Trong vùng lõi ô nhiễm bom mìn, vật nổ - Kỳ 2: Vượt núi cao, thung sâu tìm liệt sĩ
BHG - Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã lùi về quá khứ hơn 3 thập kỷ, nhưng biết bao đồng đội của tôi vẫn nằm lại sa trường. Nếu thời gian tìm kiếm càng kéo dài, cơ hội “gặp lại” các anh càng khó - Thượng tá Lương Đức Luyện, Chính trị viên Đội Tìm kiếm - Quy tập (TKQT) hài cốt liệt sĩ (HCLS) không giấu được xúc động, nước mắt cứ trực trào…!
Từ khi thành lập đến nay, Đội Tìm kiếm – Quy tập hài cốt liệt sĩ đã tìm kiếm, quy tập 81 liệt sĩ và 1 mộ tập thể. |
Giai đoạn 1979 – 1989, tỉnh ta là địa bàn trọng điểm bị địch tiến hành chiến tranh lấn chiếm và phá hoại nhiều mặt so với toàn tuyến biên giới phía Bắc. Đồng thời, cũng là địa phương kết thúc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc muộn nhất cả nước… Theo số liệu thống kê của 12 đơn vị đầu mối tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tại Hà Giang, có trên 4.000 đồng chí anh dũng hy sinh. Hiện mới có hơn 2.700 liệt sĩ được an nghỉ tại 8 nghĩa trang trên địa bàn tỉnh; còn hàng nghìn liệt sĩ chưa được tìm thấy, cất bốc và quy tập.
Các anh vẫn nằm lại chiến trường xưa khiến đồng đội không khỏi xót xa. Bởi các anh còn đang: “Gửi thân xác nơi đầu non, góc núi/ Nơi bờ khe, triền suối/ Quạnh quẽ trắng sương, lạnh lẽo gió lùa/ Rát bỏng nắng Hè, buốt gió sương Đông” (thơ Đặng Việt Châu, nguyên Phó Phòng Chính trị Sư đoàn 356). Và bao thập kỷ qua, nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập HCLS đã trở thành trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị. Là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong chính sách đối với người có công với cách mạng của Đảng, Nhà nước và công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, chính sách hậu phương quân đội.
Thiếu tá Hoàng Vũ Dũng, Phó Đội trưởng Đội TKQT HCLS (Bộ CHQS tỉnh) chia sẻ: Kể từ khi thành lập (tháng 8.2018) đến nay, đơn vị đã tổ chức TKQT 81 bộ HCLS và 1 mộ tập thể, không xác định được số lượng liệt sĩ. Để thực hiện nhiệm vụ, Đội đã chủ động kết nối thông tin với cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên địa bàn tỉnh, các tổ chức, cá nhân có liên quan; phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, nhất là thân nhân liệt sĩ trong việc cung cấp thông tin về liệt sĩ còn nằm ngoài nghĩa trang chưa được quy tập. Đặc biệt, đơn vị đã đến 60 thôn, bản, 5.209 gia đình, gặp gỡ cựu chiến binh các xã biên giới: Minh Tân, Thanh Thủy, Thanh Đức, Xín Chải, Lao Chải (Vị Xuyên) và nhiều địa phương khác để tuyên truyền, phát tờ rơi tìm kiếm thông tin liệt sĩ. Từ đầu mối này, Đội tiếp nhận 90 thông tin liệt sĩ. Trên cơ sở đó, phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền sở tại tiến hành khảo sát, xác minh, kết luận, TKQT HCLS. Không những vậy, Đội còn hiệp đồng cung cấp thông tin với 11 đội rà phá BM, VN để nắm tình hình HCLS, thuận tiện cho nhiệm vụ TKQT.
Thiếu tá Hoàng Vũ Dũng kể: Theo thông tin được cung cấp về mộ liệt sĩ, có địa điểm chúng tôi buộc phải đi bộ hơn 3 giờ đồng hồ, thậm chí cả buổi mới tới. Anh em trong Đội sẵn sàng ăn lán, ngủ rừng, toàn tâm, toàn ý. TKQT HCLS. Có vị trí không thể dùng máy xúc để tìm kiếm, buộc phải dùng sức người, đào từng rãnh rộng 40 cm, sâu 1,2 m; cứ cách 50 cm lại có một rãnh như vậy trong khu vực nghi có HCLS. Khi hoàn thành quy tập, có khu vực bị xới rộng gần 400 m. Quá trình TKQT HCLS, Đội gặp không ít trở ngại: Địa hình rộng mà khu vực trọng điểm tìm kiếm nhiều BM, VC chưa thể rà phá. Hoặc nhiều vị trí là núi đá cheo leo, hiểm trở, việc di chuyển vừa khó vừa nguy hiểm. Có khi, vị trí tìm kiếm là các hang sâu, phải giằng dây, đu người xuống, dùng đèn pin soi đường. Không ít hang đá bị sập do tác động của đạn, pháo, lượng đất, đá bị vùi lấp rất lớn...
Theo Thượng tá Trần Hữu Khanh, Trưởng ban Chính sách (Bộ CHQS tỉnh): Việc TKQT HCLS có thể ví như “mò kim đáy bể”. Bởi, chiến tranh đã lùi xa nhiều thập kỷ, HCLS nằm lại chiến trường không còn nguyên vẹn, thậm chí phân hủy ở mức độ cao; nhất là những đồng chí hy sinh ngoài công sự. Điều này khiến chúng tôi không thể tìm được mẫu vật phẩm quan trọng, như: Răng, xương đốt ngón tay, ống chân… để thực hiện giám định ADN. Do vậy, rất nhiều đồng chí dù đã về an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên nhưng bia mộ vẫn còn trống thông tin – điều khiến bất cứ ai chứng kiến cũng không khỏi chạnh lòng… Theo thời gian, dưới biến cố của địa hình, các tác động của con người, gia súc dẫn đến khả năng phát hiện, quy tập HCLS gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nhân chứng ngày càng ít, chủ yếu là người cư trú ngoài địa bàn tỉnh. Song, nhiều người trong số họ đã già, sức khỏe yếu, trí giảm, không nhớ rõ ký hiệu, phiên hiệu đơn vị, địa danh, địa bàn, nơi chôn cất liệt sĩ. Mặt khác, sau chiến tranh, nhiều đơn vị giải thể, sáp nhập, công tác quản lý, bàn giao hồ sơ, danh sách liệt sĩ, sơ đồ mộ chí, hồ sơ quy tập chưa chặt chẽ, khoa học; nhiều hồ sơ, giấy tờ liên quan đến liệt sĩ bị thất lạc khiến công tác TKQT HCLS thêm khó…
Trung tướng Hoàng Châu Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam – người từng có năm tháng thanh xuân chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, xúc động: Chỉ khi nào quy tập HCLS quốc tế trở về mới thực hiện lễ truy điệu và an táng cấp tỉnh. Nhưng ở Hà Giang, dù là quy tập tại địa phương nhưng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tổ chức trang trọng theo nghi thức cấp tỉnh. Đây thực sự là trách nhiệm, nghĩa tình sâu nặng, sự thành kính, tri ân sâu sắc với những người lính mãi mãi tuổi đôi mươi!.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG