Nguyễn Tiến Dũng khởi nghiệp với nghề nuôi thỏ
BHG - Nhờ sự chăm chỉ học hỏi, em Nguyễn Tiến Dũng (sinh 1995), tại thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) đã và đang làm giàu nhờ mô hình nuôi thỏ của mình.
Đoàn viên, thanh niên Huyện đoàn Vị Xuyên tham quan mô hình nuôi thỏ của Nguyễn Tiến Dũng. |
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nên ngay từ nhỏ, Dũng đã luôn cố gắng vươn lên trong học tập và đạt thành tích tốt. Tuy nhiên, do điều kiện gia đình, Dũng không thể tiếp tục theo con đường học tập của mình. Để giúp đỡ gia đình trang trải cuộc sống, Dũng đã làm rất nhiều việc, nhưng vẫn không có được nguồn thu nhập ổn định... Vì vậy, để có thể vươn lên, Dũng quyết định đi theo con đường phát triển kinh tế của riêng mình. Qua tìm hiểu, phân tích và nghiên cứu nhiều loại vật nuôi, Dũng thấy so với các loại vật nuôi, như gà, lợn; thì thỏ là loài ít bệnh tật, dễ chăm sóc, sinh sản và tăng trưởng nhanh; nguồn vốn bỏ ra ít mà giá thành bán lại cao. Với những thuận lợi trên, đầu năm 2015, Dũng đã mạnh dạn thử sức với mô hình nuôi thỏ; vào thời điểm đó, việc nuôi thỏ còn khá xa lạ với người dân địa phương…
Ban đầu khởi nghiệp, với số vốn chưa đến 3 triệu đồng, Dũng mua 20 con thỏ giống về nuôi. Để có thể tiết kiệm tối đa chi phí, em tự tay làm chuồng trại, tận dụng các loại lá cây, rau và cỏ quanh nhà để làm thức ăn cho thỏ. Dũng tâm sự: “Lúc mới nuôi, em gặp không ít khó khăn bởi vốn kiến thức ít ỏi của mình; em đã phải tự đọc thêm nhiều sách, tìm hiểu qua mạng về cách chăm sóc thỏ và đi thăm trang trại chăn nuôi thỏ của những người đi trước để học hỏi thêm kinh nghiệm về cách chăm sóc, phòng bệnh và kỹ thuật phối giống… Hàng ngày, em đều ghi chép lại quá trình phát triển cũng như chu kỳ sinh sản của thỏ để đưa ra cách chăm sóc tốt nhất. Từ 20 con giống ban đầu, em tự nhân giống lên được gần 200 con. Nhận thấy mô hình nuôi thỏ hiệu quả, năm 2016 Dũng quyết định mở rộng quy mô chuồng trại, thiết kế hệ thống lồng thoáng mát, tránh nóng để thích nghi với môi trường sống của thỏ...”.
Đến thăm trang trại thỏ của Dũng, chúng tôi không khỏi ngạc nghiên về sự sắp xếp khoa học và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; phân khu thỏ nái riêng, thỏ thịt riêng để tiện chăm sóc. Hiện mô hình nuôi thỏ của Dũng có 70 chuồng với số thỏ khoảng 400 con; trong đó, thỏ sinh sản trên 70 con, thỏ thịt hơn 300 con và thời điểm nuôi nhiều nhất lên tới gần 1.000 con. Thỏ là loài sinh sản và phát triển nhanh, thường chỉ mất 30 ngày sau khi phối giống là sinh sản; mỗi lứa thỏ mẹ thường đẻ được từ 8 đến 10 con và mỗi tháng có tới 200 thỏ con tách ổ.
Dũng chia sẻ: “Trong quá trình nuôi, thỏ thường gặp những bệnh đơn giản nên hầu hết đều có thuốc chữa. Vì vậy, nuôi thỏ không khó, thức ăn cho thỏ chủ yếu là cỏ và lá nên việc chăm sóc không tốn nhiều công sức. Đối với thỏ nái, chỉ cần bổ sung thêm cám viên và thuốc bổ để cầm máu khi sinh sản. Điều đặc biệt, thỏ là loài nhạy cảm nên thường xuyên phải dọn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để tránh các mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể”.
Hiện nay, giá bán mỗi kg thỏ thịt khoảng 100 nghìn đồng; một con trung bình khi xuất bán nặng hơn 2 kg. Với quy mô hiện tại, mỗi tháng Dũng thu lãi khoảng 15 triệu đồng, chưa tính tiền phát sinh. Dũng cho biết “Chủ yếu em bán thỏ giống, giá mỗi đôi là 150 nghìn đồng; hiện em chủ yếu cung cấp thỏ giống cho các huyện: Hoàng Su Phì, Bắc Quang…”. Nhận thấy chăn nuôi thỏ hiệu quả, Dũng có dự định phát triển thêm chuồng trại để nuôi lên 130 con nái.
Mạnh dạn, chăm chỉ, dám nghĩ, dám làm; mô hình nuôi thỏ của Dũng đang ngày càng phát triển hiệu quả và đen lại nguồn thu nhập ổn định; Nguyễn Tiến Dũng xứng đáng là tấm gương để đoàn viên, thanh niên học tập.
Bài, ảnh: BÙI HƯƠNG
Ý kiến bạn đọc