11:20, 25/03/2021
BHG - Những mảnh vườn trên miền đá Mèo Vạc đang từng ngày được “hồi sinh” khi cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp người nông dân cải tạo vườn tạp.
|
Các lực lượng vũ trang huyện Mèo Vạc giúp nhân dân xã Niêm Sơn cải tạo vườn tạp. |
Thực tế gieo trồng trên mảnh vườn của các hộ huyện Mèo Vạc hiện đa số quảng canh, tự cung, tự cấp. Sản phẩm tăng gia từ vườn tuy đáp ứng một số nhu cầu thiết yếu, nhưng chưa thực sự đảm bảo nhu cầu về dinh dưỡng hàng ngày. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trên địa bàn huyện còn cao. Sản phẩm từ vườn phần lớn chưa trở thành hàng hóa để tạo thu nhập. Tính đến tháng 12.2020, toàn huyện Mèo Vạc có 16.553 hộ; trong đó, 14.400 hộ có diện tích vườn tạp. Riêng các hộ nghèo, cận nghèo có 8.226 hộ, chiếm 57,12% tổng số hộ có vườn tạp. Ước tổng diện tích vườn tạp toàn huyện trên 583 ha/14.400 hộ, bình quân hơn 400 m²/hộ.
Đồng chí Vương Ngọc Hà, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc cho biết: Ngay khi BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 05 và Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết về “Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025”, BTV Huyện ủy, Ban chỉ đạo cải tạo vườn tạp của huyện xây dựng chương trình hành động cụ thể và kế hoạch triển khai thực hiện trong năm 2021. Theo đó, năm nay huyện phấn đấu triển khai thực hiện cải tạo vườn tạp tại 100 hộ nghèo, cận nghèo; trong đó, 30 hộ thực hiện đổ đất, san gạt tạo mặt bằng canh tác mới; với diện tích tối thiểu 500 m2/hộ. Tính đến ngày 16.3, toàn huyện có 18/18 xã, thị trấn ra quân thực hiện cải tạo vườn tạp được 27 vườn/29 hộ tại 22 thôn; tổng diện tích vườn thực hiện cải tạo gần 62.850 m2.
Bên cạnh đó, các xã tuyên truyền 53 buổi cho gần 6.400 lượt người; mở 3 lớp tập huấn cho 182 người, nội dung tập huấn chủ yếu về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi; kỹ thuật cải tạo đất, bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp gắn với chăn nuôi hợp vệ sinh. Mặt khác, huyện huy động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ các hộ thực hiện được trên 34 triệu đồng (ủng hộ cây, con giống, vật tư) và 843 ngày công. Các xã, thị trấn lựa chọn các hộ có nhu cầu cải tạo vườn tạp và tự nguyện tham gia thực hiện, đảm bảo quy mô, đề xuất các hạng mục cải tạo theo đúng định hướng và phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình, địa phương; các xã huy động đông đảo cán bộ và nhân dân tham gia giúp đỡ các hộ thực hiện.
Gia đình anh Lầu Mí Nô, thôn Tả Lủng B, xã Tả Lủng cải tạo trên 1.800 m2 vườn tạp, gồm 9 hạng mục: Xếp kè bờ nương; đổ đất tạo mặt bằng canh tác; xây hố gom, ủ phân; trồng cây ăn quả; trồng cây lâm nghiệp; trồng các loại cây hàng năm; trồng cỏ; phát triển nuôi lợn và nuôi gia cầm. Anh Nô chia sẻ: “Vườn nhà trước đây chỉ trồng những loại cây phục vụ sinh hoạt hàng ngày nên khi được lựa chọn thực hiện cải tạo, gia đình trồng 35 cây ăn quả (mận, lê, đào) và 50 cây lâm nghiệp; xếp được 100 m bờ kè đá giữ đất và tạo hàng rào; đổ đất tạo mặt bằng canh tác 250 m2; phát triển chăn nuôi bò được 2 con và 20 con gia cầm... Hiện, gia đình đang tiếp tục trồng cây hàng năm, trồng các loại rau, đậu, cỏ theo đúng tiến độ và lịch thời vụ”.
Theo đồng chí Tề Văn Lâm, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mèo Vạc: Trước khó khăn về đặc thù vùng cao núi đá cũng như phong tục, tập quán canh tác, để thực sự thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, tạo sự lan tỏa thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp, huyện kiến nghị tỉnh xem xét ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng đặc thù, đủ mạnh, phù hợp với điều kiện các hộ nghèo, cận nghèo thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp, nhất là hạng mục đổ đất, tạo mặt bằng canh tác mới; xem xét sớm phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất năm 2021 để địa phương bố trí lồng ghép hỗ trợ các hộ thực hiện.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền địa phương và nỗ lực vươn lên của người dân đang giúp “hồi sinh” những mảnh vườn trên miền đá Mèo Vạc.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc