Huyện đoàn Bắc Mê, nhiều giải pháp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
BHG - Thời gian qua, huyện Bắc Mê đã triển khai nhiều chính sách để thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp (TNKN). Nhiều thanh niên trên địa bàn đã nắm bắt cơ hội, khai thác lợi thế của địa phương để khởi nghiệp bằng nhiều hình thức. Đối với họ, việc khởi nghiệp không chỉ có ý nghĩa với bản thân mà còn góp phần vào sự phát triển của địa phương.
Chuồng trại chăn nuôi lợn của đoàn viên Đặng Văn Thiểu, thôn Bản Nghè, xã Yên Cường, đang dần được hoàn thiện. |
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Bắc Mê có trên 17.000 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN); chiếm khoảng 30% dân số và chiếm 45% trong độ tuổi lao động của huyện. Trước nhiệm vụ tham gia phát triển KT – XH của thanh niên, các cấp bộ Đoàn trong huyện đã tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ; đồng thời tư vấn, giới thiệu, định hướng việc làm cho thanh niên và khuyến khích thanh niên nông thôn lập nghiệp tại địa phương. Điển hình trong các mô hình mới được hình thành và đem lại hiệu quả như: Mô hình bún khô của đoàn viên Ngô Văn Thành; gia trại gà của đoàn viên Ngô Thị Hương và đang hình thành mô hình trồng dâu nuôi tằm với hơn 20 ha cây dâu nguyên liệu chuẩn bị cho lứa tằm đầu tiên tại các thôn của xã Lạc Nông, Minh Sơn và Giáp Trung…, đó là những nhân tố thúc đẩy phong trào TNKN trong lực lượng ĐVTN trên địa bàn huyện.
Đến thăm mô hình khởi nghiệp của đoàn viên Đặng Văn Thiểu, thôn Bản Nghè, xã Yên Cường, một trong những mô hình đang hình thành trên địa bàn xã; anh Thiểu chia sẻ: Sau khi được đi tham quan học tập kinh nghiệm một số mô hình TNKN ở các huyện khác, tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi với quy mô 100 con lợn. Hiện, phần xây dựng cơ bản đã hoàn thành; thời gian tới, tôi sẽ mua lợn giống và bắt đầu đi vào chăn nuôi. Tuy mô hình không được hiện đại, nhưng hứa hẹn sẽ phát triển tốt và có thu nhập để nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
Thành công từ các mô hình phát triển kinh tế của ĐVTN trên địa bàn huyện Bắc Mê, có vai trò rất lớn của các cấp bộ Đoàn trong việc phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trong các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm, hỗ trợ nguồn vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cùng những phương pháp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cho ĐVTN. Đặc biệt, giúp các ĐVTN tiếp cận các cơ chế chính sách của tỉnh, của huyện trong việc khuyến khích phát triển vùng kinh tế động lực theo Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh. Để hỗ trợ TNKN, huyện đã hỗ trợ các cơ chế, chính sách về việc làm, thị trường lao động phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH ở mỗi địa phương. Đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với việc làm và xã hội hóa công tác dạy nghề, mở các lớp đào tạo nghề cho người lao động và đẩy mạnh thông tin thị trường lao động, giới thiệu, tư vấn, định hướng việc làm cho thanh niên. Bên cạnh đó, Huyện đoàn đã phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam Phân hiệu Việt Bắc tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho 13/13 xã, thị trấn với hơn 250 ĐVTN tham dự. Tính đến nay, đã có trên 50 ĐVTN đang theo học và làm việc tại các công ty thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và gần 500 ĐVTN đang lao động tại các công ty trong và ngoại tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi về định hướng cho TNKN trong thời gian tới, đồng chí Hoàng Văn Mười, Bí thư Huyện đoàn Bắc Mê cho biết: Huyện đoàn luôn đồng hành với thanh niên, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, nhiệt huyết của tuổi trẻ, xung kích trong mọi lĩnh vực. Bên cạnh sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện trong phát triển kinh tế; thì thanh niên có thể mạnh dạn tự xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hoặc thành lập HTX Thanh niên khởi nghiệp; có thể đi xuất khẩu lao động, tích góp vốn về cho gia đình phát triển kinh tế. Đối với một số ĐVTN chưa có đủ điều kiện để phát triển kinh tế, chúng tôi sẽ định hướng và tham mưu cho huyện có những cơ chế phù hợp.
Bài, ảnh: Văn Quân
Ý kiến bạn đọc