Nhận diện hành vi xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước với thương binh, liệt sỹ, người có công
BHG - Chiến tranh đã lùi dần vào quá khứ, đất nước hòa bình và đang trên đà phát triển. Nhưng vẫn còn đó, những nỗi đau thương, mất mát mà chiến tranh để lại. Hàng năm, cứ đến ngày 27.7 và nhiều dịp trong năm, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vẫn luôn dành mọi tình cảm tri ân, hướng về các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do và sự bình yên của Tổ quốc.
Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cho người có công, gia đình có công với cách mạng. Mỗi năm, Nhà nước dành hàng ngàn tỷ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi người có công, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện và phù hợp với điều kiện phát triển KT - XH của đất nước. Các chương trình lớn như “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “Nhà tình nghĩa”, “Vườn cây tình nghĩa”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, “chăm sóc bố, mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn, con liệt sỹ mồ côi”, “Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng”… đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực sự trở thành phong trào rộng khắp, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là đạo lý, nét đẹp trong đời sống xã hội.
Thế nhưng, một số kẻ chống đối, cơ hội chính trị và các đối tượng bất mãn, tiêu cực lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, luôn tìm mọi âm mưu, thủ đoạn, lợi dụng một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách ở một số nơi, đăng các bài, video clip và một số tác phẩm văn học trên không gian mạng để phủ nhận, xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với người có công, nhằm kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự chung tay của toàn xã hội đối với người có công, gia đình người có công với cách mạng.
Chúng cho rằng: “Đảng, Nhà nước vô ơn với liệt sỹ hi sinh vì Tổ quốc, lạnh lẽo khói hương ngày giỗ các anh”... Các thế lực phản động lưu vong gọi cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng dân tộc là cuộc “chiến tranh ý thức hệ, huynh đệ tương tàn”, “miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam” để từ đó đi đến đồng nhất nghĩa vụ thiêng liêng cao cả của lực lượng cách mạng với những kẻ cầm súng, phò trợ ngoại bang, kêu gào đòi sự công bằng.
Các thế lực phản động đưa ra luận điệu, chiến tranh chống Mỹ là cuộc nội chiến, người trong một nước hy sinh phải được đối xử bình đẳng, không phân biệt “bên này hay bên kia”, “bên thắng cuộc” và bên bại trận. Cần thiết cho tái xây dựng các nghĩa trang của binh lính chế độ ngụy để khỏi bị “phân biệt”, “giữ mối hận thù trong dân chúng”, “oan khuất của người đã mất”, và khi không được thì chúng tấu hài “Ngay trong lúc đi tìm sự hòa hợp, chúng ta vẫn chỉ đi tìm từ phía “kẻ thắng”, nên khó mà tìm ra sự đồng thuận”.
Thậm chí, trên mạng có kẻ còn cho rằng, những con số xây dựng bảo tàng chiến tranh, làm “tượng đài khắp nơi” vừa tốn kém, vừa “ngoáy lại nỗi đau” của thương binh, thân nhân liệt sỹ... Tiếp đó, chúng còn kêu gọi, tập hợp những đối tượng bất mãn, cơ hội, lập ra các câu lạc bộ, các hội, nhóm cựu chiến binh hoạt động trái pháp luật, từ đó tuyên truyền, kích động, lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin tham gia, gây mất an ninh trật tự.
Ghi công những hi sinh của các Anh hùng liệt sỹ, các gia đình có công với cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng, ban hành nhiều chính sách về ưu đãi người có công với cách mạng một cách kịp thời và đầy tính nhân văn; bổ sung thêm khoảng 800 tỷ đồng mỗi năm để thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân. Ngoài trợ cấp hàng tháng, còn có chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong y tế, giáo dục, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm…
Theo số liệu của Bộ Lao động TB&XH, hiện nay có khoảng 9,2 triệu người có công với cách mạng, chiếm khoảng 10% dân số được hưởng chính sách ưu đãi; có 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 99,5% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công; cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.
Có thể khẳng định, những thủ đoạn của các thế lực thù địch không phải là những chiêu trò mới, hòng làm suy giảm lòng tin của một bộ phận những người nhẹ dạ, cả tin với Đảng, với Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trước tình hình đó, các cấp, ngành cần đẩy mạnh tuyên tuyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống. Cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của chúng. Đẩy mạnh các hoạt động tri ân, lan tỏa sâu rộng các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”.
Đỗ Thị Yến (Trường Chính trị tỉnh)
Ý kiến bạn đọc