Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng Trường Sa (29.4.1975 - 29.4.2023)
Bộ đội Cụ Hồ nơi đầu sóng
BHG - Kỳ 2: Từ Trường Sa tới Trường Sa Đông
Tại Quân cảng Cam Ranh hôm ấy, trên chuyến tàu ra các đảo, chúng tôi gặp rất nhiều chiến sỹ trẻ đi nhận nhiệm vụ tại các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Vừa rời ghế nhà trường, gác lại ước mơ, hoài bão phía trước, họ tình nguyện lên đường nhập ngũ, xung phong làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, với tâm niệm tiếp bước cha ông, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Những chiến sỹ trẻ ở đảo Trường Sa Đông. |
Rời đảo Trường Sa, vượt qua những con sóng dữ, con tàu 561 đưa chúng tôi đến với cán bộ, chiến sỹ đảo An Bang - đảo cực Nam của huyện Trường Sa. Để vào được An Bang luôn gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm bởi sóng, gió, bởi địa hình, địa mạo của đảo. Các anh trong đoàn công tác của Vùng 4 Hải quân cho biết: Nhiều chuyến tàu từ đất liền đến thăm cán bộ, chiến sỹ (CBCS) đảo An Bang vào đúng mùa sóng dữ đã không thể vào được đảo. Đành người trên tàu nhìn vào, người ở đảo nhìn ra… ngậm ngùi. Cũng chính vì thế, để đón các đoàn khách từ đất liền ra thăm, đảo An Bang đã thành lập lực lượng kéo xuồng (xuồng chở khách, CBCS từ tàu vào đảo và ngược lại). Lực lượng này thường xuyên được huấn luyện riêng biệt, luôn thuần thục các tình huống sóng gió phức tạp.
Thế rồi, bằng sự quyết tâm, với sự trợ giúp đắc lực của thủy thủ tàu, của CBCS đảo, 2 chiếc xuồng cũng vượt sóng, đưa chúng tôi cập đảo an toàn.
Là một trong 5 đảo có 3 điểm đảo của huyện Trường Sa, nhìn từ xa cụm đảo Đá Đông như những ngọn hải đăng lung linh, hiên ngang vững vàng giữa biển khơi.
Hiên ngang đảo Đá Tây. Ảnh: Hoa Sim |
Ở đảo Đá Đông, khí hậu khắc nghiệt, hay giông bão bất thường ảnh hưởng đến các hoạt động của đảo. Trước đây, nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt được khai thác từ nước mưa và vận chuyển từ đất liền ra. Được trang bị hệ thống bể chứa nên đảo đã chủ động được nguồn nước, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho CBCS ở 3 điểm. Cũng từ các biện pháp linh hoạt khi sử dụng nước ngọt, phù hợp trong sinh hoạt mà CBCS đảo Đá Đông đã tiết kiệm được nguồn nước để chăn nuôi, trồng rau xanh trên đảo.
Đảo Trường Sa Đông được bao bọc bởi lớp lớp cây xanh, đẹp mê hồn giữa biển xanh cát trắng. Nghe tiếng chuông chùa trên đảo, thấy bình yên đến lạ.
Trên hải trình từ đảo Đá Đông đến Trường Sa Đông, chúng tôi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cụm đảo Đá Tây. Được ví như một thành phố nhỏ giữa biển, đảo Đá Tây có Trung tâm dịch vụ Hậu cần kỹ thuật nghề cá (thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT), Âu tàu Đá Tây là điểm tựa cho ngư dân khi bám biển dài ngày.
Bảng tin tổng hợp của đảo An Bang. Ảnh: Phương Hoa |
Thượng tá Dương Chí Nguyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146 cho biết: Đá Tây là đảo đầu tiên của huyện đảo Trường Sa thực hiện dự án xây nhà cộng đồng (Khánh thành đưa vào sử dụng tháng 5.2012 tại điểm Đá Tây A) trong Chương trình “góp đá xây Trường Sa” giai đoạn 1 do Báo Tuổi trẻ tổ chức. Năm 2013, cũng ở Đá Tây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tài trợ xây 2 nhà cộng đồng tại điểm đảo Đá Tây B và điểm đảo Đá Tây C.
Cũng như ở Trường Sa, những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhiều công trình trên các đảo như nhà ở, nơi làm việc, các công trình phục vụ sinh hoạt, phục vụ chiến đấu của các đảo đã được xây dựng khang trang, vững chắc. Đời sống vật chất tinh thần của CBCS đảo từng bước được cải thiện. Mỗi đảo đều có tủ sách, báo từ gần 1.000 đến hơn 2.500 đầu sách và trên 20 đầu báo các loại.
Đến các đảo, giờ nghỉ chúng tôi đều bắt gặp hình ảnh CBCS cùng chăm chú xem bảng tin tổng hợp của đơn vị. Các thông tin được viết ngắn gọn, giúp bộ đội trên đảo nắm bắt các thông tin thời sự trong nước, thế giới, định hướng chỉ đạo của cấp trên, hoạt động thi đua của đơn vị trong tuần. Phần “Lời Bác dạy ngày này năm xưa” được bố trí ở vị trí trang trọng, cung cấp nhiều nội dung về lời dạy của Bác Hồ. Qua đó, từng CBCS cụ thể hóa các lời dạy của Bác để học tập và rèn luyện, thực hiện nhiệm vụ. Cũng một phần từ bảng tin, những việc làm tốt, cách làm hay cũng nhanh chóng được nhân rộng trong đơn vị.
Cũng chính từ “Học tập và làm theo Bác”, trong gian khó phẩm chất người quân nhân cách mạng càng ngời sáng, họ luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, đoàn kết, phát huy nội lực, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn quyết tâm bám trụ, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Huấn luyện thuần thục các phương án chiến đấu bảo vệ đảo, làm chủ các loại vũ khí, trang bị hiện có. CBCS các đảo cũng luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong mọi tình huống. Tích cực tham gia cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu giúp đỡ ngư dân; khám, cấp thuốc miễn phí cho hàng trăm lượt ngư dân. Hàng năm, qua kiểm tra của các đoàn công tác của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Vùng 4 và Lữ đoàn, các đảo đều được đánh giá “Đảo đạt loại Khá” và “Giỏi” về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Theo Trung tá Trịnh Xuân Huân, Phó Chỉ huy trưởng Lữ đoàn 146: Năm 2022, tổng sản lượng tăng gia của các đảo đều vượt chỉ tiêu đề ra. Đảo Trường Sa Đông là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào tăng gia, chăn nuôi của Lữ đoàn 146. CBCS đảo Trường Sa Đông còn sáng tạo thiết kế thành công lò ấp trứng gia cầm, thủy cầm bằng đèn đầu tiên trên quần đảo Trường Sa. Những năm trước đây đảo An Bang phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ đất liền, thì nay đảo đã tự túc hoàn toàn nhu cầu rau xanh.
“Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, dẫu biết rằng còn vất vả, khó khăn, song vẫn không làm giảm đi tinh thần yêu đảo, yêu biển của CBCS huyện đảo Trường Sa. Họ đã và đang xây dựng đảo “Mạnh về phòng thủ, tốt về nếp sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài, ảnh: ĐẶNG THỊ PHƯƠNG HOA
Ý kiến bạn đọc