Đại đoàn kết toàn dân tộc ở Hà Giang – sức mạnh không thể phá vỡ

15:24, 28/06/2024

BHG - Trước hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Hà Giang vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng khối đại đoàn kết theo quan điểm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” tạo thế “kiềng ba chân” vững chắc không thể phá vỡ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính động viên người dân Bắc Quang phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng thực hiện dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính động viên người dân Bắc Quang phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng thực hiện dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang.

Đập tan âm mưu chia rẽ

Do đặc thù tỉnh miền núi, biên giới, đông dân tộc anh em sinh sống; trình độ dân trí không đồng đều, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn nên các thế lực thù địch tìm mọi cách chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Hà Giang bằng những thủ đoạn, chiêu trò khác nhau.

Không khó để nhận ra những chiêu bài kích động Nhân dân, thổi phồng các vấn đề “nhạy cảm” trong xã hội; lợi dụng những hạn chế trong quản lý của các cấp chính quyền để kích động, làm cho người dân nghi ngờ, dần mất lòng tin vào Đảng, Nhà nước. Chúng còn xuyên tạc một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là chính sách về dân tộc, tôn giáo để gây dư luận xấu trong Nhân dân. Lợi dụng tình hình đời sống khó khăn của số đông đồng bào dân tộc thiểu số để kích động, lừa bịp thông qua các hoạt động “tôn giáo”, “dân tộc”, tà đạo, đạo lạ... làm cho người dân mắc mưu, dẫn đến suy giảm sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mèo Vạc là một trong những địa phương thời gian qua có không ít bà con bị các đối tượng lôi kéo theo tà đạo “San sư khẻ tọ”. Các thế lực thù địch nghĩ rằng, khi lôi kéo người dân theo tà đạo này sẽ bỏ phong tục, tập quán truyền thống; từ đó, nhồi nhét vào đầu người dân những luận điệu gây chia rẽ dân tộc; nhưng chúng đâu biết rằng để ngăn chặn ngay từ khi chúng chưa tới, ngày 23.11.2018 Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Đề án số 23-ĐA/TU về “Phòng ngừa, đấu tranh, giải quyết tình hình hoạt động của các tà đạo, đạo lạ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025”. Để tạo lá chắn vững chắc và tạo thế trận khép chặt, cả hệ thống chính trị huyện Mèo Vạc vào cuộc thực hiện Đề án 23; lấy tuyên truyền làm hướng tiến công mũi nhọn để đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Mở các đợt cao điểm về tuyên truyền để làm “nòng súng” tấn công lũ phá hoại và vận động các hộ theo tà đạo “San sư khẻ tọ” quay lại phong tục, tập quán truyền thống.

Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Huy Sắc cho rằng: Bằng sức mạnh tổng hợp, lấy lực lượng Công an làm nòng cốt; nêu cao vai trò người có uy tín, trưởng thôn, trưởng họ, người có ảnh hưởng tích cực, nghệ nhân dân gian để tuyên truyền, vận động; rà soát cụ thể địa bàn, từng bước tiếp cận và giúp các hộ nhẹ dạ, cả tin hiểu ra được bản chất của tà đạo. Các xã có người dân theo tà đạo thành lập tổ công tác tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác dân tộc, tôn giáo; nhận diện tà đạo, đạo lạ; ý nghĩa của phong tục, tập quán thờ cúng tổ tiên; nhất là việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Bằng cách làm hiệu quả, qua tuyên truyền, có 68 hộ với 280 khẩu tự nguyện quay lại phong tục, tập quán truyền thống. Sức mạnh đoàn kết của các lực lượng ở Mèo Vạc đã bẻ gãy âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; giúp địa phương không hình thành “điểm nóng” phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn.

Lực lượng cứu hộ giúp đỡ người dân thành phố Hà Giang trong trận ngập lụt ngày 10.6.2024.
Lực lượng cứu hộ giúp đỡ người dân thành phố Hà Giang trong trận ngập lụt ngày 10.6.2024.

Lời Bác dặn là đuốc sáng soi đường

Cách đây hơn 63 năm, ngày 26.3.1961, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Hà Giang vinh dự, tự hào và phấn khởi được đón Bác Hồ đến thăm. Những lời căn dặn của Bác vẫn còn nguyên giá trị, luôn là “kim chỉ nam”, là đuốc sáng soi đường, là niềm tin để Hà Giang thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Trong 8 lời Bác căn dặn, không phải ngẫu nhiên Người đặt yếu tố đoàn kết dân tộc lên hàng đầu. Người dạy: “Tất cả các dân tộc đều phải đoàn kết chặt chẽ, yêu thương, giúp đỡ nhau như anh em một nhà”. Bởi với một địa phương như Hà Giang có đa sắc tộc với 19 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa và phong tục, tập quán khác nhau; nếu không có sự đoàn kết chặt chẽ, rất dễ làm giảm đi sức mạnh và dễ trở thành kẽ hở để kẻ thù lợi dụng phá hoại. Mặt khác, Hà Giang nằm ở địa đầu cực Bắc, là phên giậu của quốc gia, chỉ có đoàn kết một lòng mới phát triển đời sống đồng bào và bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.

Kế thừa, phát huy truyền thống về tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp trong tỉnh Hà Giang đã và đang là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với đồng bào các dân tộc. Đặc biệt, việc đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức thành viên triển khai sâu rộng, làm cho tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Người thấm sâu vào tâm trí mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, tạo động lực và sự đồng thuận trong việc thúc đẩy xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết ngay tại cơ sở và tại mỗi địa bàn dân cư.

