Khắc phục khó khăn thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
BHG - Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những năm qua kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển khá nhưng vẫn còn không ít khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, nhất là trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cơ bản ổn định, song tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp. Đáng chú ý, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền kích động đồng bào di, dịch cư tự do; truyền, học đạo trái pháp luật, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai thường xảy ra, gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của Nhà nước, nhân dân. Đặc biệt, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển KT-XH, QP-AN của cả nước. Trên tuyến biên giới tiếp giáp với Trung Quốc tuy đã hoàn thành việc phân giới, cắm mốc nhưng hiện tượng buôn bán phụ nữ, trẻ em, gian lận thương mại, qua lại biên giới bất hợp pháp... vẫn xảy ra.
Nhận thức rõ những khó khăn và nắm chắc đặc điểm địa bàn, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường lãnh, chỉ đạo, tổ chức tốt công tác giáo dục quốc phòng, tạo cơ sở xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, thế trận lòng dân vững chắc, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Hội đồng Giáo dục quốc phòng – An ninh (GDQP – AN) đã tham mưu BTV Tỉnh ủy chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, phổ biến quán triệt trong các hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng, sơ kết, tổng kết… nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn dân, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, ngành đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Từ đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất, quan tâm của lãnh đạo các cấp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện, tạo chuyển biến toàn diện cả về nội dung, hình thức, quy mô, đối tượng. Với vai trò là cơ quan Thường trực Hội đồng GDQP – AN của tỉnh, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu kiện toàn Hội đồng GDQP – AN các cấp đảm bảo đủ số lượng, thành phần, cơ cấu hợp lý, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, xây dựng quy chế hoạt động đúng quy định, nhất là sau mỗi kỳ đại hội Đảng, Bầu cử HĐND các cấp, thay đổi cán bộ chủ chốt... Đồng thời, ban hành các văn bản, hướng dẫn thực hiện công tác GDQP - AN sát với đặc điểm, thực tế của địa phương.
Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị diễn tập khu vực phòng thủ huyện Mèo Vạc năm 2021. |
Là tỉnh miền núi, biên giới, địa bàn rộng, số lượng cán bộ trong diện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh lớn nên Hội đồng GDQP – AN tỉnh chủ động tham mưu cho UBND tỉnh phân cấp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các cấp, mở rộng đối tượng bồi dưỡng vừa tạo điều kiện cho cán bộ chủ động tham gia học tập, vừa tiết kiệm thời gian, kinh phí. Thực hiện chủ trương của tỉnh, các địa phương, cơ quan, ban, ngành đã chủ động, nhạy bén, có nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc điểm địa bàn. Những năm qua, Tỉnh ủy đã triệu tập, cử cán bộ thuộc đối tượng 1, 2 đi bồi dưỡng theo chỉ tiêu trên giao, Hội đồng GDQP – AN tỉnh chủ động mở các lớp bồi dưỡng tập trung cho cán bộ thuộc đối tượng 3 tại Trung đoàn 887 (Bộ CHQS tỉnh) và chỉ đạo các huyện, thành phố mở lớp bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên thuộc đối tượng 4 theo cụm xã. Để đạt hiệu quả cao, Hội đồng GDQP – AN tỉnh chỉ đạo lựa chọn cán bộ có trình độ, kiến thức, kinh nghiệm tham gia tổ giáo viên, thành lập khung quản lý các lớp bồi dưỡng và trích kinh phí hỗ trợ, bảo đảm nơi ăn, ở cho học viên trong thời gian học tập. Hội đồng GDQP – AN của tỉnh chỉ đạo Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố tích cực, chủ động lồng ghép bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ là học viên đang theo học các lớp cao học kinh tế, cao cấp, trung cấp lý luận, sơ cấp chính trị... Từ năm 2018 đến nay, Tỉnh ủy đã cử 66 cán bộ thuộc đối tượng 1, 2 tham gia các lớp bồi dưỡng do Quân khu tổ chức, đạt 100% chỉ tiêu; mở 21 lớp bồi dưỡng cho 2.581 cán bộ thuộc đối tượng 3; 410 lớp cho hơn 30.000 cán bộ, đảng viên thuộc đối tượng 4; 10 lớp cho 612 già làng, người có uy tín trong cộng đồng, chức sắc, chức việc tôn giáo và bồi dưỡng được gần 36.200 lượt học viên của Trường Chính trị, Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố. cùng với đó là việc triển khai thực hiện tốt công tác GDQP - AN cho học sinh, sinh viên…
Là địa phương sau cùng thoát khỏi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Đây là bài học thực tế sinh động nhất để giáo dục truyền thống, tinh thần bất khuất, chiến đấu dũng cảm “sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử” của người chiến sĩ mặt trận Vị Xuyên. Vì vậy, Hội đồng GDQP – AN tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, sở, ban, ngành, đoàn thể, nhất là các cơ sở giáo dục tăng cường tổ chức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên đến tham quan, viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, Đền thờ Liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên... góp phần xây dựng, bồi dưỡng nhân cách, nếp sống cho thế hệ trẻ, nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực thực hiện nghĩa vụ quân sự, công an, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tỉnh hiện có 19 dân tộc cùng sinh sống (trong đó nhiều nhất là dân tộc Mông chiếm 34,6%), trình độ dân trí của đồng bào còn nhiều hạn chế. Vì thế, Hội đồng GDQP – AN tỉnh chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân. Thời gian qua, Hội đồng GDQP – AN các cấp đã phối hợp với Ban Tuyên giáo, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… cấp mình tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền; lồng ghép tuyên truyền trong lễ hội của đồng bào các dân tộc, các phiên chợ, lễ giao nhận quân. Chỉ đạo các địa phương định kỳ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, nhằm đưa công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; phối hợp với Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hà Giang mở các chuyên trang, chuyên mục quốc phòng toàn dân, góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào về xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc; vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Từ đó, nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức gắn kết cộng đồng trong lao động, sản xuất, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, Hội đồng GDQP – AN các cấp cùng sự đoàn kết, quyết tâm khắc phục khó khăn của cả hệ thống chính trị, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh của tỉnh Hà Giang đã đi vào nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực, được Hội đồng GDQP – AN Quân khu 2 đánh giá cao. Đây là cơ sở, động lực góp phần quan trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc.
Đại tá LẠI TIẾN GIANG Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh