Thúc đẩy liên kết sản xuất nông nghiệp
BHG - Sản xuất theo hướng hàng hóa nhằm tăng năng suất, giá trị kinh tế ngành Nông nghiệp là định hướng trọng tâm của tỉnh thời gian qua. Hiện thực hóa điều này, tỉnh ta đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy liên kết sản xuất nông nghiệp.
Những năm gần đây, tỉnh ta ghi nhận nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, như: Tập đoàn TH, Hào Hưng, Công ty Cổ phần Dược liệu Bông Sen Vàng, AnVy… Hình thức tổ chức sản xuất đã thay đổi rõ rệt, có sự liên kết sản xuất, kinh doanh giữa các tổ chức với người nông dân; tuy nhiên, quy mô sản xuất tại các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, trang trại, gia trại quy mô còn nhỏ; tình trạng “được mùa mất giá” thường xuyên xảy ra, phát triển thiếu bền vững. Công tác đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường cho cán bộ làm công tác khuyến nông ít được chú trọng; các chương trình hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm… tính liên kết thấp.
Trước thực tế trên, tỉnh ta đã xây dựng dự thảo chính sách “Hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh” với 3 nội dung hỗ trợ, gồm: Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết và hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn, giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm. Theo đó, đơn vị chủ trì liên kết được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng. Dự án liên kết được ngân sách hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết… mức hỗ trợ tối đa 10 tỷ đồng/dự án.
Ngoài ra, chính sách cũng hỗ trợ 100% chi phí đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ, năng lực quản lý… cho cán bộ HTX và nông dân tham gia liên kết; hỗ trợ 100% chi phí tài liệu, 50% chi phí đi lại, ăn, ở… với mức tối đa 300 triệu đồng cho tập huấn chuyển giao công nghệ, ứng dụng kỹ thuật mới, quản lý chất lượng theo chuỗi cho đối tượng chuyển giao và nhận chuyển giao; hỗ trợ 100% chi phí mua giống, vật tư thiết yếu cho HTX tham gia dự án liên kết ở vùng đặc biệt khó khăn và 70% chi phí mua giống, 50% chi phí mua vật tư thiết yếu, với mức hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng. Chính sách cũng dự kiến hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng cho chi phí mua bao bì, nhãn mác, kiểm định chất lượng sản phẩm và khai thác Chỉ dẫn địa lý; hỗ trợ thiết kế bao bì sản phẩm với kinh phí tối đa 8 triệu đồng/thiết kế và được hỗ trợ không quá 3 sản phẩm.
Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác và PTNT Nguyễn Giang Nam cho biết: Các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh đã được lấy ý kiến rộng rãi, nhận được sự đồng tình của các cấp, ngành và đại diện một số doanh nghiệp, HTX. Việc xây dựng chính sách hỗ trợ liên kết sẽ tiếp thêm động lực phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, góp phần hoàn thành mục tiêu Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.
DUY TUẤN
Ý kiến bạn đọc