Trần Văn Thoại với mô hình phát triển kinh tế tổng hợp
BHG - Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, thanh niên Trần Văn Thoại (sinh 1984) ở thôn Hạ Đông, xã Bằng Lang (Quang Bình), đã khởi nghiệp thành công với mô hình kinh tế tổng hợp vườn – ao – chuồng (VAC), cho thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm.
Mô hình nuôi bò vỗ béo, sinh sản của thanh niên Trần Văn Thoại (ngoài cùng) thôn Hạ Đông, xã Bằng Lang. |
Sau khi tốt nghiệp THPT năm 2003, chàng trai trẻ Trần Văn Thoại xin đi nghĩa vụ quân sự và xuất ngũ sau ba năm tôi luyện trong môi trường Quân đội. Với mong muốn tích cóp vốn để phát triển kinh tế, anh đăng ký đi xuất khẩu lao động ở Malaysia. Sau 7 năm lao động chăm chỉ ở xứ người, trở về quê nhà, Thoại quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Để thực hiện ý tưởng phát triển mô hình VAC, ban đầu anh tu sửa, mở rộng chuồng trại để phát triển mô hình nuôi trâu sinh sản (đàn trâu 10 con) và trồng rừng kinh tế (trồng 4 ha keo), với số vốn đầu tư gần 200 triệu đồng. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn trâu, anh chuyển đổi hơn một ha đất vườn tạp sang trồng cỏ Voi. Vừa làm, vừa tìm hiểu thêm thông tin từ sách báo, internet; cùng đó, anh còn tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc; trồng, chăm sóc cây ăn quả,… để tích lũy thêm kiến thức; từ đó, mở rộng quy mô sản xuất. Anh Thoại chia sẻ: “Sinh ra trong gia đình thuần nông, tôi luôn mong muốn làm giàu với nghề này. Được bố mẹ ủng hộ, nên toàn bộ số tiền tích cóp được sau 7 năm đi xuất khẩu lao động, tôi dồn cả vào xây dựng chuồng trại để nuôi trâu và trồng rừng; từng bước phát triển ổn định kinh tế gia đình”.
Qua tuyên truyền, vận động của cán bộ thôn, xã; anh Thoại mạnh dạn vay vốn theo Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh được 160 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, anh tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất của gia đình và đầu tư vào nuôi bò vỗ béo, sinh sản. Từ 8 con giống ban đầu, đến nay, đàn bò của gia đình anh đã sinh sản, phát triển thành 12 con. Cùng với đó, anh còn cải tạo hơn 300 m2 đất vườn thành ao nuôi cá, và nuôi đàn dê gần 100 con; ngoài chăn nuôi trâu, bò, dê và cá; anh còn trồng được vườn cam Sành gần 2.000 cây. Với những nỗ lực, cố gắng không ngừng của bản thân; cuối năm 2017, trừ các khoản chi phí, mô hình VAC của anh Thoại thu về gần 200 triệu đồng.
Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế gia đình, anh Thoại luôn nhiệt tình, tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động; giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm cho người dân trong thôn về cách trồng, chăm sóc vườn cây ăn quả và phòng trị bệnh cho gia súc,… đồng thời, vận động các hộ trong thôn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; mạnh dạn vay vốn đầu tư, tăng gia sản xuất để thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Bí thư Huyện đoàn Quang Bình, Phạm Đình Trung cho biết: Mô hình phát triển kinh tế của anh Trần Văn Thoại là một trong những Mô hình Thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu trên địa bàn huyện. Mô hình này đã phát huy thế mạnh về cây trồng, vật nuôi của địa phương; đồng thời thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ và là tấm gương cho nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn noi theo.
Bài, ảnh: YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc