Đồng Văn thực hiện phương châm "Dễ làm trước, khó làm sau"
BHG - Trước tình trạng nguồn lực hạn hẹp, Đồng Văn triển khai Chương trình Cải tạo vườn tạp theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để biến những mảnh vườn tạp thành sinh kế giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo.
Người dân xã Tả Lủng cải tạo đất vườn trồng cây Sâm khoai. |
Giống như các huyện vùng cao núi đá phía Bắc, huyện Đồng Văn gặp nhiều khó khăn về phát triển KT – XH; mức sống người dân còn thấp. Toàn huyện có diện tích tự nhiên trên 45.100 ha; trong đó, trên 13.100 ha đất trồng cây hàng năm; diện tích núi đá trên 30.100 ha, chiếm 67,8% tổng diện tích tự nhiên, còn lại là đất phi nông nghiệp. Địa hình phức tạp và bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, độ cao trung bình 1.200m so với mặt nước biển; mùa khô hiếu nước từ 3 - 5 tháng. Huyện có trên 82.000 người, với 17 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 87,51%. Đến cuối năm 2020, toàn huyện có 16.514 hộ (hộ nghèo là 6.933 hộ, hộ cận nghèo là 4.757 hộ, hộ không nghèo 4.824 hộ).
Đa số các hộ trên địa bàn huyện chỉ có diện tích nhà ở, không có vườn liền kề; có 1.060 hộ có vườn để phát triển kinh tế vườn hộ. Tuy nhiên, việc áp ứng dụng KHKT vào sản xuất hạn chế, sản xuất phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên; tư duy sản xuất dựa vào kinh nghiệm truyền thống nên năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập thấp. Sản xuất trong khu vườn chỉ mang tính quảng canh, trồng các loại cây tạp, cây rau màu phục vụ sinh hoạt hàng ngày, chưa chú trọng đầu tư chăm sóc, chưa được quy hoạch; chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ… Trước thực trạng đó, địa phương tập trung triển khai các giải pháp cải tạo vườn tạp một cách đồng bộ từ các cấp, ngành đến người nông dân, với quan điểm “không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau”, hướng đến mục tiêu cốt lõi giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất và phương pháp chăn nuôi, trồng trọt trên chính đất vườn của gia đình; tạo sinh kế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Đồng chí Dinh Chí Thành, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Xác định cải tạo vườn tạp là quyết sách phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và được người dân đồng thuận, huyện tập trung chuyển đổi canh tác cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng, vật nuôi giá trị kinh tế cao; ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất vườn hộ. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền từ huyện, xã, thôn, tổ dân phố vào cuộc phụ trách, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo cải tạo vườn tạp; mỗi xã, thị trấn xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cải tạo vườn tạp cụ thể, phù hợp với thực tế địa phương. Đồng thời, huyện huy động các nguồn lực Nhà nước, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ cải tạo các vườn tạp, tăng thu nhập cho Nhân dân.
Xác định thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất lâu đời của người dân luôn là một bài toán khó, do đó huyện Đồng Văn đẩy mạnh tuyên truyền; mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên là một nhân tố gương mẫu, nòng cốt, trong công tác vận động; tích cực hưởng ứng, tham gia Chương trình Cải tạo vườn tạp. Trước nguồn lực hạn hẹp, địa phương thực hiện cải tạo vườn tạp theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”; trong đó, tập trung quy hoạch, sắp xếp, bố trí lại cấu trúc không gian vườn hộ một cách hợp lý, khoa học, phù hợp với quy mô thực tế từng hộ, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn; phù hợp giữa nhà ở - khu vực chăn nuôi - vườn hộ gắn với du lịch. Mặt khác, cơ cấu lại giống cây trồng, vật nuôi có chu kỳ sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của vùng; đưa các cây, con giống có năng suất, chất lượng cao, là thế mạnh của vùng vào sản xuất.
Ngay từ khi bắt tay thực hiện Chương trình Cải tạo vườn tạp, xã Tả Lủng (Đồng Văn) tập trung tuyên truyền tới người dân hiểu về lợi ích khi tham gia cải tạo vườn tạp nên đã có nhiều hộ đăng ký. Chủ tịch UBND xã Tả Lủng, Dương Văn Nghị cho biết: Các hộ dân trong xã trước chủ yếu trồng cây rau màu phục vụ đời sống hàng ngày; sau khi nhận thấy lợi ích, nhiều hộ quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Xã huy động cán bộ, đảng viên giúp ngày công kè đá, san mặt bằng, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân; tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
Theo lộ trình, Đồng Văn phấn đấu đến năm 2025, thực hiện trên 500 vườn/19 xã, thị trấn; quy mô diện tích vườn đạt tối thiểu từ 100m2 trở lên. Khắc phục khó khăn về địa hình, địa phương tiến hành kè đá, đổ đất tạo mặt bằng, sắp xếp cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị; xây dựng hàng rào xanh, hàng rào đá; hệ thống cấp nước, hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi. Đồng thời, yêu cầu các hộ tham gia cải tạo vườn tạp cam kết đảm bảo đạt các tiêu chí: Có sơ đồ cải tạo vườn tạp, ứng dụng tiến bộ KHKT vào ít nhất một trong các khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến hoặc hệ thống tưới; sản phẩm hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; cải tạo vườn đá, kè đá, đổ đất tạo mặt bằng phải có độ dày tối thiểu 60cm trở lên…
Với những giải pháp mang tính đồng bộ, khắc phục bất lợi về địa hình, khí hậu, huyện Đồng Văn đang đưa Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về Cải tạo vườn tạp vào cuộc sống một cách hiệu quả; góp phần giúp đồng bào biên cương dần hình thành nếp tư duy mới trong sản xuất nông nghiệp, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Bài, ảnh: HẢI ĐĂNG
Ý kiến bạn đọc