Bắc Mê tạo “cú hích” phát triển nông nghiệp bền vững

07:44, 16/07/2013

HGĐT- “Không hỗ trợ nhiều như các đề án, phương án... để có thể gọi là cho người dân cái “cần câu”; chỉ hy vọng khuyến khích họ phát triển sản xuất, tăng năng suất, thu nhập, nâng cao đời sống; từ đó thay đổi tập quán canh tác lạc hậu và tư trưởng trông chờ, ỷ lại của người dân...”; đó là mục đích mà huyện Bắc Mê hướng đến khi tập trung nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn với quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, đồng thời phát triển cây, con mũi nhọn của địa phương; tạo “cú hích” cho sự phát triển nông nghiệp bền vững.


Huyện Bắc Mê có địa hình tương đối phức tạp, nhiều thôn bản còn gặp khó khăn về điều kiện phát triển KT - XH... Xác định nông nghiệp là thế mạnh của địa phương, những năm qua, ngoài cơ chế hỗ trợ theo chủ trương chung của tỉnh, huyện Bắc Mê đã có cơ chế hỗ trợ riêng, đặc thù, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương và bước đầu mang lại hiệu quả rõ nét (đặc biệt là các chương trình hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo); trong đó tập trung đầu tư hỗ trợ cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các mô hình sản xuất mới, cải tạo đàn gia súc, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thâm canh, đưa cơ giới hóa vào sản xuất...

 


Nhờ hỗ trợ của huyện, người dân xã Giáp Trung ngày càng chủ động trong trồng ngô lai giống mới theo hướng thâm canh.


Trong 6 tháng đầu năm, huyện Bắc Mê đã hỗ trợ gần 2 tỷ đồng cho phát triển sản xuất nông nghiệp; trong đó hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo mua 16,027 tấn lúa, ngô giống; 168 tấn vôi bột cải tạo đất; 106 máy cày, bừa đưa cơ giới hóa vào sản xuất với cơ chế hỗ trợ 50% giá. Cụ thể: Huyện hỗ trợ 50% giá giống lúa, ngô; phân bón cho hộ nghèo và cận nghèo; hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật... cho người dân các xã Đườngm, Đường Hồng, Minh Sơn, Giáp Trung, Yên Cường, Phiêng Luông gieo trồng 650 ha đậu tương; hỗ trợ trồng 250 ha cỏ tại các xã, thị trấn với định mức 1 triệu đồng/ha; hỗ trợ hộ gia đình mua 100 máy cày với định mức 50 - 80% giá máy; hỗ trợ 30 triệu đồng/HTX cho các HTX thành lập mới theo Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; 200 triệu đồng/HTX cho 02 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là HTX Anh Nam và HTX Huy Yến mua con giống, thức ăn trong chăn nuôi theo Quyết định số 200/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh; hỗ trợ trồng 220 rừng phòng hộ tại các xã: Phú Nam, Yên Cường, Minh Sơn, Đườngm... Bên cạnh đó, để thúc đẩy phát triển chăn nuôi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, ngoài chính sách hỗ trợ phương pháp thiến kín trâu, bò để cải tạo đàn gia súc, thải loại những con trâu, bò giống còi cọc, huyện Bắc Mê vừa hỗ trợ mua 40 con trâu đực giống cho các xã: Yên Định, Yên Phong, Yên Cường, Đườngm, Đường Hồng, thị trấn Yên Phú để tạo giống tốt cho đàn gia súc...

 

Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng ngô thôn Bản Đuốc, một trong những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả trên địa bàn huyện; ông Phạm Hồng Khanh, Bí thư Đảng ủy xã Yên Phong chia sẻ về các chương trình hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp của huyện: “Sự hỗ trợ của huyện đối với sản xuất nông, lâm nghiệp tuy chỉ mới là bước đầu, nhưng thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với đời sống, sản xuất của người dân. Sau khi các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công (như ở thôn Nà Vuồng, Bản Đuốc), người dân nhận thấy được hiệu quả kinh tế của các loại giống mới, cũng như việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuật vào sản xuất nên giờ đây, họ chủ động bắt tay vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, áp dụng đúng khung mùa vụ; tập quán canh tác thụ động, trông chờ, ỷ lại như trước đây cơ bản đã được xóa bỏ. Và điều quan trọng hơn sau sự “kích cầu” phát triển sản xuất của huyện là đời sống của người dân không ngừng được nâng cao...”.

