Thanh niên Yên Minh cần định hướng và động lực khởi nghiệp

07:29, 23/03/2017

BHG- Tính đến ngày 31.12.2016, toàn huyện Yên Minh có 13.134 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), trong đó có gần 4.400 đoàn viên. Có tới một nửa số ĐVTN là con em hộ nghèo hoặc là chủ hộ nghèo. Theo thống kê của Huyện đoàn Yên Minh, toàn huyện chỉ có 12 mô hình kinh tế của ĐVTN là đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nhìn vào con số này, có thể thấy ĐVTN ở Yên Minh đang rất cần định hướng và động lực để xây dựng các mô hình kinh tế khởi nghiệp.

Khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp trong lực lượng ĐVTN đang nhận được sự quan tâm lớn của lãnh đạo tỉnh và các huyện, thành phố. Có thể khẳng định điều này vì trong 2 ngày 22 – 23.9.2016, UBND tỉnh đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình Ngày hội Khởi nghiệp với sự tham gia của các chuyên gia từ T.Ư, các doanh nghiệp, HTX và hơn 200 đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh có nhu cầu khởi nghiệp. Đặc biệt, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã trực tiếp tham dự để động viên và chia sẻ những mong muốn của tỉnh vào lực lượng ĐVTV sẽ đóng góp trí tuệ, sức trẻ của mình xây dựng quê hương, góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH tỉnh nhà. Ngay sau đó, tính đến nay đã có các huyện như Vị Xuyên,  Bắc Mê, Quang Bình, Mèo Vạc hưởng ứng tổ chức Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp của huyện, mời các chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp và khích lệ tinh thần khởi nghiệp trong lực lượng ĐVTN của địa phương mình.

Với Yên Minh, toàn huyện hiện có trên 17.000 hộ với 90 vạn dân. Số hộ nghèo của huyện tính đến cuối năm 2016 là trên 9.200 hộ, chiếm tỷ lệ 53,88%. Trong đó, tổng số ĐVTN của huyện 13.134 ĐVTN, trong số này có 4.390 đoàn viên. Nhưng khoảng một nửa số ĐVTN là con em hộ nghèo hoặc là chủ hộ hộ nghèo. Trong khi, chỉ có 12 mô hình kinh tế của ĐVTN đem lại hiệu quả rõ rệt. Vậy đâu là nguyên nhân của hạn chế này?

 Phó Bí thư Huyện đoàn Yên Minh, Lương Thị Thu Hương chia sẻ: Hiện nay, phần lớn lực lượng ĐVTN vẫn sống cùng nhà với bố mẹ. Vì vậy họ chưa mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế riêng. Một số ít là chủ hộ do mới tách nên không có nguồn kinh phí để đầu tư phát triển. Năm 2015, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 209 về một số chính sách vay vốn hỗ trợ phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Đây được coi là “chìa khóa” khơi thông nguồn tín dụng cho lực lượng ĐVTN khởi nghiệp. Tuy nhiên, thực tế, các ĐVTN rất khó để vay được nguồn vốn này. Bởi họ không phải chủ hộ, nếu là chủ hộ nhưng chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và là hộ nghèo thì không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn. Cho nên có rất ít ĐVTN tiếp cận được nguồn vốn và xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả.

Theo sự giới thiệu của Huyện đoàn Yên Minh về một nhóm thanh niên đang mong muốn khởi nghiệp bằng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tại thị trấn Yên Minh, chúng tôi tìm gặp đoàn viên Hà Văn Ngọc, trưởng nhóm thanh niên khởi nghiệp của thị trấn và cũng là Phó Bí thư Đoàn thị trấn Yên Minh. Ngọc chia sẻ: Em làm cán bộ đoàn của thị trấn, thấy nhiều thanh niên địa phương rất mạnh dạn phát triển chăn nuôi gia súc nhỏ và gia cầm như dê, gà; nhưng chỉ ở quy mô nhỏ khoảng 10, 15 con vì vậy em tập hợp các bạn thành một nhóm sở thích để cùng nhau tập trung phát triển theo quy mô lớn. Tuy nhiên, để phát triển thành một mô hình như dự tính, chúng em đang gặp một số khó khăn về vốn.

Được biết, nhóm sở thích chăn nuôi của đoàn viên thị trấn Yên Minh có 5 thành viên, đàn dê của nhóm hiện nay đã có trên 70 con và trên 100 con gà xương đen. Ngoài ra, dự định của nhóm sẽ phát triển thêm chăn nuôi lợn đen hàng hóa, các sản phẩm của nhóm hướng đến cung cấp cho các nhà hàng của huyện và thành phố Hà Giang phục vụ khách du lịch. Nhưng hiện tại, do các thành viên không có vốn, chỉ đóng góp bằng đàn gia súc, gia cầm và công sức của mình, nên khu vực chăn nuôi tập trung của nhóm hiện tại chưa xây dựng được chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm. Và kế hoạch phát triển lâu dài chưa được các thành viên xây dựng cụ thể, rõ ràng. Từ những khó khăn thực tế đó, có lẽ nguồn vốn cho khởi nghiệp và định hướng khởi nghiệp cho ĐVTN ở Yên Minh, đang là rào cản khiến những ý tưởng khởi nghiệp của lực lượng thanh niên nơi đây khó thành hiện thực.

