Chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi “thấm” vào cuộc sống đồng bào Xín Mần
HGĐT- Huyện Xín Mần có 669 hộ vay vốn theo tinh thần Nghị quyết số47/2012/HĐND tỉnh (Nghị quyết 47) để chăn nuôi sinh sản, vỗ béo trâu, bò với số vốn kết dư trên 10 tỷ đồng; có trên 43,5 tấn lợn hơi được xuất chuồng trong vòng 6 tháng từ 23 mô hình chăn nuôi trang trại, bán trang trại theo hình thức tổ chức Tổ hợp tác với số vốn vay 900 triệu đồng và đã có thêm nhiều hộ vừa vay chăn nuôi, vừa xây bể Biôga để hướng tới phát triển kinh tế “xanh”...
Sau gần 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 47 đã tạo ra một nguồn lực hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế nông nghiệp có giá trị cao đối với đồng bào các dân tộc huyện Xín Mần. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần sửa đổi để Nghị quyết 47/2012/HĐND tỉnh đi vào cuộc sống tốt hơn, hiệu quả hơn.
Niềm vui của người nghèo xã Tả Nhìu được vay tiền theo Nghị quyết 47 mua bò nuôi sinh sản.
Ghi nhận từ người dân.
Tại thôn Cao Sơn, xã Quảng Nguyên (Xín Mần) là một trong những thôn bản đặc biệt khó khăn của Xín Mần được chọn làm điểm chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 47. Sau thời gian tổ chức thực hiện Nghị quyết đã có trên chục gia đình nghèo được hỗ trợ vay vốn phát triển chăn nuôi, vỗ béo trâu, bò với mức cho vay mỗi hộ 15 triệu đồng. Nếu chỉ có 15 triệu đồng vốn vay theo Nghị quyết thì chưa đủ để mua 1 con trâu, hoặc 1 bò theo giá bán hiện tại trong vùng. Để giải quyết khó khăn cho các hộ, huyện Xín Mần đã phải “lồng ghép” hỗ trợ trực tiếp từ nguồn vốn 30a với mức hỗ trợ là 7 triệu đồng/hộ/lần. Cộng cả 2 khoản vừa vay, vừa hỗ trợ trực tiếp được 22 triệu đồng/hộ/lần vay. Số tiền cộng cả 2 khoản mới đủ mua 1 con trâu, bò về nuôi. Tuy nhiên, có sự hỗ trợ trực tiếp từ vốn 30a và vốn vay theo Nghị quyết 47 đã có rất nhiều hộ dồn thêm tiền có trong nhà, hoặc vay mượn thêm họ hàng để tập trung mua giống trâu, bò về nuôi sinh sản, nuôi vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế khá. Ông Hoàng Seo Phử, thôn Cao Sơn cho biết: Có 22 triệu đồng trong tay, gia đình đã vay thêm họ hàng mua 2 con bò gầy về nuôi vỗ béo. Sau gần 3 tháng chăn nuôi, ông bán cặp bò vỗ béo có lãi mua được 3 con bò hơn 1 năm tuổi về để nuôi sinh sản. Hiện nay, 3 con bò gia đình ông sinh trưởng khoẻ mạnh, đầy hứa hẹn thoát nghèo, hướng đến làm giàu. Tương tự, ông Hoàng Văn Khẳn, thôn Quảng Hạ, xã Quảng Nguyên từ tay trắng, sau gần 1 năm vay vốn và nhận được hỗ trợ trực tiếp thêm nguồn vốn 30a đã giúp gia đình ông vượt qua khó khăn để có 2 con bò và 2 con trâu nuôi sinh sản. Ông Khẳn cho biết cách làm nhanh của mình là: Mua trâu, bò gầy về vỗ béo rồi bán quay vòng nuôi. Gần 1 năm dùng vốn nuôi quay vòng ông đã vỗ béo bán được 6 con trâu bò thịt lấy tiền chuyển nuôi trâu, bò sinh sản. Qua thực tế khảo sát tại các xã đã giải ngân cho các hộ vay mua trâu, bò theo Nghị quyết 47 cho thấy: Mức vay giới hạn 15 triệu đồng/hộ/lượt chưa thể đủ tiền mua 1 con trâu, bò từ 6 – 8 tháng tuổi về nuôi theo thời giá hiện tại (từ 18-25 triệu đồng/con). Các hộ nhận được tiền vay theo Nghị quyết 47 vẫn phải tìm “bù” thêm từ 3 đến 5 triệu đồng nữa ngoài khoản vay mới có thể mua được 1 con trâu hoặc bò về nuôi sinh sản. Ý kiến của các hộ vay vốn theo Nghị quyết 47 cho rằng, tuy số tiền vay chưa đủ để mua trâu, bò, nhưng nó tạo ra “đòn bẩy” để kích thích các hộ “dồn” thêm sức để thúc đẩy chăn nuôi, tìm ra những cơ hội thoát nghèo. Và cơ hội đó đã phần nào trở thành hiện thực.
