Bắc Mê thu hút đầu tư dựa trên lợi thế sẵn có
BHG - Nằm ở phía Đông của tỉnh, huyện Bắc Mê được biết đến với nhiều thuận lợi như: Có nhiều diện tích đất rừng, nhiều tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước và thủy sản... Tuy nhiên, do người dân vẫn quen với tập quán canh tác cũ nên chưa khai thác và phát huy được nguồn tài nguyên sẵn có. Bởi vậy, nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, huyện đã đưa ra nhiều chính sách nhằm thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Trang trại sản xuất nông nghiệp hữu cơ khép kín tại xã Yên Định (Bắc Mê) – một trong nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được người dân trong huyện chú trọng phát triển. |
Những năm qua, huyện đã đẩy mạnh thu hút đầu tư trên 2 lĩnh vực: Xây dựng cơ sở hạ tầng và nông nghiệp với những cơ chế cụ thể. Trên lĩnh vực xây dựng, huyện đã đưa ra phương án thu hút, mở rộng dân cư sống tập trung tại khu vực trung tâm các xã gắn với xây dựng Nông thôn mới nhằm phát triển thương mại, dịch vụ, ổn định dân cư, tăng thu nhập, khai thác tiềm năng, lợi thế đất đai. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào những mô hình quy mô lớn, tạo đòn bẩy nâng cao giá trị các mặt hàng, giá trị sản phẩm.
Từ định hướng và giải pháp cụ thể, huyện đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn như: Công ty Cổ phần phát triển Nông - lâm nghiệp Hà Giang trồng chuối xuất khẩu tại xã Yên Định, quy mô 350 ha; Công ty Cổ phần Bất động sản và Thương mại Thanh Bình, thuê đất trồng hơn 71 ha dược liệu tại xã Thượng Tân; Tập đoàn TH True Milk khảo sát trồng dược liệu tại xã Phiêng Luông; Công ty Cổ phần dược phẩm T.Ư 2 trồng dược liệu tại các xã Yên Cường, Đường Âm, Đường Hồng; Công ty Cổ phần Dược phẩm Bông Sen Vàng khảo sát trồng dược liệu tại xã Yên Định, Đường Hồng; 2 cá nhân thuê đất đầu tư nuôi trâu, bò quy mô từ 150 con trở lên kết hợp với trồng cây ăn quả tại xã Yên Định; Công ty TNHH Cát Thành liên kết thực hiện trồng 60 ha nghệ tại xã Phú Nam; HTX Dược liệu Phiêng Luông liên kết trồng 3 ha dược liệu với người dân địa phương...
Đồng chí Củng Thị Mẩy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết: Do nguồn lực địa phương có hạn nên muốn thúc đẩy kinh tế phát triển cần phải có sự hỗ trợ từ bên ngoài nhằm tạo đà và thay đổi tập quán canh tác của người dân. Từ đó, huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư như: Hỗ trợ chuyển đổi mục đích, quyền sử dụng đất, thủ tục hành chính nhanh gọn... Tuy nhiên, tuyến Quốc lộ 34 nối Bắc Mê với các địa phương lân cận đang xuống cấp là trở ngại khiến các nhà đầu tư còn đắn đo...
Anh Kiều Ngọc Lễ, chủ đầu tư Dự án xây dựng trang trại sản xuất nông nghiệp hữu cơ khép kín tại xã Yên Định cho biết: Bắc Mê có nhiều lợi thế, đặc biệt cơ chế của huyện thông thoáng, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thông tin. Chính vì vậy, tôi đã đầu tư trang trại với tổng diện tích 38,5 ha, trong đó xây dựng 1 nghìn m2 chuồng trại nuôi 150 con bò sinh sản, bò thương phẩm và trồng cây ăn quả. Trang trại bắt đầu hoạt động từ tháng 3 vừa qua, hiện có hơn 50 con bò và trồng 4 nghìn cây cam Vinh, 1 nghìn cây ổi Đài Loan, 3 nghìn cây Gáo vàng, nuôi 300 m2 giun Quế… bước đầu giải quyết việc làm cho 10-12 lao động, thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng/người.
Các nhà đầu tư đến và ở lại đã khẳng định sức hút từ mảnh đất phía Đông của tỉnh. Hy vọng, trong tương lại không xa, nhiều sản phẩm nguồn gốc xuất xứ từ Bắc Mê sẽ có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN
Ý kiến bạn đọc