng chưa chủ động đầu tư phát triển kinh tế gia đình; còn tâm lý trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp mà không chủ động nguồn đối ứng ban đầu để triển khai thực hiện mô hình. Nguồn vốn hỗ trợ của huyện dành cho chương trình khởi nghiệp hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu khởi nghiệp của ĐVTN; hàng năm, số lượng đăng ký đủ tiêu chuẩn từ 5 – 8 mô hình, nhưng số lượng mô hình được hỗ trợ chỉ được từ 1 – 2 mô hình…
Tháo gỡ những khó khăn đó, Mèo Vạc đang tăng cường công tác truyền thông về khởi nghiệp, về các chủ trương, chính sách hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế; thường xuyên giới thiệu gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu, các mô hình kinh tế hiệu quả để các ĐVTN làm theo. Tổ chức các hoạt động tư vấn khởi nghiệp cho ĐVTN; trao đổi thông tin, kiến thức và kỹ năng về các ý tưởng khởi nghiệp khả thi. Tổ chức tập huấn, tham quan, đối thoại, diễn đàn gặp gỡ thanh niên khởi nghiệp với lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước; mời các gương điển hình về phát triển kinh tế giỏi đến nói chuyện chuyên đề khởi nghiệp nhằm trao đổi kinh nghiệm các mô hình hiệu quả và hỗ trợ ĐVTN lựa chọn các mô hình khởi nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc chia sẻ: Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, huyện đang tích cực triển khai việc tìm kiếm và phát triển ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên thông qua các cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp”; kết nối ý tưởng khởi nghiệp với các nhà đầu tư tiềm năng; thiết lập liên kết giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, chuyên gia nhằm hỗ trợ thanh niên trong hợp tác, trao đổi thông tin, kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp; hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp khả thi của thanh niên. Huyện đang quan tâm xây dựng chính sách huy động nguồn vốn để bố trí kịp thời cho chương trình khởi nghiệp hàng năm.
Đồng thời, huyện chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân nguồn vốn vay từ chương trình tín dụng giúp thanh niên thực hiện ý tưởng khởi nghiệp; huy động các nguồn vốn xã hội hóa tham gia đầu tư cho các dự án khởi nghiệp của thanh niên. Tăng cường tổ chức hoạt động biểu dương các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, các dự án khởi nghiệp tiêu biểu, hiệu quả để nhân rộng; tuyên dương, biểu dương các ĐVTN làm kinh tế giỏi.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc