Tạm dừng trồng cây cao su - nhìn thẳng vào sự thật để quyết định đúng

08:04, 21/06/2012

HGĐT- Đợt rét đậm kéo dài cuối năm 2010, đầu năm 2011 càn qua vùng trồng cao su, khiến gần như toàn bộ diện tích cao su trên địa bàn huyện Bắc Quang, Quang Bình và Xín Mần bị xoá sổ. Thiệt hại do thiên tai gây ra đối với sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây cao su là điều không ai ngờ tới. Nhưng qua những gì đã xảy ra, nó cũng cho chúng ta bài học kinh nghiệm và sự thận trọng khi triển khai loại cây này.


Tại cuộc họp tháng 3 vừa qua, BTV Tỉnh uỷ đã xem xét báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về chương trình trồng cây cao su và đề xuất phương án thực hiện trong thời gian tới. Trên cơ sở báo cáo và thảo luận của các đồng chí uỷ viên, BTV Tỉnh uỷ đưa ra quyết định quan trọng, liên quan trực tiếp đến một chương trình lớn, lần đầu tiên triển khai trên địa bàn tỉnh đó là: Tạm dừng triển khai chương trình trồng cây cao su; tập trung chỉ đạo trồng hết số giống cây cao su chịu lạnh IAN873 do đã được thí điểm trồng và đang phát triển tốt; thực hiện công tác bảo vệ, quy trình chăm sóc và chế độ theo dõi chặt chẽ, có tính nghiên cứu khoa học đối với diện tích trồng thí điểm, làm cơ sở cho việc tổng kết, đánh giá. Đối với số giống cây cao su Vân Nghiên 77-4, do chưa đánh giá được tính phù hợp, yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam , Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang chuyển giao cho đơn vị khác. BTV Tỉnh uỷ chỉ đạo Sở NN-PTNT, Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang, huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình thống nhất việc trồng màu trên diện tích đất đã bàn giao cho Công ty gồm diện tích đã khai hoang nhưng chưa trồng cao su và diện tích hiện đã trồng, có phương án thu mua sản phẩm để đảm bảo thu nhập, ổn định đời sống nhân dân.


Quyết định của BTV Tỉnh uỷ đã dám nhìn thẳng vào sự thật, từ đó có chủ trương, hướng chỉ đạo đúng, kịp thời. Bởi lẽ, chiến lược đưa cây cao su - loại cây trồng xứ nóng ra vùng khí hậu lạnh, lại biến đổi phức tạp, biên độ dao động nhiệt độ lớn, thời gian khảo nghiệm tính thích nghi ngắn khiến nhiều người hoài nghi về loại cây được kỳ vọng xoá đói, giảm nghèo (XĐGN) này. Giai đoạn đầu triển khai trồng cây cao su, ý kiến đồng thuận và chưa đồng thuận chiếm tỷ lệ 50/50. Có nhiều nhà khoa học, cán bộ nông nghiệp, dù chưa công khai bày tỏ quan điểm, nhưng tại các cuộc “trà dư tửu hậu” đều không mấy hy vọng về loại cây “quý tộc” này có thể phát triển trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, tỉnh ta vẫn quyết tâm triển khai với mong muốn cây cao su sẽ là mũi nhọn phát triển kinh tế, mở ra hướng làm giàu cho người nông dân.


Còn nhớ, tại Hội nghị phát triển cây cao su được UBND tỉnh tổ chức cuối tháng 12.2009 tại Bắc Quang, trước những khó khăn trong việc triển khai trồng cao su, đặc biệt là chưa tạo được sự đồng thuận, người dân chưa mạnh dạn góp đất nên diện tích khai hoang, trồng cao su không đạt kế hoạch đề ra, các đồng chí lãnh đạo tỉnh giai đoạn đó nêu quan điểm: Phát triển vùng cao su đại điền là chủ trương lớn của tỉnh, nhằm thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi cách nghĩ, cách làm, từng bước XĐGN trong nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, cao su là cây mới, lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh, phương thức canh tác hoàn toàn khác với hình thức sản xuất truyền thống, vì vậy cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, tự nguyện tham gia góp đất trồng cao su; cần thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và từng hộ dân nằm trong vùng quy hoạch...


Được biết, để tạo cơ sở đưa cây cao su về Hà Giang, tháng 7.2008 tỉnh ta đã tiến hành trồng thử nghiệm 7 giống cao su IAN873, RRIC121, GT1, RRIM600, LH88/72, RRIV1 và RRIM712 với diện tích 9,2 ha tại Vô Điếm (Bắc Quang), Trung Thành (Vị Xuyên). Sau một thời gian trồng, vườn cao su thực nghiệm phát triển tốt, không sâu bệnh, đạt 7-10 tầng lá/năm, chiều cao trung bình từ 3,5-4 m, chu vi gốc từ 9-10 cm. Kết quả sinh trưởng, phát triển của vườn cao su thực nghiệm cho thấy các giống GT1, RIM600, RRIC121 thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh. Từ kết quả trồng thử nghiệm, tỉnh ta xây dựng kế hoạch phát triển 1 vạn ha cao su đến 2015. Cụ thể hoá chủ trương này, Công ty tư vấn thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tiến hành quy hoạch trên địa bàn 24 xã của 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Kết quả quy hoạch khẳng định: Trong số trên 20,6 nghìn ha diện tích tự nhiên của vùng quy hoạch, quỹ đất có khả năng phát triển cây cao su gần 19 nghìn ha, quỹ đất dự kiến quy hoạch trồng cao su 10 nghìn ha. Theo kế hoạch phát triển vùng cao su của tỉnh, năm 2009 trồng 1 nghìn ha, từ năm 2010 mỗi năm trồng 1,5 nghìn ha để đến năm 2015 có vùng cao su đại điền quy mô 1 vạn ha. Tổng vốn đầu tư trồng 1 vạn ha cao su là 1.500 tỷ đồng.


Kế hoạch đặt ra là thế, nhưng ngay từ khi mới triển khai, chương trình trồng cây cao su đã gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là tiến độ bàn giao đất của người dân. Cả năm 2009, tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên mới có 598 hộ tham gia góp 1.230 ha đất. Trên diện tích đó, Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang khai hoang được 550 ha, trồng được 300/1.000 ha... Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, của lãnh đạo tỉnh trong công tác tuyên truyền, vận động cũng như đưa ra các chính sách phù hợp, người dân vùng quy hoạch trồng cao su đã đồng tình thực hiện chương trình. Thế nhưng, khi lòng dân đã đồng thuận thì lại gặp phải hiện thức chua xót, đợt rét đậm cuối năm 2010, đầu năm 2011 đã quật ngã hơn 1.159 ha cao su trồng từ năm 2009-2010 và một số diện tích trồng thử nghiệm năm 2008. Đối với vườn cây thực nghiệm 9,2 ha, qua vụ rét đó, cũng chỉ còn 547 cây (tương đương 1 ha), trong đó tại vườn ươm thôn Cốc Héc, xã Trung Thành (Vị Xuyên) còn 245 cây, xã Vô Điếm (Bắc Quang) còn 302 cây.


Ngay khi có thông tin cây cao su chết hàng loạt qua đợt rét 2010-2011, Bộ NN-PTNT đã gấp rút tổ chức hội nghị đánh giá tình hình phát triển cao su ở miền núi phía Bắc. Tại hội nghị này, các nhà quản lý đã chứng minh, bình quân diện tích cao su bị chết ở 3 tỉnh Tây Bắc nằm trong quy hoạch phát triển cây cao su gồm Sơn La, Điện Biên, Lai Châu sau mùa rét vừa qua khoảng 5,1%, còn tại 4 tỉnh vùng Đông Bắc mức độ thiệt hại tới 80,7%. Từ thực tế đó, Bộ NN-PTNT khuyến nghị: Vùng Đông Bắc chưa chính thức được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch cao su cả nước, trước mắt các địa phương trong vùng chỉ nên phát triển ở quy mô thử nghiệm để rút kinh nghiệm mở rộng khi được Thủ tướng Chính phủ chính phê duyệt quy hoạch bổ sung.


Thực hiện Kết luận của BTV Tỉnh uỷ, trên cơ sở thống nhất giữa Tập đoàn Công nghiệp cao su với UBND tỉnh, Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang sẽ trồng tái canh 558 ha và chăm sóc số cây giống còn lại phục vụ trồng tái canh vụ Xuân 2013. Đồng thời, đối với toàn bộ diện tích đất các huyện đã bàn giao (khoảng 3 nghìn ha), Công ty sẽ có trách nhiệm tổ chức cho người dân sản xuất để có thu nhập, đảm bảo đời sống, không để người dân bị thiệt thòi.


Việc tạm dừng trồng cây cao su là một quyết định khó, chương trình này mới được triển khai, đã tiêu tốn nhiều nguồn lực của Nhà nước và của nhân dân. Nhưng quyết định dừng lại đã thể hiện tinh thần lắng nghe, dừng đúng thời điểm khi những thiệt hại vẫn ở mức kiểm soát được.


TỔ PHÓNG VIÊN CHUYÊN ĐỀ

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Lắng nghe để Đảng gần dân, dân gần Đảng hơn”
HGĐT- Tham gia chương trình truyền hình "Khi lãnh đạo lắng nghe" với tư cách khách mời đối thoại trực tiếp, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Lắng nghe để Đảng gần dân, dân gần Đảng hơn. Đây là chuyên mục mới của Đài PT-TH tỉnh với tên gọi "Chính sách và cuộc sống", được thực hiện dưới hình thức diễn đàn, nhằm chuyển tải ý kiến của
26/03/2012
Khi ý Đảng hợp lòng dân...
HGĐT - Là một huyện còn gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển KT – XH, nhưng những năm qua, với nhiều quyết sách đúng ý Đảng, hợp lòng dân, huyện Bắc Mê đã biết dựa vào dân để biến những khó khăn ấy thành cơ hội phát triển, góp phần củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Thông qua phương pháp quản lý, diều hành phù hợp với điều kiện thực tiễn tại cơ sở của tập
23/05/2012
Thư ngỏ của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và chuyển biến tích cực trong việc sử dụng xe ô tô công
HGDDT - Đầu tháng 12.2011, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh đã viết Thư ngỏ gửi các đồng chí ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành phố về vấn đề sử dụng xe ô tô công. Nội dung Thư ngỏ chỉ ra: Trong mấy năm gần đây, qua theo dõi thực tế và phản ánh của nhân dân cho thấy, tình trạng sử dụng xe ô tô công không đúng đối
16/04/2012
Xây dựng nông thôn mới cần tạo ra nhiều mô hình nâng cao thu nhập
HGĐT- Quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở nhiều địa phương đang thiên về hướng đầu tư kết cấu hạ tầng, chưa chú trọng nhiều đến phát triển các mô hình sản xuất, tạo thu nhập. Nếu chỉ tập trung dồn sức với mong muốn tạo sự thay đổi về bộ mặt bên ngoài, mà không chăm lo tạo dựng các mô hình tăng thu nhập thì hiệu quả mang lại chưa bền vững.
15/03/2012