Dỡ "rào cản" thuế sử dụng đất, thêm động lực cho sản xuất lâm nghiệp

08:21, 23/02/2018

BHG - Từ năm 2017 trở về trước, người trồng rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh khi thu hoạch cây lấy gỗ đều phải đóng thuế sử dụng đất bằng 4% giá trị sản phẩm mới đủ điều kiện được khai thác gỗ. Điều này, khiến người dân ở một số địa phương không mặn mà trồng rừng kinh tế và nó trở thành “rào cản” không nhỏ đối với sự phát triển của ngành Lâm nghiệp.

Với đặc thù là tỉnh miền núi, có diện tích tự nhiên trên 566.545ha; trong đo, đất lâm nghiệp chiếm trên 71,5%, diện tích đất dốc từ 15 độ trở lên chiếm tới 86%. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có các giống loài lâm sản phong phú và có giá trị kinh tế là tiềm năng và lợi thế lớn. Vì vậy, nhiều chuyên gia đã đánh giá cao tiềm năng phát triển sản xuất lâm nghiệp của tỉnh ta. Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Điển, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và PTNT), nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh ta nhiều lần cho rằng: Trên bề mặt của vùng đất dốc, lâm nghiệp mặc nhiên trở thành một “trụ đỡ” cho nền kinh tế và an sinh xã hội. Đây là tiềm năng lớn và cũng là vị thế đặc biệt của rừng và ngành Lâm nghiệp Hà Giang.

Với tiềm năng đó, những năm trước, Đảng bộ, chính quyền tỉnh ta bắt đầu quan tâm, chú trọng hơn vào phát triển sản xuất lâm nghiệp. Ngay từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 – 2015, Nghị quyết Đại hội đã đặt chỉ tiêu trồng gần 65.000 ha rừng, trong đó phần lớn là diện tích rừng sản xuất. Đến nhiệm kỳ 2015 – 2020, tỉnh ta tiếp tục đặt chỉ tiêu trồng mới 37.000 ha. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều đề án, chương trình về bảo vệ, phát triển rừng, đặc biệt là Đề án Định hướng phát triển lâm nghiệp tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trồng, phát triển rừng… Từ đó có thể thấy tầm quan trọng của lĩnh vực lâm nghiệp ngày càng được nâng lên.

Tuy nhiên, tính đến hết năm 2017, sản xuất lâm nghiệp của tỉnh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và sự quan tâm, định hướng của tỉnh. Sản xuất lâm nghiệp mới đóng góp khoảng trên 3% GDP của tỉnh. Một trong những nguyên nhân khiến nhiều địa phương, nhiều chủ rừng và doanh nghiệp chưa mặn mà trồng rừng bởi một chu kỳ trồng rừng thường kéo dài khoảng 7 – 10 năm (tùy loại cây), giá trị thu hoạch chia theo từng năm chưa cao, trong khi tốn nhiều công chăm sóc. Đặc biệt còn phải chịu các loại thuế, phí đi kèm khi trồng, khai thác và vận chuyển gỗ rừng trồng như: Thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế sử dụng đất. Riêng việc thu thuế sử dụng đất là chưa hợp lý, bởi đất trồng rừng là đất lâm nghiệp - một trong những loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp quy định trong Luật Đất đai 2013 đã được Quốc hội thông qua miễn thuế theo Nghị quyết số 55/2010 và Nghị quyết số 28/2016. Theo thông tin từ Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, một số tỉnh tiếp giáp tỉnh ta đã không thu loại thuế này từ lâu. Từ đó khiến người dân không mặn mà trồng rừng, trở thành một trong những “rào cản” đối với phát triển lâm nghiệp.

Trước vấn đề trên, ngay từ cuối năm 2015, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến đã nhiều lần chủ trì họp và chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với Cục Thuế tỉnh nghiên cứu các quy định của pháp luật để thực hiện miễn thuế sử dụng đất cho người trồng rừng, gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển lâm nghiệp. Tuy nhiên, theo Chi cục Lâm nghiệp tỉnh cho biết: Đã nhiều lần lãnh dạo Sở Nông nghiệp và PTNT cùng Chi cục làm việc với Cục Thuế tỉnh về nội dung này nhưng vẫn không đạt được kết quả như mong muốn. Vì vậy trong 2 năm 2016, 2017, người trồng rừng vẫn phải đóng thuế sử đụng đất. Chi cục trưởng Chi cục Thuế Vị Xuyên Lê Đức Sơn cho biết: Chỉ tiêu thu ngân sách năm 2016 và 2017, Cục Thuế tỉnh giao có sắc thuế sử dụng đất từ khai thác gỗ rừng trồng, cây phân tán, cũng không có bất kỳ văn bản yêu cầu miễn, giảm nên chúng tôi vẫn thực hiện theo quy định.

