Trưởng thôn trở thành doanh nhân trẻ

07:53, 21/03/2017

BHG- “Khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”. Lời nhà văn Nam Cao cách đây hơn 70 năm vẫn còn vẹn nguyên giá trị và trở thành câu chuyện khởi nghiệp đáng ngưỡng mộ với nhiều thế hệ thanh niên trên địa bàn xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) khi nhắc đến anh Nguyễn Văn Cường – Trưởng thôn Vĩnh Chính – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên (MTV) May mặc Cường Thuận.

29 tuổi, anh Nguyễn Văn Cường trở thành Giám đốc một công ty may mặc, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động trong và ngoài xã Vĩnh Hảo.
29 tuổi, anh Nguyễn Văn Cường trở thành Giám đốc một công ty may mặc, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động trong và ngoài xã Vĩnh Hảo.

Năm 2015, anh Nguyễn Văn Cường được nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức vụ Trưởng thôn Vĩnh Chính. Cũng trong thời điểm này, anh thành lập công ty và trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV May mặc Cường Thuận, khi tuổi đời vừa tròn 29. Điều đặc biệt ở đây, không chỉ là một trưởng thôn năng động, sáng tạo, “nói đi đôi với làm” mà anh còn là một doanh nhân trẻ khởi nghiệp thành công ngay tại mảnh đất quê hương. Ngành nghề kinh doanh anh chọn là may mặc. Mặc dù, nghề này khá thịnh hành trên thị trường, nhưng để thành lập công ty chuyên kinh doanh mặt hàng này thì hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có duy nhất công ty của anh.

Câu chuyện khởi nghiệp của anh Cường được hun đúc từ những năm tháng anh đi xuất khẩu lao động tại thị trường Malaysia và nước Cộng hòa Liên bang Nga (giai đoạn 2006 – 2013). Quá trình lao động ngoài nước, được tiếp xúc với nghề may, học tập kinh nghiệm quản lý lao động và thực hành nghề một cách thành thục; trở về nước với vốn nghề đã có cùng số tiền tích lũy được, anh Cường thành lập công ty chuyên về may mặc. “Trước khi thành lập công ty, tôi từng mở xưởng chè mini tại địa phương để khởi nghiệp. Nhưng việc sản xuất kinh doanh không thuận lợi. Biết mình còn duyên với nghề cũ, hơn nữa, thời điểm đó, nhu cầu về may mặc (trang phục, đồng phục học sinh...) tại địa phương hay những xã lân cận tương đối lớn. Nắm bắt cơ hội này, tôi quyết định thành lập công ty” – anh Nguyễn Văn Cường chia sẻ.

Bước vào khởi nghiệp khi lao động có tay nghề tại địa phương vô cùng hiếm, khiến anh Cường trăn trở về bài toán thu hút lao động. Song, với cách làm sáng tạo, giàu tính nhân văn của mình, giờ đây, công ty của anh đã tạo việc làm cho 30 lao động trong và ngoài xã, với mức thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/người/tháng (tính theo sản phẩm). Để có được kết quả này, vợ chồng anh Cường thực hiện việc đào tạo nghề miễn phí cho người lao động, từ không biết nghề đến khi làm ra sản phẩm chất lượng. Không dừng ở việc làm trên, anh Cường còn hỗ trợ công nhân chi phí ăn, ở trong suốt thời gian học nghề. Đặc biệt, khi công nhân bắt đầu làm ra sản phẩm, anh Cường thực hiện tính tiền công cho lao động. Song, trong thời gian 1 – 2 tháng đầu làm việc, hầu hết công nhân chưa thạo nghề, sản phẩm làm ra còn chậm tiến độ nên tiền công chưa ổn định. Do vậy, anh Cường tiếp tục hỗ trợ hoàn toàn tiền ăn, ở cho công nhân... “Chúng tôi vô cùng xúc động và trân trọng việc làm này của Giám đốc. Vì anh đã giúp chúng tôi từ không nghề nghiệp trở thành lao động lành nghề, tạo thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình”, anh Hoàng Chiến Trường (xã Đồng Yên – Bắc Quang) chia sẻ.

Ngoài thiết kế thời trang, Công ty TNHH MTV May mặc Cường Thuận còn nhận tư vấn xuất khẩu lao động và đào tạo thợ may.
Ngoài thiết kế thời trang, Công ty TNHH MTV May mặc Cường Thuận còn nhận tư vấn xuất khẩu lao động và đào tạo thợ may.

Tiếp nối thành công trên, nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh và khai thác tốt tiềm năng của doanh nghiệp, cuối năm 2016, anh Cường vay vốn Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Bắc Quang 500 triệu đồng để nâng tổng số trang thiết bị lên 30 máy may. Theo đánh giá thẩm định tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp từ Agribank Chi nhánh huyện Bắc Quang cho thấy: Quy mô tài sản và nguồn vốn của công ty thời điểm tháng 11.2016 tăng 36% so với cùng kỳ năm 2015. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh lên đến 108,4 tỷ đồng. Điều này cho thấy tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận kinh doanh tăng, tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng doanh thu, chứng minh công tác quản lý chi phí, quản lý doanh nghiệp tốt của công ty. Không những vậy, công ty còn có mức độ độc lập tốt về tài chính khi sở hữu hệ số tự tài trợ tương đối cao, lên đến 80%. Đặc biệt, công ty không có dự phòng giảm giá hàng tồn kho, chứng minh chất lượng sản phẩm dịch vụ tốt, không có hàng hóa dịch vụ kém chất lượng, bị trả hàng...

Vượt qua “vạn sự khởi đầu nan” cho quá trình khởi nghiệp, giờ đây, công ty của anh Cường từng bước tạo thế vững trên thị trường, khi sản phẩm đầu ra đáp ứng nhu cầu của nhiều cơ quan, trường học, cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện Bắc Quang và các huyện lân cận. Không những vậy, công ty của anh còn liên kết với một số công ty may mặc có uy tín ở tỉnh Hải Dương, Hưng Yên hay TP. Hà Nội để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hoặc nhận gia công hàng may, nhằm tìm kiếm thị trường ổn định cho sản phẩm, giúp người lao động tăng thu nhập.

Xuyên suốt quá trình công tác tại thôn Vĩnh Chính và quá trình khởi nghiệp của mình; Trưởng thôn, doanh nhân trẻ Nguyễn Văn Cường đã chứng minh con đường khởi nghiệp thành công bắt đầu từ chính mảnh đất quê hương. Trong tận tâm mình, anh luôn tự nhủ: “Thành công là một cuộc hành trình chứ không phải điểm đến”.

THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thanh niên Hoàng Su Phì lập thân, lập nghiệp

BHG- Những năm qua, phong trào "Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp" của tuổi trẻ huyện Hoàng Su Phì đã và đang giúp nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) có điều kiện học tập, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH tại địa phương.

18/03/2017
Lập nghiệp từ 20 đôi bồ câu

BHG - Trong khuôn viên rộng khoảng 100 m2, vừa là chuồng trại vừa là bãi đậu chật trội của trên 400 đôi chim bồ câu sinh sản, sát 2 bên tường rào là sàn chứa ngô của hộ hàng xóm không hề che chắn, nhưng không có bất cứ một chú chim bồ câu nào bén mảng đến. Đó là hiện tượng lạ, đập vào mắt tôi khi tới tham quan mô hình nuôi chim bồ câu theo  của cặp vợ chồng anh chị Ma Minh Đình - Don Thị Tâm, dân tộc Nùng, thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám (Quản Bạ).         

15/03/2017