Thanh niên Quản Bạ xung kích khởi nghiệp
BHG - Thực hiện phong trào thanh niên xung kích phát triển KT – XH, thanh niên làm theo lời Bác; nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ở huyện Quản Bạ đã chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo, mạnh dạn đổi mới hướng làm ăn, tăng thu nhập cho gia đình và nhiều lao động, Trở thành tấm gương sáng cho nhiều bạn trẻ noi theo.
Những giám đốc Hợp tác xã trẻ
Làm ăn theo hình thức Hợp tác xã (HTX) đang là xu hướng được Đảng, Nhà nước khuyến khích. Nắm bắt kịp thời xu hướng đó, bạn trẻ Nguyễn Thị Thùy (sinh 1992) ở thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám đã tự mình vận động nhân dân trong xã thành lập HTX Đồng Nhất. Câu chuyện lập nghiệp của Thùy bắt đầu từ năm 2015, khi theo gia đình lên làm ăn ở vùng đất mới Quản Bạ. Với tiền vốn ban đầu khoảng 100 triệu đồng do gia đình giúp đỡ, sau 2 năm buôn bán, kinh doanh hàng tạp hóa, phân bón, thức ăn chăn nuôi... cơ sở kinh doanh của Thủy đã phát triển nhanh chóng, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Mô hình nuôi chim bồ câu của bạn Thào Xuân Chung ở xã Lùng Tám (Quản Bạ). |
Biết huyện có chủ trương khuyến khích nhân dân thành lập HTX, qua tìm hiểu và được sự tư vấn của chính quyền địa phương, Thùy quyết định đứng ra thành lập HTX vào năm 2016, với 10 thành viên, với vốn điều lệ là 500 triệu đồng và trở thành nữ Giám đốc trẻ. Thùy chia sẻ: “Thấy bà con ở đây khó khăn quá, mỗi khi vào mùa vụ lại phải chạy xe máy vượt hàng chục cây số đường đèo núi để mua phân bón với giá cao, chất lượng không đảm bảo. Vì vậy, tôi đã đứng ra mời các Trưởng thôn cùng tham gia vào HTX, làm đầu mối cung ứng phân bón, vật tư nông nghiệp ở các thôn. Mỗi khi đến mùa vụ, bà con cần mua phân bón sẽ tới đặt hàng với các Trưởng thôn, HTX hỗ trợ vận chuyển đến tận nơi. Bên cạnh đó, HTX còn thu mua nông sản trong nhân dân về bán”. Thành lập HTX với Thùy chỉ là bước khởi đầu, ôm ấp rất nhiều dự định, Giám đốc trẻ tâm sự: “Sắp tới tôi muốn vay vốn để mở thêm 2 nhà kho, 1 xưởng chế biến nông sản địa phương như: Cây dược liệu, thịt hun khói, lạp sường..., mở một Nhà trưng bày sản phẩm địa phương và Cửa hàng bán đồ ăn cho khách du lịch”. Dù gặp phải một số khó khăn, lúng túng ban đầu, nhưng với sự năng động, quyết tâm của bản thân, Thùy vẫn điều hành tốt công việc của HTX.
Cũng là một thanh niên năng động, chàng trai người Mông, Vàng Hồ Dương (sinh 1989) ở thôn Lò Suối Tủng, xã biên giới Tả Ván là một ông chủ trẻ được nhân dân trong vùng biết đến. Trước đây Dương làm việc ở Đoàn Thanh niên xã, sau một thời gian học hỏi và thử kinh doanh, Dương đã thôi việc ở xã để chuyển hẳn sang kinh doanh vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng và mở một cửa hàng bán hàng tạp hóa. Giờ đây, Cửa hàng của Dương trở thành đầu mối bán hàng cho bà con trong vùng những mặt hàng như: Cát, sỏi, sắt, thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi... Giúp bà con thuận tiện trong việc mua sắm, không phải mua hàng ở xa, không rõ nguồn gốc, chất lượng. Dương cho biết: “Mình đang xây dựng Đề án thành lập HTX toàn thôn theo chủ trương của huyện, để có thêm vốn và nhân lực mở rộng kinh doanh”.