 


Hỗ trợ người dân mua máy cày, bừa - cơ chế hỗ trợ hiệu quả, góp phần đưa cơ giới hóa vào sản xuất.


Thực tế, trên địa bàn huyện Bắc Mê hiện nay đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả được bắt nguồn từ cơ chế hỗ trợ của huyện như: Mô hình trồng rau ở Nà Vuồng, cây ngô ở Bản Đuốc (Yên Phong), cây đậu tương ở Đường Hồng; chăn nuôi trâu bò nhốt ở Minh Sơn, Phiêng Luông; cánh đồng mẫu lớn tại Yên Định, ĐườngÂm; cây dong riềng ở ĐườngÂm...

 

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Triệu Trung Hiệp cho biết: “Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện; tạo sự đột phá trong nông nghiệp, huyện Bắc Mê xác định: Hỗ trợ một phần kinh phí giúp người dân đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập là cách hiệu quả để các mô hình kinh tế thực sự đi sâu vào đời sống người dân; tuy mức hỗ trợ chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ chi phí sản xuất, nhưng là động lực khuyến khích người dân chủ động hơn trong đầu tư phát triển kinh tế. Hiệu quả mà các chính sách hỗ trợ mang lại không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân; thay đổi tư duy, tập quán canh tác mà còn góp phần vào thực hiện thành công chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục có nhiều chương trình hỗ trợ người dân trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp theo hướng bền vững; hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa...”.

 

Ở một nơi điều kiện KT - XH còn nhiều khó khăn như Bắc Mê, bên cạnh sự quan tâm phát triển văn hóa - xã hội, thì cơ chế hỗ trợ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp là sự vào cuộc kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Quả thật, trải nghiệm tại một số cánh đồng thực hiện mô hình mới như: Cánh đồng mẫu lớn; dong riềng; đậu tương; rau, dưa vụ đông... nhìn thấy sự háo hức, niềm hy vọng hiện rõ trên khuôn mặt người nông dân ngay cả khi họ vất vả lao động trên ruộng đồng mới thấy được chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp của huyện đã bám rễ vào đời sống của người dân.


BIỆN LUÂN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Lắng nghe để Đảng gần dân, dân gần Đảng hơn”
HGĐT- Tham gia chương trình truyền hình "Khi lãnh đạo lắng nghe" với tư cách khách mời đối thoại trực tiếp, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Lắng nghe để Đảng gần dân, dân gần Đảng hơn. Đây là chuyên mục mới của Đài PT-TH tỉnh với tên gọi "Chính sách và cuộc sống", được thực hiện dưới hình thức diễn đàn, nhằm chuyển tải ý kiến của
26/03/2012
Khi ý Đảng hợp lòng dân...
HGĐT - Là một huyện còn gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển KT – XH, nhưng những năm qua, với nhiều quyết sách đúng ý Đảng, hợp lòng dân, huyện Bắc Mê đã biết dựa vào dân để biến những khó khăn ấy thành cơ hội phát triển, góp phần củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Thông qua phương pháp quản lý, diều hành phù hợp với điều kiện thực tiễn tại cơ sở của tập
23/05/2012
Tạm dừng trồng cây cao su - nhìn thẳng vào sự thật để quyết định đúng
HGĐT- Đợt rét đậm kéo dài cuối năm 2010, đầu năm 2011 càn qua vùng trồng cao su, khiến gần như toàn bộ diện tích cao su trên địa bàn huyện Bắc Quang, Quang Bình và Xín Mần bị xoá sổ. Thiệt hại do thiên tai gây ra đối với sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây cao su là điều không ai ngờ tới. Nhưng qua những gì đã xảy ra, nó cũng cho chúng ta bài học kinh nghiệm và sự thận
21/06/2012
Hà Giang cần có thêm chính sách đặc thù dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
HGĐT- Trong những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt. Do đó diện mạo nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã có sự đổi thay tích cực. Đó là những bước chuyển mình đáng kể của Hà Giang trong quá trình thực hiện chính sách dân
18/09/2012