Tại 4 xã: Khuôn Lùng, Nà Chì, Quảng Nguyên, Cốc Pài được đã có 14 hộ vay vốn tham gia vào 23 mô hình nuôi lợn thịt. Tổng vốn đầu tư là 900 triệu đồng. Tính đến hết tháng 11.2013, các mô hình chăn nuôi trên đã cung cấp ra thị trường trong huyện 43,5 tấn lợn thương phẩm. Gia đình anh Hoàng Văn Lợi, thôn Làng Thượng, xã Khuôn Lùng cho biết: Đến hết tháng 11, gia đình anh đã xuất bán 3 lứa, mỗi lứa ít nhất 50 con, nhiều là 200 con. Tổng số tiền thu được 395 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, cho lãi gần 100 triệu đồng, chưa nói đến lứa lợn thịt bán trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đánh giá thực tế tại 14 hộ vay vốn từ Nghị quyết 47 để chăn nuôi lợn vừa qua cho thấy đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mức lãi sau trừ chi phí mỗi gia đình còn lại từ 35 – 60 triệu đồng/năm. Các hộ vay vốn nuôi lợn cho rằng, mức cho vay nuôi lợn đối với Tổ hợp tác, trang trại, bán trang trại, cần được “nới lỏng” một cách linh hoạt hơn nữa để Nghị quyết đi vào cuộc sống sâu, bền hơn.
Bài học thực tiễn.
Qua đánh giá cho thấy: Năm 2013, Xín Mần đã có nhiều biện pháp, giải pháp hỗ trợ người dân thực hiện Nghị quyết 47/2012/HĐND tỉnh Hà Giang để phát triển chăn nuôi hiệu quả. Tính đến hiện tại, Xín Mần có đàn trâu 15.916 con, bò 8.353 con, đàn lợn trên 57.000 con... Chăn nuôi đã chiếm trên 35% thu nhập trong kinh tế hộ gia đình. Đó là kết quả của sự phối kết hợp có lồng ghép trong việc sử dụng vốn đầu tư trên tinh thần Nghị quyết ban hành và bước đầu đã “thấm” vào đời sống người dân, làm cho nhân dân hiểu đường lối, chính sách, hiểu Nghị quyết và quyết tâm thực hiện Nghị quyết. Tuy nhiên cũng còn một số hạn chế cần điều chỉnh, đó là: Mức độ cho vay chăn nuôi trâu, bò sinh sản, vỗ bèo đối với các hộ nghèo, cận nghèo tại vùng kinh tế đặc biệt khó khăn diện 30a còn thấp so với yêu cầu hỗ trợ đầu tư chăn nuôi trực tiếp tại mỗi hộ. Cần tăng mức cho vay đáp ứng thực tiễn hiện nay để các hộ có đủ khả năng đầu tư phát triển chăn nuôi vươn lên thoát nghèo. Việc cho vay để hỗ trợ chăn nuôi lợn theo Tổ, Nhóm hợp tác cần được mở rộng tới từng hộ có yêu cầu được vay vốn phát triển nuôi lợn có quy mô vừa và nhỏ, hoặc quy mô trang trại chăn nuôi lớn thích hợp với điều kiện phát triển thực tế. Tránh quy định gò bó, hoặc bó hẹp trong đối tượng vay phải là Tổ, Nhóm hợp tác, hoặc quy mô đầu tư (bắt buộc ít nhất từ 10 con) trở lên, hoặc nhiều là 100 con dê, lợn trở xuống như hiện hành là quá khuôn mẫu không cần thiết... Cần linh hoạt hơn trong thực tiễn vận dụng cho vay hoặc hỗ trợ vốn để sử dụng vốn đầu tư một cách hiệu quả...
Ý kiến bạn đọc