Tuy nhiên, trước những căn cứ pháp lý rõ ràng và sự chỉ đạo của tỉnh, năm 2018, Cục Thuế tỉnh không giao chỉ tiêu thu thuế sử dụng đất từ khai thác gỗ rừng rồng và cây phân tán. “Từ khi Cục không giao chỉ tiêu thu sắc thuế này, chúng tôi đã không thu thuế sử dụng đất của dân khi khai thác gỗ rừng trồng”, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Vị Xuyên khẳng định.

Toàn tỉnh hiện có hàng trăm nghìn ha rừng sản xuất từ trồng mới đến đủ tuổi khai thác. Theo tính toán của ngành chức năng, sản lượng gỗ trung bình hiện nay khoảng 65m3/ha/chu kỳ 7 năm, nhân với giá trung bình thấp của các loại gỗ rừng trồng sau khai thác khoảng 700.000 đồng/m3. Như vậy, mỗi ha rừng sau khai thác sẽ có giá trị thấp nhất trên 45 triệu đồng. Nếu vẫn phải đóng 4% thuế sử dụng đất như trước, với hàng trăm nghìn ha rừng, người dân nghiễm nhiên bị mất hàng chục tỷ đồng. Giá trị sản xuất nông nghiệp đã thấp và bấp bênh khi phải phụ chủ yếu thuộc vào điều kiện tự nhiên, nhưng sau thu hoạch lại phải nộp một khoản tiền thuế mà đáng lẽ họ được miễn. Chính vì vậy, đây là trăn trở của những người làm trong ngành Nông nghiệp nhiều năm qua, đồng thời cũng là một trong những “rào cản” lớn đối với sự phát triển của lĩnh vực lâm nghiệp. Hy vọng rằng, với việc chấm dứt thu thuế sử dụng đất với người trồng rừng sản xuất, lâm nghiệp sẽ có thêm động lực để phát triển.

DUY TUẤN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ưu tiên giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển

BHG - Việc cử con em đồng bào các dân tộc thiểu số đi học theo hệ cử tuyển là chính sách đúng đắn, hợp lòng dân của Chính phủ nhằm đào tạo cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực đáp ứng nhiệm vụ công tác trong tình hình mới ở các xã đặc biệt khó khăn. 

31/08/2017
Tháo gỡ khó khăn trong triển khai các chính sách dân tộc ở Mèo Vạc

BHG-Mèo Vạc - một trong 62 huyện nghèo của cả nước, được đầu tư theo Chương trình 30a của Chính phủ. Từ những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cuộc sống người dân nơi đây đang ngày một ấm no. Nhằm kịp thời điều chỉnh những hạn chế, bất cập và đảm bảo thống nhất, đồng bộ từ huyện đến cơ sở trong triển khai các chính sách dân tộc (CSDT), Mèo Vạc đang thực hiện nhiều giải pháp đưa chính sách của Nhà nước "thấm" vào đời sống đồng bào biên cương.

27/10/2017
Quyết định 352 của UBND tỉnh giúp người dân Vị Xuyên thoát nghèo

BHG-Từ năm 2014 đến nay đã có 751 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Vị Xuyên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi mua trâu, bò sinh sản theo Quyết định 352/QĐ-UBND, ngày 3.3.2014 của UBND tỉnh về "Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo chưa có trâu, bò để phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản trên địa bàn tỉnh". 

26/10/2017
Đẩy mạnh đối thoại với người nộp thuế

BHG - Hội nghị đối thoại là trao đổi ý kiến, kiến nghị giữa người nộp thuế với cơ quan Thuế, nhằm giải đáp những vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách thuế. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân người nộp thuế rất cần nắm và hiểu biết về chính sách, pháp luật thuế, nhằm thực hiện đúng quy định pháp luật trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ liên quan đến hoạt động của đơn vị.

24/06/2017