Cùng với việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, Hà Giang tập trung nhiều nguồn lực để chăm lo người nghèo. Các hoạt động vì người nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội... đã kịp thời động viên nhân dân bị thiên tai, hỏa hoạn; di dời nhà ở từ nơi nguy cơ mất an toàn ra nơi ở mới để sớm ổn định cuộc sống. Chỉ riêng Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khi toàn tỉnh huy động được số tiền hàng trăm tỷ đồng; hàng triệu ngày công hỗ trợ xây dựng 6.700 căn nhà… đã đủ chứng minh cho điều đó.

Bà con nhân dân xã Yên Thành (Quang Bình) đoàn kết, chung sức làm đường bê tông theo chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Bà con nhân dân xã Yên Thành (Quang Bình) đoàn kết, chung sức làm đường bê tông theo chương trình xây dựng Nông thôn mới.

Có thể thấy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được thể hiện đậm nét và mạnh mẽ khi đầu tháng 6.2024 thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của Nhân dân nhưng truyền thống yêu nước nồng nàn, tình nghĩa đồng bào sâu nặng lại hiện hữu khi lực lượng “4 tại chỗ” ngâm mình trong nước cứu trợ các gia đình bị ngập lụt; lực lượng Công an không sợ hiểm nguy cứu người bị nạn trong dòng lũ cuốn… Đó chỉ là một phần hình ảnh về sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc ở Hà Giang, không chỉ tạo ra động lực thúc đẩy KT – XH mà còn tạo ra lá chắn không thể xuyên thủng trước những âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch.

Giữ vững “thế trận” đại đoàn kết

Quyết tâm đập tan âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch và khắc phục hạn chế; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, Hà Giang đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt tư tưởng, quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; “Về công tác dân tộc, tôn giáo”; thực hiện tốt nhiệm vụ “Mặt trận lắng nghe Nhân dân nói”, tập hợp ý kiến, nguyện vọng, hiến kế của Nhân dân.

Bà con nhân dân xã Đường Âm (Bắc Mê) tích cực tham gia phát triển cây Hồi để nâng cao đời sống.
Bà con nhân dân xã Đường Âm (Bắc Mê) tích cực tham gia phát triển cây Hồi để nâng cao đời sống.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vàng Seo Cón cho biết: Tỉnh triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú trọng tính nêu gương và việc làm theo; lồng ghép nội dung học tập với việc thực hiện chương trình hành động bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng. Tích cực tham gia xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua kết nạp thêm thành viên là tổ chức và các cá nhân tiêu biểu. Thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân đề cao cảnh giác, đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, kích động, nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình”, “ tự diễn biến”, “ tự chuyển hóa”, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị, xã hội.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết dân tộc” ở khu dân cư; không ngừng khơi dậy truyền thống đoàn kết, gắn bó giữa các tầng lớp Nhân dân; giữa cán bộ, đảng viên với Nhân dân theo phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Tăng cường phối hợp giữa các tổ chức thành viên thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước. Vận động Nhân dân chủ động, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Tại khuôn viên trụ sở Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang hôm nay, cây Đại được Bác Hồ trồng khi đến thăm Hà Giang hơn 63 năm trước như một minh chứng lịch sử của sự phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và sự đổi thay, phát triển của tỉnh nhà. Nơi Bác đứng nói chuyện với Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc nay đã trở thành Quảng trường 26.3, nơi thường xuyên diễn ra những sự kiện lớn của tỉnh. Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Hà Giang và những lời căn dặn của Bác như còn vang vọng, trở thành chân lý, có giá trị vĩnh cửu cho các thế hệ đồng bào các dân tộc toàn tỉnh Hà Giang đi theo và quyết tâm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để đồng lòng, phấn đấu xây dựng Hà Giang ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: Kim Tiến


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tập huấn kỹ năng viết bài chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
BHG - Trong 2 ngày 29 - 30.5, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lớp Tập huấn kỹ năng viết bài chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
30/05/2024
Chủ nghĩa Mác-Lênin tiếp tục soi sáng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
V.I.Lênin - nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của phong trào cộng sản toàn thế giới đã có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do cho các dân tộc, vì hạnh phúc của toàn thể nhân loại. Những di sản mà Lênin để lại cho toàn thể nhân loại tiến bộ là vô cùng to lớn trên cả phương diện lý luận và từ chính thực tiễn hoạt động cách mạng của Người. Ðối với cách mạng Việt Nam, tư tưởng của V.I.Lênin không chỉ là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng mà vẫn đang tiếp tục chỉ dẫn cho mỗi bước đi trong chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới.
28/04/2024
Quy chế Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch năm 2024

Ngày 18.3.2024, Ban tổ chức Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch năm 2024 của tỉnh ban hành quy chế Cuộc thi. Để xem chi tiết nội dung quy chế, bạn đọc nhấn vào đường link dưới đây:

26/03/2024
 Không thể xuyên tạc thực tế tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay
BHG - Theo Sách trắng Tôn giáo Việt Nam năm 2023: Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, các tôn giáo ở Việt Nam đều có đóng góp nhất định cho đất nước trên nhiều phương diện của đời sống xã hội. Hiện nay, ở Việt Nam có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của những người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; Nhà nước bảo đảm sự đa dạng, hòa hợp và bình đẳng tôn giáo và không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào xã hội, đóng góp thiết thực vào sự phát triển đất nước.
25/01/2024