“Chắp cánh” cho thanh niên khởi nghiệp
Những tấm gương về khởi nghiệp ở trên chỉ là một phần nhỏ trong những thanh niên có ý chí quyết tâm, không cam chịu đói, nghèo ở vùng đất khó. Tuy nhiên, cũng có những thanh niên muốn phát triển kinh tế nhưng còn lúng túng vì thiếu vốn, kiến thức, kinh doanh... Chàng trai trẻ Thào Xuân Chung (sinh 1992) ở thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám đã xây dựng thành công mô hình nuôi chim bồ câu theo phương pháp kỹ thuật hiện đại, chuồng trại sạch sẽ, có khử trùng, tiêm vắc xin phòng bệnh. Thế nhưng để có mô hình như hôm nay, Chung đã vấp phải rất nhiều thất bại trước đó. Ấp ủ ý tưởng nuôi chim bồ câu từ cách đây 7 năm, song bị sự phản đối của bố mẹ do sợ con thất bại, Chung tự mình đi làm thuê để kiếm tiền về dựng chuồng trại nuôi chim. Đến năm 2015, chàng trai trẻ dành dụm được số tiền 50 triệu đồng để đầu tư: Dựng chuồng trại, mua chim giống, máy ép cám... Ban đầu nuôi 80 đôi chim bồ câu giống nhưng do chưa nắm chắc kỹ thuật nên đàn chim bị chết hơn nửa. Sau khi rút ra kinh nghiệm, không nản lòng, Chung lại tiếp tục phát triển đàn chim, gần đây anh đã bán được 25 cặp chim đầu tiên. Chung tâm sự: “Tôi đã chọn nuôi chim làm nghề phát triển kinh tế của mình rồi, dù mới đầu thất bại song tôi vẫn tiếp tục làm”.
Làm thế nào để giúp đỡ thanh niên khởi nghiệp? Bí thư Huyện đoàn Quản Bạ, Viên Thị Mai Lan, cho biết: “Phong trào khởi nghiệp được lãnh đạo huyện cũng như BTV Huyện đoàn chúng tôi đặc biệt quan tâm. Cuối năm 2016, Huyện đoàn đã phối hợp với UBND huyện tổ chức hội nghị khởi nghiệp trong đó có mời Đoàn trường Đại học Kinh tế Quốc dân ở Hà Nội lên hợp tác, ký kết hỗ trợ cho ĐVTN của huyện. Sau hội nghị, có 41 nhóm thanh niên có ý tưởng, dự án khởi nghiệp, như: Chăn nuôi trâu, bò, gà, dê, chim bồ câu, kinh doanh nông sản, trồng dược liệu... ”.
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy rằng ĐVTN muốn khởi nghiệp còn thiếu về: Kiến thức, kỹ thuật, không có tài sản thế chấp để vay vốn... Khi yêu cầu làm đề án xin vay vốn thì cảm thấy khó khăn vì các em chỉ làm tự phát, chưa có sự định hướng, mạnh dạn đầu tư thành mô hình lớn. Chính vì vậy, Huyện đoàn Quản Bạ có kế hoạch mời Đoàn trường Đại học Kinh tế Quốc dân lên tổ chức lớp tập huấn về quản trị kinh doanh cho ĐVTN. Tham mưu cho UBND huyện thành lập Ban hỗ trợ phát triển khởi nghiệp, giúp đỡ tư vấn cho thanh niên. Từ đó giúp ĐVTN tiếp cận các chủ trương, chính sách của Nhà nước một cách tốt nhất, như: Hướng dẫn vay vốn, kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ, để có động lực và nguồn lực khởi nghiệp. Giúp đỡ quảng bá các sản phẩm do ĐVTN làm ra trên zalo, facebook, nhờ Đoàn trường Đại học Kinh tế Quốc dân hỗ trợ cho khâu Marketing để mở rộng thị trường đến Hà Nội. Bằng sự giúp đỡ thiết thực này, hy vọng có nhiều thanh niên xây dựng mô hình kinh tế thành công.
LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc