Hiệu quả từ chương trình quy tụ dân cư ở Quản Bạ

08:01, 21/08/2019

BHG - Thực hiện Chương trình Quy tụ dân cư năm 2019 theo Quyết định số 04/QĐ-UBND của UBND tỉnh, hàng trăm hộ dân sinh sống ở khu vực miền núi của huyện Quản Bạ có nguy cơ sạt lở đã được hỗ trợ di dời đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống.

Ngôi nhà mới xây của hộ ông Sùng Thìn Mìn, thôn Lùng Thàng, xã Quyết Tiến.
Ngôi nhà mới xây của hộ ông Sùng Thìn Mìn, thôn Lùng Thàng, xã Quyết Tiến.

Đến thăm ngôi nhà vừa mới xây xong của anh Thào Dương Hòa, thôn Lùng Mười, xã Quyết Tiến là hộ dân vừa mới được di dời do nhà ở sát chân đồi sang một vị trí bằng phẳng cách đó không xa. Anh Hòa phấn khởi cho biết: “Ngôi nhà cũ của gia đình đã bị sập bếp và tốc mái do trận mưa to vào tháng 7 năm 2018, lúc đó, chúng tôi ở tạm trong ngôi nhà cũ nhưng luôn nơm nớp lo sợ. Khi được chính quyền xã phổ biến về chính sách về hỗ trợ di dời đến nơi ở mới, tôi rất mừng và vay mượn thêm tiền để xây ngôi nhà này vào tháng 4 năm nay; đến nay, gia đình đã ổn định cuộc sống ở nơi ở mới và yên tâm hơn mỗi khi trời có mưa to, gió lớn”.

Khi chuyển đến nơi ở mới, mỗi hộ dân được chính quyền hỗ trợ kinh phí chuyển nhà cho các hộ thuộc thôn biên giới, xã biên giới là 50 triệu đồng; hộ ở thôn nội địa, xã biên giới là 32 triệu đồng; hộ ở xã nội địa là 20 triệu đồng; hộ ổn định tại chỗ là 10 triệu đồng. Gia đình ông Sùng Thìn Mìn, thôn Lùng Thàng, xã Quyết Tiến cũng đang khẩn trương láng nền nhà với sự giúp đỡ của những người hàng xóm để hoàn thiện ngôi nhà. Ông Mìn tâm sự, nhà ông bị sập tường do trận mưa to vào tháng 7 năm ngoái, được xã vận động di dời khỏi vùng nguy hiểm; gia đình đã bán bò để lấy tiền xây dựng lại ngôi nhà mới hết 80 triệu đồng, với mong muốn có nhà ở kiên cố cho an tâm mỗi khi trời mưa, bão.

Theo lãnh đạo xã Quyết Tiến, toàn xã có 24 hộ được hỗ trợ di dời nhà ở  với số tiền giải ngân là 482 triệu đồng. Việc triển khai thực hiện Đề án Quy tụ dân cư của tỉnh được người dân đồng tình ủng hộ cao vì đã giải quyết được bức xúc của người dân miền núi về đất ở. Trong quá trình thực hiện Đề án, ngoài việc công khai, minh bạch danh sách đối tượng được thụ hưởng; người dân còn được chủ động lựa chọn vị trí, hình thức tái định cư phù hợp với văn hóa, tập quán của từng dân tộc.

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quản Bạ, Phạm Ngọc Pha cho biết: Nhận thấy Đề án Quy tụ dân cư là một chính sách lớn của tỉnh, tác động tích cực đến cuộc sống người dân và an sinh - xã hội của địa phương. Do đó, huyện đã đưa chương trình vào nội dung thi đua hàng năm, nhằm đưa cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn cùng vào cuộc tham gia thực hiện. Trong đó, công tác giải ngân cho các hộ đã được quan tâm thực hiện sát sao; trước khi tỉnh cấp kinh phí, huyện đã chủ động cấp ứng trước 50% kinh phí cho các hộ, sau khi nhận được kinh phí tỉnh cấp, huyện đã giải ngân 100% kinh phí cho các xã, thị trấn; đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn phải giải ngân kịp thời cho các hộ, không để xảy ra tình trạng các hộ thực hiện do thiếu kinh phí dẫn đến chậm tiến độ di dời và ảnh hưởng đến cuộc sống. Tổng số hộ được giao thực hiện theo phương án năm 2019 là 158 hộ, đều thuộc đối tượng nguy cơ thiên tai. Huyện đã hoàn thành việc di chuyển xen ghép ở xã biên giới 55 hộ; di chuyển xen ghép xã nội địa 96 hộ; ổn định tại chỗ 7 hộ với tổng kinh phí thực hiện 4.549 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện không tránh khỏi những khó khăn như: Một số hộ khó trao đổi đất tại nơi ở mới, thiếu nguồn lực đối ứng, đi lao động ngoài địa phương... Do đó, huyện phải điều chỉnh, phê duyệt lại danh sách thực hiện so với phương án ban đầu, nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung toàn huyện.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn, gió lốc làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất và gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân; ước tổng thiệt hại trên 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ sự quyết liệt của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân; bước vào mùa mưa năm nay, hàng trăm hộ dân ở nhiều xã vùng cao của huyện Quản Bạ đã được di dời nhà ở về nơi an toàn.

Bài, ảnh: Lê Hải


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Đòn bẩy" cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số Vị Xuyên và Đồng Văn

BHG - Trong những năm qua, việc quan tâm, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được tỉnh ta đặt lên hàng đầu. Các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS được đẩy mạnh, đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo huyện Vị Xuyên và Đồng Văn thêm động lực vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

 

31/07/2019
Bắc Quang phát huy vai trò đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số

BHG - Nhằm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang đã triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phù hợp để đào tạo nguồn nhân lực, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ là người DTTS. Từ năm 2014 đến nay, toàn huyện có 23 cán bộ là người DTTS được bầu vào BCH Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 – 2020; 22 người là đại biểu HĐND huyện, 464 người là đại biểu HĐND cấp xã, nhiệm kỳ 2016 – 2021; 87 người đang đảm nhiệm các chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã.

29/07/2019
Đồng Văn đổi mới tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

BHG - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói về công tác tuyên truyền: "Trong dân chúng không nhất luận như nhau, trong dân chúng cũng có nhiều tầng lớp khác nhau, ý kiến khác nhau, có lớp tiên tiến, có lớp lưng chừng, có lớp lạc hậu". Vì vậy, đối với mỗi tầng lớp và đối tượng, Bác yêu cầu: "Phải có phương thức tuyên truyền thích hợp và phải chú trọng ưu tiên cho lớp đối tượng có trình độ nhận thức, trình độ văn hóa thấp...

29/07/2019
Chính sách hỗ trợ phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg, ngày 27.6.2019 về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

28/06/2019