Hoàng Văn Cân tiên phong nuôi ếch ở Tân Nam
BHG - Hơn 3 năm qua, nhờ sự đầu tư trọng điểm từ Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh; nhân dân xã Tân Nam (Quang Bình) đã tiếp cận với nguồn vốn tài trợ thông qua hoạt động của các Nhóm sở thích (GIC) và Nhóm tiết kiệm tín dụng để mua cây, con giống phát triển kinh tế, tăng mức thu nhập và tạo ra giá trị sản phẩm hàng hóa lớn. Trong các nhóm hiện đang duy trì, mô hình nuôi ếch của anh Hoàng Văn Cân, thôn Nậm Hán được đánh giá triển vọng và có khả năng nhân rộng.
Anh Hoàng Văn Cân (đứng giữa) hướng dẫn cho người dân kỹ thuật nuôi, chăm sóc ếch thương phẩm. |
Năm 2016, thôn Nậm Hán được lựa chọn xây dựng Nhóm GIC chăn nuôi lợn; hơn 1 năm trước, giá lợn hơi lao dốc mạnh, khiến người chăn nuôi không mặn mà. Sau thời điểm đó, để chuyển hướng làm ăn, anh Hoàng Văn Cân đã mạnh dạn thử nghiệm mô hình nuôi ếch, với quy mô ban đầu từ 1.000 - 2.000 con. Sau một thời gian nuôi thấy hiệu quả, năm 2017, anh nhân số lượng đàn lên khoảng 6.000 con; song do ếch chưa thích nghi kịp thời với nguồn nước nên chết một nửa. Nhờ sự động viên của gia đình và quyết tâm đứng dậy từ thất bại; anh trực tiếp đến tận nơi cung cấp ếch tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), mua 20 cặp ếch bố mẹ về lai tạo con giống.
Theo anh Cân, quá trình nuôiếch giống bố mẹ khó hơn nhiều so với ếch thương phẩm; trong chu kỳ sinh sản (từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch) cần để ý và chăm sóc kỹ, bổ sung thức ăn với đầy đủ chất và bơm nước cho ếch đẻ trong vòng 2 tiếng vào buổi tối. Đối với ếch thương phẩm, tháng đầu tiên cho ăn cám 3 lần/ngày; tháng thứ 2 trở đi cắt giảm lượng cám, trộn kèm thêm chuối, bèo để giúp thịt ếch dai hơn. Riêng ếch hay gặp các loại bệnh phổ biến như: Lở loét, gan, bị mù, trĩ. Vì vậy, cách phòng trừ dịch, bệnh cho ếch tốt nhất là dùng các bài thuốc dân gian. Ngoài ra, nguồn nước phải sạch, chảy liên tục để giảm chất nhầy bám trên cơ thể ếch; lưu ý thả bèo nổi trên bề mặt ao để hạn chế đặc điểm rất thích cắn nhau của chúng.
Hiện tại, trên mặt ao thả cá rộng 200 m2, anh Cân nuôi 11 lồng ếch; mỗi lồng trung bình 300 - 500 con. Ếch giống có giá bán 2.000 đồng/con, ếch thương phẩm đạt 80.000 đồng/kg. Trong năm nay, anh dự kiến sẽ bán ra thị trường và tỉnh trên 1 tấn ếch thịt; trừ các khoản chi phí, anh thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Anh Cân bày tỏ: “Bài học kinh nghiệm tôi đúc rút được trong chăn nuôi là biết chấp nhận rủi ro, thường xuyên học hỏi kinh nghiệm trên sách báo,… nuôi ếch không tốn thời gian và phòng bệnh từ đầu là chính”.
Nhận thấy mô hình nuôi ếch của anh Cân hiệu quả, 6 hộ trong thôn Nậm Hán tới học tập, làm theo. Anh Lèng Xuân Trưởng cho biết: “Sẵn có ao, nguồn nước tự nhiên thuận tiện, tôi đang thử nghiệm nuôi 1 lồng ếch với 300 con. Khi gặp những vấn đề khó khăn, anh Cân đều hướng dẫn tận tình về phương pháp và kỹ thuật nuôi. Thời gian tới, tôi dự định nhân rộng mô hình này để phát triển kinh tế gia đình, tạo ra nguồn thu nhập ổn định”.
Đồng chí Hoàng Ngọc Bền, Chủ tịch UBND xã Tân Nam, Trưởng Ban quản lý Chương trình CPRP cho biết: Sau 3 năm triển khai Chương trình CPRP, toàn xã có 15 Nhóm GIC đang hoạt động. Nhìn chung, các nhóm đã góp phần tăng giá trị ngày công lao động cho người dân từ 100.000 đồng lên 185.000 đồng. Đặc biệt, người dân đã biết học hỏi, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt theo phương pháp mới. để tạo ra các sản phẩm hàng hóa; môi trường sản xuất, kinh doanh từng bước có sự tham gia của các thành phần kinh tế. Mô hình nuôi ếch của anh Hoàng Văn Cân, thôn Nậm Hán là minh chứng cho sự thay đổi tư duy, nhận thức trong chuyển đổi hướng chăn nuôi vừa phù hợp với điều kiện gia đình và phát huy được tiềm năng sẵn có tại địa phương. Qua theo dõi, đánh giá, việc nuôi ếch hoàn toàn có thể kết hợp song song với nuôi cá sẽ đem lại giá trị kinh tế cao gấp đôi; đây là cơ sở để xã khuyến khích người dân sớm nhân rộng mô hình.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc