Đề án 1956 góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn
Xuân 2020 - Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, huyện Bắc Mê đã có nhiều cách làm hay, thiết thực, đưa ra nhiều mô hình dạy nghề với những hình thức phù hợp từng bước góp phần nâng cao chất lượng lao động nông thôn.
Để công tác ĐTN cho LĐNT đạt kết quả cao, thời gian qua huyện Bắc Mê đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về mục đích ĐTN đối với sự phát triển KT-XH. Mặt khác, huyện đã xây dựng Trung tâm ĐTN và thành lập BCĐ thực hiện đề án ĐTN cho LĐNT từ huyện đến các xã, thị trấn.
Thầy, cô giáo cùng học sinh chăm sóc vườn hoa tại Trung tâm GDTX-GDNN huyện. |
Theo thống kê, đến nay Bắc Mê đã đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng cho gần 8.000 LĐNT. Các nghề đào tạo gồm: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây lương thực, thực phẩm, bảo vệ thực vật, chọn và nhân giống... Đặc biệt chú trọng các ngành, nghề thuộc các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh về các mặt hàng nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp, điện dân dụng, xây dựng. Những lớp dạy nghề này khi tổ chức đều dựa trên nhu cầu thực tế của người dân.
Bà Lưu Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Bắc Mê, cho biết: Trung tâm đã tham mưu chi tiết dự toán các lớp nghề phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu; đặc biệt là phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của từng địa phương. Để thực hiện tốt, Trung tâm đã phân công Ban Giám đốc, cán bộ, giáo viên trực tiếp tham gia quản lý tại các xã trong công tác ĐTN từ tư vấn đến mở các lớp đào tạo.
Nhằm tạo điều kiện cho LĐNT tham gia học nghề ngoài thực hiện nghiêm các chính sách của Nhà nước theo đề án ĐTN cho LĐNT, huyện Bắc Mê còn tổ chức lớp học nghề ngay tại các xã. Hầu hết số lao động sau khi học nghề ngắn hạn đã được làm việc đúng nghề ngay tại địa phương; áp dụng kiến thức để tạo việc làm, tăng thu nhập.
Đồng chí Ma Văn Tỏe, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê, cho biết: Huyện Bắc Mê chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn tích cực thực hiện công tác ĐTN, giải quyết việc làm cho lao động. Kết quả, các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm giao luôn đạt và vượt so với kế hoạch. Công tác ĐTN cho LĐNT hiệu quả, công tác khảo sát nhu cầu học nghề được quan tâm thực hiện, đã có nhiều cách làm hay, thiết thực, đưa ra nhiều mô hình dạy nghề và hình thức phù hợp. Bên cạnh đó, hàng năm UBND huyện thường xuyên tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu ĐTN cho LĐNT trên địa bàn để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và nhu cầu học nghề của từng lao động.
Như vậy, cùng với những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Đề án 1956, việc tiếp tục triển khai Đề án sẽ tạo điều kiện cho lao động trên địa bàn huyện phát triển mạnh mẽ, phục vụ tốt cho sự phát triển KT-XH của huyện.
Bài, ảnh: VĂN QUÂN
Ý kiến bạn đọc