Chuyện "Con nuôi Đồn Biên phòng"
Xuân 2020 - Những ngày ở các Đồn Biên phòng của tỉnh, như ấm cúng hơn bởi những tiếng học bài, tiếng cười giòn tan của trẻ nhỏ. Đó là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình không có điều kiện nuôi các cháu ăn học, được các Đồn Biên phòng đón nhận làm con nuôi.
Các con nuôi ở Đồn Biên phòng Lũng Cú. Ảnh: Tạ Tùng (Đồn Biên phòng Lũng Cú) |
Thực hiện mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” do Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) triển khai từ cuối tháng 7.2019, đến nay đã có 12/12 Đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh nhận 26 cháu nhỏ đưa về đồn làm con nuôi. Trong đó, Đồn Biên phòng Sơn Vĩ nhận 6 cháu nhỏ con của 6 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn làm con nuôi từ đầu năm học 2018 – 2019; Đồn Lũng Cú, Phó Bảng, mỗi đồn 3 cháu, còn lại mỗi đồn 1 - 2 cháu. Đối với 2 Đồn Biên phòng Lũng Cú và Xín Mần, mô hình đã được thực hiện từ năm 2016. Bởi trước đó, năm 2014, thực hiện Chương trình Nâng bước em đến trường (12 đồn và các phòng ban của BĐBP tỉnh nhận đỡ đầu 152 cháu), 2 đồn phối hợp với địa phương và nhà trường trên địa bàn rà soát, lựa chọn và nhận đỡ đầu. Ở Đồn Biên phòng Lũng Cú, qua rà soát, lựa chọn có 3 cháu trong một gia đình dân tộc Mông ở thôn Mã Lủng A, xã Má Lé (Đồng Văn): Thò Thị Dính (sinh 2005), Thò Mí Và (sinh 2008), Thò Thị Xúa (sinh 2012), có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bố chết, mẹ bỏ các cháu đi lấy chồng xa, các cháu ở với bà nội đã hơn 70 tuổi. Để đón các cháu về nuôi dưỡng tại đồn, đơn vị đã chuẩn bị nơi ăn, chỗ ở, các đồ dùng phục vụ sinh hoạt cho các cháu. Thành lập tổ nuôi dưỡng, dạy dỗ 3 cháu tại đơn vị, do đồng chí Chính trị viên phó làm tổ trưởng, hàng ngày thay nhau dạy bảo 3 cháu về sinh hoạt và học tập.
Đồng chí Phạm Ngọc Thủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lũng Cú, cho biết: Trong quá trình nhận nuôi dưỡng, đơn vị thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình và nhà trường để giúp đỡ các cháu; vận động sự ủng hộ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm; huy động cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đóng góp xây dựng quỹ nuôi các cháu.
Những ngày mới về các đồn, các cháu chưa quen và còn khóc vì nhớ nhà, cán bộ, chiến sỹ luôn phải động viên các cháu. Khi các cháu dần quen nếp sinh hoạt ở đồn và đi học, đơn vị lại phân công người đưa đón các cháu đến trường. Việc ăn uống, vệ sinh, ngủ nghỉ cũng được các đơn vị hàng ngày chăm lo chu đáo.
Nhận được tình yêu thương, sự chỉ bảo tận tình và có sự kèm cặp mỗi ngày của các chú bộ đội, các cháu bắt đầu tự tin và có ý thức vươn lên. Thò Thị Dính khoe: Cháu đang học lớp 9, em Xúa lớp 2, cùng ở xã Má Lé, em Và được các “Bố Biên phòng” xin cho học lớp 6 trường Nội trú huyện. Trước đây, đường từ nhà đến trường phải gần 2 giờ đi bộ, qua nhiều dốc. Nay đi học gần lắm; hàng ngày, chúng cháu còn được các chú bộ đội đưa đi, đón về. Thỉnh thoảng vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật, chị em cháu còn được các chú đưa về thăm nhà nữa.
Cùng việc nuôi 3 chị em, hàng tháng cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Lũng Cú còn hỗ trợ 9 cháu khác có hoàn cảnh gia đình khó khăn trên địa bàn.
Theo đồng chí Đỗ Đại Thắng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, các cháu được nhận làm con nuôi đều có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, hoặc cha mẹ ly hôn, không có việc làm ổn định… Khi về Đồn Biên phòng, các cháu được cán bộ, chiến sĩ của đồn yêu thương, lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ, được đến trường học tập.
Cháu Hoàng Văn Vinh, đang học lớp 6 Trường THCS xã Sơn Vĩ, cho biết: Hàng ngày, cứ sau khi báo thức của đơn vị cũng là lúc cháu và 5 bạn được các bác, các chú bộ đội gọi dậy để tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng và được đưa đi học. Sau giờ làm việc, các chú đều trò chuyện, bảo ban, chỉ dẫn cho chúng cháu.
Đồng chí Đào Hồng Hà, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, cho biết: Toàn bộ chi phí ăn học, quần áo, sách vở của 26 con nuôi đồn đều do các cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh và các đồn đóng góp, đảm bảo ăn ở, nuôi dạy các cháu đến khi học xong Phổ thông Trung học. Đồng thời thực hiện tiếp nếu các cháu đi học đại học hoặc đủ điều kiện nhập ngũ. Đơn vị cũng tiếp tục duy trì chương trình Nâng bước em đến trường cho 144 cháu.
Đến các Đồn Biên phòng, tận mắt thấy cán bộ, chiến sỹ nhiệt tình chăm sóc, bảo ban các cháu, từ bữa ăn, giờ học, chúng tôi càng cảm phục những tình cảm của những người lính Biên phòng nơi biên giới.
“Nâng bước em tới trường”, tiếp đó là mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” là việc làm đầy tính nhân văn sẽ là điểm tựa vững vàng mở ra những cơ hội mới cho các cháu học sinh mồ côi, là người dân tộc đặc biệt khó khăn nơi biên giới.
Ở biên cương giờ đây có thêm những mái ấm. Mái ấm ấy được tạo nên từ những trái tim nồng hậu, từ cả sự yêu thương của những người lính, những “Người Bố Biên phòng”, sưởi ấm lòng người nơi biên giới.
Hoa Sim
Ý kiến bạn đọc