Huyện đoàn Quang Bình "cầu nối" thanh niên khởi nghiệp
BHG - Thời gian qua, Huyện đoàn Quang Bình đóng vai trò không nhỏ làm “cầu nối” giúp đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tiếp cận các nguồn vốn thực hiện ước mơ khởi nghiệp (KN). Thực tế cho thấy, ĐVTN huyện Quang Bình đang đứng trước nhiều khó khăn, đặc biệt vấn đề việc làm; một bộ phận thanh niên chưa tự giác thực hiện ý tưởng KN, có tâm lý sợ thất bại nên chưa mạnh dạn vay vốn thực hiện các mô hình KN…
Cán bộ Đoàn huyện Quang Bình tham quan mô hình khởi nghiệp của anh Nông Văn Thùy, thôn Chàng Sát, xã Yên Hà. |
Giúp ĐVTN hóa giải những vấn đề trên, huyện đoàn Quang Bình đã cụ thể hóa phong trào của Đoàn thành chương trình, kế hoạch hoạt động từng năm; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền cho ĐVTN về các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước; những nguồn vốn vay ưu đãi; vận động ĐVTN áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương; tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao. Năm vừa qua, cán bộ Đoàn và một số ĐVTN đến tỉnh Yên Bái tham quan Mô hình nuôi thỏ và đã vận dụng, hình thành được 4 Mô hình nuôi thỏ tại địa phương; vận động ĐVTN phát triển các mô hình kinh tế do ĐVTN làm chủ.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 186 gia đình ĐVTN có mô hình phát triển kinh tế, 77 mô hình thanh niên khởi nghiệp mang lại hiệu quả, điển hình như: Mô hình chăn nuôi tổng hợp và trồng trọt của đoàn viên Tăng Văn Lâm, xã Vĩ Thượng thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; Mô hình Lắp ráp bể bơi dành cho thiếu nhi của Lù Hùng Cường thu nhập hơn 70 triệu đồng/4 tháng Hè; Mô hình nuôi gà đen và chim Bồ câu của Hoàng Năm Oăn, xã Xuân Giang thu nhập khoảng 150 triệu/năm; Mô hình của Nông Văn Tiếp, xã Bằng Lang trồng 7 nghìn cây Đinh lăng nếp, 5 nghìn cây Đinh lăng lai... Đó là những nhân tố thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn huyện.
Đến thăm mô hình khởi nghiệp của đoàn viên Nông Văn Thùy, thôn Chàng Sát, xã Yên Hà và được anh chia sẻ: Sau khi đi tham quan, học tập mô hình KN ở các địa phương, được sự hướng dẫn của cán bộ Đoàn, tôi đã mạnh dạn đầu tư nuôi gối 200 con vịt, sau đó đầu tư thêm vật nuôi khác như gà, lợn. Có nguồn thu nhập ổn định, tôi mua thêm xe tải và mở cửa hàng tạp hóa phục vụ bà con trong thôn xóm; thu nhập bình quân của gia đình đạt khoảng 20 triệu đồng/tháng.
Bí thư Huyện đoàn Quang Bình Phạm Đình Trung cho biết: Hiện nay, nguồn vốn hỗ trợ KN của huyện còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của ĐVTN. Bên cạnh đó, một số mô hình còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa phù hợp với điều kiện thực tế… Điều đáng nói, nhiều ĐVTN thường xuyên đi lao động xa nên không chủ động thực hiện các mô hình phát triển kinh gia đình. Đặc biệt, do hạn chế về cách tiếp cận khoa học, kỹ thuật và nguồn vốn đầu tư nên đã ảnh hưởng tới các hoạt động KN trong ĐVTN… Thời gian tới, Huyện đoàn tiếp tục tham mưu với UBND huyện, tạo điều kiện giúp ĐVTN phát triển kinh tế, sử dụng hợp lý nguồn vốn vay ưu đãi, hình thành thêm nhiều mô hình có tiềm năng. Đồng thời, định hướng một số sản phẩm nông nghiệp gắn với tiềm năng, thế mạnh địa phương để ĐVTN khai thác, kinh doanh; xây dựng các mối liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các mô hình KN của ĐVTN.
Bài, ảnh: VƯƠNG MAI
Ý kiến bạn đọc