Đồng hành cùng nông dân khởi nghiệp
BHG - Thời gian gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp luôn chịu rủi ro cao, nên khởi nghiệp trong lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn; các sản phẩm khởi nghiệp của nông dân phần lớn còn manh mún, giá trị thấp và chưa có thị trường ổn định.
Cán bộ Ban Điều phối Chương trình CPRP khảo sát Nhóm cùng sở thích nuôi ong tại xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì). Ảnh: C.T.V |
Nhằm giúp người nông dân khởi nghiệp thành công, năm 2018, Ban Điều phối Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh đã có kế hoạch triển khai thực hiện “Chương trình CPRP đồng hành cùng nông dân khởi nghiệp”. Mục tiêu đặt ra là hỗ trợ cho các hộ sản xuất, Nhóm cùng sở thích (NCST), Tổ hợp tác và HTX đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất; chuyển từ sản xuất sản phẩm thô sang chế biến sâu; nâng cao hiệu quả sử dụng các vật tư, nguyên liệu đầu vào, giảm phế thải, giảm phụ phẩm, sử dụng sản phẩm phụ trong nông nghiệp làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất hàng hóa theo chu trình khép kín. Đồng thời, đăng ký nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ nhãn mác hàng hóa để nâng cao giá trị sản phẩm dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm.
Theo đó, Chương trình CPRP sẽ hỗ trợ nông dân vốn đầu tư sản xuất; hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ, có bao bì, nhãn mác; hỗ trợ tiếp cận các đơn vị cung ứng giống, vật tư, thiết bị sản xuất, KHKT và tiếp cận các cơ quan cấp chứng chỉ, chứng nhận, nhãn mác, nhãn hiệu cho sản phẩm; hỗ trợ tham quan, học tập mô hình, kết nối thị trường tiêu thụ và quảng bá sản phẩm.
Hiện tại, Ban Điều phối Chương trình CPRP đang tiến hành khảo sát, đánh giá, phân loại các NCST, Tổ hợp tác, HTX có đủ tiêu chí để lựa chọn các đối tượng cùng đồng hành; tuyên truyền cho người dân nắm bắt về chủ trương, chính sách và sự cần thiết phải sản xuất hàng hóa theo quy trình khép kín; xây dựng thương hiệu; đồng thời lắng nghe nguyện vọng, nhu cầu của các hộ dân để có kế hoạch hỗ trợ hợp lý, hiệu quả. Phấn đấu đến hết năm năm 2018, có ít nhất 15 nhóm/sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu và nhãn mác hàng hóa được đưa ra thị trường tiêu thụ; đến năm 2020, có ít nhất 65 hộ/nhóm được hỗ trợ thực hiện chương trình, có ít nhất 50% NCST được tài trợ hoạt động có hiệu quả và kết nối với thị trường.
Anh Lê Văn Thảo, NCST nuôi ong thôn Chiến Thắng, xã Hồ Thầu, Hoàng Su Phì cho biết: Chương trình CPRP đồng hành cùng nông dân khởi nghiệp rất thiết thực, giải quyết được các nguyện vọng của người dân như: Định hướng phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; xây dựng thương hiệu, kết nối thị trường. Chúng tôi mong muốn Chương trình CPRP tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, đồng hành để người dân tiếp cận được các nguồn vốn cũng như KHKT và quảng bá sản phẩm, từng bước khởi nghiệp thành công.
Bài, ảnh: An Giang
Ý kiến bạn đọc