Chàng trai khởi nghiệp từ đam mê thời thơ ấu

17:16, 21/04/2017

BHG- Lúc nhỏ rong ruổi cùng mẹ khắp các chợ để bán gà, vịt; không biết từ bao giờ, anh đã mong muốn có một trang trại chăn nuôi cho riêng mình. Sinh năm 1994, anh Nguyễn Văn Huấn ở thôn Tân Thành, xã Phương Độ, T.p Hà Giang vừa nhận Bằng tốt nghiệp Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam;  do điều kiện gia đình khó khăn, anh quyết tâm trở về quê hương thực hiện ước mơ lúc nhỏ.

Để đảm bảo chất lượng lợn thịt, anh Huấn luôn chú ý đến vệ sinh và thức ăn của đàn lợn rừng.
Để đảm bảo chất lượng lợn thịt, anh Huấn luôn chú ý đến vệ sinh và thức ăn của đàn lợn rừng.

Nhận thấy hiện nay chưa một trang trại nào có quy mô lớn và có thương hiệu thực sự trong việc cung cấp sản phẩm lợn rừng, anh Huấn quyết tâm đầu tư vào nuôi lợn, gà thả đồi, gà rừng. Đến nay, quy mô chưa quá lớn nhưng cũng đã có thu nhập bước đầu. Hiện, anh sở hữu hơn 30 con lợn rừng sinh sản và bán thịt; gần 100 con gà thả đồi, 10 con gà rừng, ao thả trên 500 cá bỗng. Khu chuồng trại và ao thả cá được anh xây dựng khá ngăn nắp, có khoảng cách hợp lý với khu nhà ở. Anh chia sẻ: “Bố mẹ mình đều làm nông nghiệp, nên ra trường xin việc cũng khó khăn, thấy mình thích chăn nuôi từ nhỏ nên khi quyết định xây dựng chuồng trại, chăn nuôi bố mẹ cũng ủng hộ và giúp đỡ”.

Sau khi tham quan khu chăn nuôi, ao thả cá; anh Huấn đưa chúng tôi đến khu đất bên cạnh đang được san lấp. Dự định trong tương lai của anh là mở rộng quy mô nuôi lợn, gà rừng với số lượng lớn; xây dựng thương hiệu thực phẩm sạch của riêng mình. Có thể nhận thấy việc tiếp cận thị trường của anh Huấn hết sức nhạy bén, nhất là trong giai đoạn người tiêu dùng đang tìm kiếm nguồn thực phẩm sạch. Được biết, thức ăn chủ yếu của đàn lợn là rau, cỏ và hạt ngô, không sử dụng thức ăn kích thích tăng trọng; đàn gà được thả trên khu đồi gần nhà, và cho ăn thêm thóc. Chính vì thế, anh chưa bao giờ lo đầu ra cho sản phẩm, hầu hết thương lái đều tìm đến tận nơi đặt mua. Hiện nay, khi mà lợn thương phẩm đang bị chèn ép giá hết sức rẻ thì giá bán của lợn, gà thả đồi lại luôn ổn định: Giá bán lợn rừng giống là 240 nghìn đồng/kg; lợn thịt là 180 nghìn đồng/kg; gà thả đồi từ 120 -140 nghìn đồng/1kg. Theo anh, việc chăm sóc đối với lợn rừng cũng không quá khó khăn, phức tạp; do lợn có tính hoang dã, thích ăn cỏ voi, ngô hạt, anh cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn để học tập thêm kinh nghiệm chăn nuôi.
Ngoài công việc chính là chăn nuôi, anh Huấn còn tích cực tham gia công tác Đoàn ở địa phương. Hiện, anh là Phó Bí thư Chi đoàn thôn Tân Thành và là tấm gương cho rất nhiều thanh niên trẻ trong thôn học theo. Chị Nguyễn Thị Thoại, Bí thư Chi đoàn thôn, nhận xét: “Tuy còn trẻ, nhưng Huấn là tấm gương dám nghĩ dám làm và chọn được cách đi hết sức đúng đắn để cạnh tranh với các trang trại lợn khác; đó là lựa chọn giống lợn rừng để phát triển kinh tế. Tôi nghĩ đây là mô hình mà rất đáng để học tập và mở rộng hơn nữa”. Mong muốn của anh Huấn là nhận được sự giúp đỡ về cả kiến thức chăn nuôi và vốn để mở rộng trang trại nuôi lợn, gà thả đồi, gà rừng của mình, cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

MY LY


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thanh niên Quản Bạ xung kích khởi nghiệp

BHG - Thực hiện phong trào thanh niên xung kích phát triển KT – XH, thanh niên làm theo lời Bác; nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ở huyện Quản Bạ đã chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo, mạnh dạn đổi mới hướng làm ăn, tăng thu nhập cho gia đình và nhiều lao động, Trở thành tấm gương sáng cho nhiều bạn trẻ noi theo.  

29/03/2017
Thanh niên Yên Minh cần định hướng và động lực khởi nghiệp

BHG- Tính đến ngày 31.12.2016, toàn huyện Yên Minh có 13.134 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), trong đó có gần 4.400 đoàn viên. Có tới một nửa số ĐVTN là con em hộ nghèo hoặc là chủ hộ nghèo. Theo thống kê của Huyện đoàn Yên Minh, toàn huyện chỉ có 12 mô hình kinh tế của ĐVTN là đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nhìn vào con số này, có thể thấy ĐVTN ở Yên Minh đang rất cần định hướng và động lực để xây dựng các mô hình kinh tế khởi nghiệp.

23/03/2017
KHỞI NGHIỆP

LTS:  Phát huy nội lực để phát triển KT – XH, đưa tỉnh ta thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn là một chủ trương lớn của tỉnh, đã và đang được cụ thể hóa bằng nhiều chương trình hành động, trong đó có chương trình KHỞI NGHIỆP. Từ tháng ba này, Báo Hà Giang mở chuyên mục KHỞI NGHIỆP nhằm tuyên truyền sâu rộng, cổ vũ kịp thời, góp phần cho KHỞI NGHIỆP thành công. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

21/03/2017
Trưởng thôn trở thành doanh nhân trẻ

BHG- "Khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có". Lời nhà văn Nam Cao cách đây hơn 70 năm vẫn còn vẹn nguyên giá trị và trở thành câu chuyện khởi nghiệp đáng ngưỡng mộ với nhiều thế hệ thanh niên trên địa bàn xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) khi nhắc đến anh Nguyễn Văn Cường – Trưởng thôn Vĩnh Chính – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên (MTV) May mặc Cường Thuận. 

21/03/2017