Tháo “nút thắt” về nguồn vốn giúp hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững
HGĐT- Sau hơn 5 tháng triển khai nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ cận nghèo theo Quyết định số 15/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh triển khai nguồn vốn trên địa bàn 11 huyện, thành phố. Có thể khẳng định, nguồn vốn vay ưu đãi như tháo “nút thắt” giúp hộ cận nghèo bứt phá, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trâu sinh sản của gia đình chị Nguyễn Thị Hiến được đầu tư từ nguồn vốn vay hộ cận nghèo. Ảnh: AN DƯƠNG
Những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo luôn là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của tỉnh. Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của Nhà nước nên công tác xóa đói, giảm nghèo đạt nhiều thành quả đáng kể. Đến cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) giảm xuống còn 30%. Dù thoát khỏi đói nghèo nhưng do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ sản xuất còn hạn chế nên nhiều hộ dù thoát khỏi cảnh nghèo nhưng chưa thực sự bứt phá vươn lên mà nằm trong nhóm hộ cận nghèo. Ranh giới giữa cận nghèo và hộ nghèo rất mong mảnh (hộ nghèo thu nhập dưới 400.000 đồng/tháng; hộ cận nghèo thu nhập từ 401.000 đến 520.000/tháng). Do đó nên chỉ cần một rủi ro nhỏ trong cuộc sống cũng như trong sản xuất, chăn nuôi, hộ cận nghèo sẽ tái nghèo, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa. Không những thế, khi nằm trong nhóm hộ cận nghèo, bà con không được hưởng nguồn vốn đầu tư, vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo nên gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư phát triển sản xuất để bứt phá vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ngày 23.02.2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg về Tín dụng với hộ cận nghèo. Đây là lần đầu tiên, đối tượng hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, thoát khỏi nguy cơ tái nghèo. Hạn mức vay tối đa với mỗi hộ cận nghèo là 30 triệu đồng, lãi suất không vượt quá 130% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ. Vào thời điểm hiện tại, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh vay với lãi suất 0,845%/tháng, trong khi hộ nghèo vay với lãi suất 0,65%/tháng.
Ngay sau khi có quyết định, Ngân hàng CSXH tỉnh được Trung ương giao thực hiện 14 tỷ đồng, đến tháng 4, khi triển khai Ngân hàng xin điều chỉnh thêm lên gần 19 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của các hộ trên địa bàn tỉnh. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hộ cận nghèo sớm tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện chủ động ban hành các văn bản liên quan cho các huyện, thành phố nắm rõ chủ trương để triển khai đến các tầng lớp nhân dân. Đồng thời phối hợp tốt với các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp theo sự chỉ đạo của cấp trên, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, trong đó đặc biệt chú trọng đến hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở. Nhờ đó, nguồn vốn triển khai được thực hiện nhanh, các hộ cận nghèo sớm tiếp cận được nguồn vốn. Đến cuối tháng 7, nguồn vốn giải ngân cho hộ cận nghèo vay thực hiện đạt 18.538 triệu đồng với 728 hộ được vay, bình quân mỗi hộ vay 25 triệu đồng. Trong đó các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình có số dư nợ cho vay hộ cận nghèo cao nhất tỉnh.
Đồng chí Hoàng Quang Hoàn, Trưởng ban đại diện Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh cho biết: “Yên Minh có khoảng 200 hộ mong muốn được vay vốn để mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, bứt phá vươn lên. Những năm trước, chưa có chính sách cho vay ưu đãi, hộ cận nghèo phải vay vốn theo đối tượng trung bình với lãi suất cao nên bà con gặp rất nhiều khó khăn, điều đó dẫn đến nhiều hộ không có vốn đầu tư, phát triển nên số hộ cận nghèo có nguy cơ tái nghèo cao. Chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo được Thủ tướng ban hành đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân. Có thể coi nguồn vốn tiếp sức cho hộ cận nghèo có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Từ khi thực hiện đến nay, trên địa bàn huyện đã giải ngân cho 30 hộ vay với số tiền trên 700 triệu đồng”.
Chị Nguyễn Thị Hiến, tổ 5, thị trấn Đồng Văn vừa được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo Ngân hàng CSXH huyện để phát triển kinh tế. Chị Hiến cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo, cần có thêm vốn để phát triển các mô hinh kinh tế cho thu nhập cao hơn. Có 30 triệu đồng, tôi chi 22 triệu mua trâu sinh sản, còn lại 8 triệu sửa sang chuồng trại và đầu tư nuôi lợn, nuôi gà. Vốn vay ưu đãi hộ cần nghèo rất có ý nghĩa đối với gia đình tôi”. Chính sách cho vay ưu đãi với hộ cận nghèo thực sự là tin vui, giúp những hộ cận nghèo như gia đình chị Hiến có nguồn vốn để đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập ổn định cho gia đình.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chính sách cho vay hộ cận nghèo cũng gặp không ít khó khăn, nhất là đối với địa bàn các huyện vùng cao. Nguyên nhân do nhận thức của bà con về nguồn vốn còn hạn chế, điều kiện kinh tế nên dù có sự chênh lệch nhỏ so với vốn vay hộ nghèo cũng gây khó khăn cho bà con. Để nguồn vốn tiếp tục đến với người dân, Ngân hàng XSXH cần tiếp tục tuyên truyền về chủ trương, chính sách của nguồn vốn thông qua các buổi giao dịch, thông qua các tổ chức Hội được ủy thác. Quan trọng hơn cả, chính quyền các cấp cần vận động, tuyên truyền cho bà con xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, luôn phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Ý kiến bạn đọc