Chủ tịch UBND huyện Yên Minh Phan Thị Minh cho biết: Những năm qua, Thường trực Huyện ủy và Thường trực UBND huyện rất quan tâm đến hướng nghiệp cho lực lượng thanh niên, điều này thể hiện qua công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với trung bình hàng nghìn lao động được đào tạo mỗi năm. Số lao động được đào tạo chủ yếu là lực lượng ĐVTN. Qua đào tạo, nhiều lao động nông thôn đã biết cách chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế nhưng chủ yếu theo mô hình hộ gia đình. Với khởi nghiệp, đây là một chủ trương mới, cần nguồn lực lớn, nên chúng tôi cũng đang chỉ đạo Huyện đoàn tham mưu tổ chức diễn đàn hướng nghiệp cho ĐVTN. Với điều kiện còn khó khăn của huyện, trong năm 2017, huyện đang dự định sẽ cân đối nguồn ngân sách, hỗ trợ một đến hai nhóm thanh niên xây dựng mô hình kinh tế khởi nghiệp làm điểm, để lực lượng ĐVTN các xã, thị trấn học tập kinh nghiệm và mạnh dạn cùng gia đình vay vốn khởi nghiệp. Về lâu dài, để thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp, mong rằng tỉnh sẽ có các chính sách khơi thông nguồn vốn cho lực lượng thanh niên.

Với một huyện nghèo đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nguồn ngân sách ngày càng hạn hẹp, thu ngân sách hàng năm chỉ đủ kế hoạch giao, thậm chí có năm không đạt, nên Yên Minh rất khó có thể hỗ trợ được nhiều cho lực lượng thanh niên của huyện khởi nghiệp. Tuy nhiên, huyện có thể định hướng cho lực lượng ĐVTN hướng khởi nghiệp nào là tốt nhất cho họ. Điều này là rất quan trọng và cần thiết cho lực lượng ĐVTN có nhu cầu khởi nghiệp, bởi dù có vốn, nhưng không có định hướng tốt, sẽ không thể phát huy được hiệu quả nguồn vốn. Có được những định hướng tốt, chắc chắn sẽ tiếp thêm động lực cho thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp.

DUY TUẤN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

KHỞI NGHIỆP

LTS:  Phát huy nội lực để phát triển KT – XH, đưa tỉnh ta thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn là một chủ trương lớn của tỉnh, đã và đang được cụ thể hóa bằng nhiều chương trình hành động, trong đó có chương trình KHỞI NGHIỆP. Từ tháng ba này, Báo Hà Giang mở chuyên mục KHỞI NGHIỆP nhằm tuyên truyền sâu rộng, cổ vũ kịp thời, góp phần cho KHỞI NGHIỆP thành công. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

21/03/2017
Trưởng thôn trở thành doanh nhân trẻ

BHG- "Khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có". Lời nhà văn Nam Cao cách đây hơn 70 năm vẫn còn vẹn nguyên giá trị và trở thành câu chuyện khởi nghiệp đáng ngưỡng mộ với nhiều thế hệ thanh niên trên địa bàn xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) khi nhắc đến anh Nguyễn Văn Cường – Trưởng thôn Vĩnh Chính – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên (MTV) May mặc Cường Thuận. 

21/03/2017
Thanh niên Hoàng Su Phì lập thân, lập nghiệp

BHG- Những năm qua, phong trào "Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp" của tuổi trẻ huyện Hoàng Su Phì đã và đang giúp nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) có điều kiện học tập, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH tại địa phương.

18/03/2017
Lập nghiệp từ 20 đôi bồ câu

BHG - Trong khuôn viên rộng khoảng 100 m2, vừa là chuồng trại vừa là bãi đậu chật trội của trên 400 đôi chim bồ câu sinh sản, sát 2 bên tường rào là sàn chứa ngô của hộ hàng xóm không hề che chắn, nhưng không có bất cứ một chú chim bồ câu nào bén mảng đến. Đó là hiện tượng lạ, đập vào mắt tôi khi tới tham quan mô hình nuôi chim bồ câu theo  của cặp vợ chồng anh chị Ma Minh Đình - Don Thị Tâm, dân tộc Nùng, thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám (Quản Bạ).         

15/03/2017